Trong vụ án ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) bị cáo buộc giúp sức cho Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên GĐ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, thuộc cấp của Hùng) “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, hồ sơ vụ án có nhiều “góc khuất” khiến dư luận phải đặt câu hỏi: “Liệu có phải là một vụ án trù dập, trả thù người tố giác”?
Không thông báo Tỉnh ủy, HĐND tỉnh
Hồ sơ cho thấy, ông Nguyễn Hiệp Hòa (SN 1970, ngụ Bình Dương) có đơn tố giác viết tay dài 6 trang A4 nêu rằng giữa Ngân hàng BIDV mà đại diện là ông Lộc đã kết hợp ông Khanh lạm dụng chức vụ để hăm dọa mẹ ông là cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945) bán lại tất cả tài sản thế chấp tại BIDV. BI
Bên ngoài đơn tố giác đề “Kính gửi ông Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương”, viết vào ngày 16/10/2016, khi ông Hòa đang sống tại huyện Châu Thành, Tiền Giang. Trong ngày 16, ông Hòa trực tiếp đến Công an Bình Dương nộp đơn.
Tại sao tố cáo chỉ nhắm vào ông Khanh?
Ngày 16/10/2016, ông Hòa tố giác BIDV và ông Khanh cấu kết, lợi dụng chức vụ ép cụ Hiệp bán tài sản thế chấp. Nhưng kỳ lạ, đến ngày 28/5/2018, ông Hòa lại có đơn xin rút tố cáo.
Đơn nêu: “Nguyên trước đây, tôi có bức xúc và viết đơn tố cáo một số cá nhân cán bộ Ngân hàng BIDV đã cấu kết với ông Nguyễn Hồng Khanh bán tài sản thế chấp của mẹ tôi. Trong thời gian qua kể từ ngày mẹ tôi mất, tôi suy nghĩ rất nhiều và cặn kẽ. Nay tôi quyết định viết đơn này xin rút đơn tố cáo các cán bộ Ngân hàng BIDV”.
“Nội dung đơn tố giác cho thấy, ông Hòa rút đơn đối với cán bộ ngân hàng, còn đối với ông Khanh thì không.
Kết hợp với nội dung bất thường khác trong vụ việc, tôi thấy dường như sự việc có một ai đó “đạo diễn”, nhắm toàn bộ vào ông Khanh”, LS Lê Thị Minh Nhân nói.
Đơn được thụ lý cấp tốc trong ngày 16/10. Cùng trong ngày này, ông Trần Văn Chính, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra Quyết định số 179/PC46 phân công giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố. Cũng trong ngày, VKSND Bình Dương ra quyết định phân công kiểm sát viên kiểm sát việc tố giác tội phạm.
Cả hai quyết định trên đều xoáy vào “ông Hòa tố cáo ông Khanh lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản của ông Hòa, cụ Hiệp và Công ty An Tây”. Quyết định không hề nhắc đến Ngân hàng BIDV dù trong đơn tố giác ông Hòa nêu rõ “đại diện BIDV cấu kết với ông Khanh”.
Lạ hơn nữa, Công an Bình Dương trong vụ này thực hiện quy trình ngược trong thụ lý đơn tố giác, ngày 16/10 đã có quyết định phân công điều tra nhưng đến ngày 18/10 mới ra thông báo “về việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố”.
Luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội), cho hay cơ quan tố tụng còn có nhiều dấu hiệu vi phạm khác: “Từ khi bị bắt, ông Khanh bị CQĐT cản trở không cho gặp thân nhân, không cho thực hiện quyền nhờ luật sư bào chữa, quyền khiếu nại, tố cáo. Nhiều lần ông Khanh làm đơn kêu oan, khiếu nại nhưng không được cán bộ trại giam chuyển đi”.
“Khi bị tố cáo, ông Khanh đang là Tỉnh ủy viên, Đại biểu HĐND tỉnh, nhưng suốt quá trình từ cuối năm 2016 CQĐT làm việc lấy lời khai cho đến khi khởi tố và bắt ông Khanh, hai cơ quan trên không được CQĐT thông báo vụ việc”.
Không xuống nơi có đất vẫn “thẩm định” được giá
Còn có vi phạm khác, theo các LS, là việc định giá tài sản là quyền sử dụng đất của cụ Hiệp để tính toán thiệt hại trong vụ án là hơn 35 tỷ có nhiều bất thường.
LS Nguyễn Hoài Nghĩa nói: “Các tài sản ông Khanh bị cáo buộc mua rẻ do Hội đồng định giá tài sản thường xuyên trong tố tụng hình sự thực hiện định giá. Điều lạ thường là Hội đồng này lại sử dụng con dấu của Sở Tài chính Bình Dương.
Sau khi nhận được yêu cầu định giá tài sản của CQĐT, Hội đồng có công văn nói không định giá được nên đề nghị CQĐT đưa tài sản đến một công ty định giá để thực hiện. CQĐT chỉ định một công ty tư nhân thực hiện định giá và Hội đồng dựa vào chứng thư này để thẩm định lại. Như vậy việc định giá tài sản không khách quan, không độc lập”.
Việc định giá lại không có ý kiến của chủ đất là bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh), người đứng tên trong sổ đỏ, không xuống hiện trường nơi có đất để thẩm định thực tế.
“Theo định giá của Hội đồng này thì một ha đất nông nghiệp bỏ trống năm 2012 có giá 1,6 tỷ; năm 2013 có giá hơn 1,7 tỷ; năm 2015 là 3 tỷ; còn đất sản xuất công nghiệp 4,2 tỷ. Định giá này rất có vấn đề.
Chính năm 2015, trước khi đồng ý cho cụ Hiệp bán cho gia đình ông Khanh, BIDV thuê hai đơn vị định giá độc lập là Công ty CP tư vấn và thẩm định giá Đông Nam và Công ty CP thẩm định giá Thế Kỷ; thì 2 ha đất sản xuất công nghiệp chỉ có giá 3,9 tỷ (vợ ông Khanh mua 3 tỷ), tức 1,9 tỷ /ha. Thử so sánh định giá của Hội đồng định giá và hai công ty được BIDV thuê năm 2015 thì thấy có sự chênh lệch rất lớn, chứng tỏ Hội đồng đã định giá vống lên”.
“Tôi có đủ căn cứ chứng minh ông Khanh mua đất của bà Hiệp từ 650 – 700 triệu đồng/ha đất nông nghiệp bỏ trống là không rẻ. Thứ nhất, năm 2011, gia đình ông Khanh bán 10ha đất có cao su đã thu hoạch tại huyện Dầu Tiếng chỉ có 6,5 tỷ. Thứ hai, CQĐT thu thập được rất nhiều hợp đồng công chứng mua bán đất ở xã An Tây (nơi có đất ông Khanh mua) thì cũng chỉ có giá từ 600 – 800 triệu /ha.
Thứ ba, bất động sản những năm 2012 đến 2015 đang đóng băng, không có người mua. Bằng chứng là chính là 2ha đất sản xuất công nghiệp (trong tổng số 23,5ha đất cụ Hiệp thế chấp) cùng nhà xưởng, máy móc được định giá 25 tỷ đồng nhưng phải 9 lần hạ giá xuống còn 11 tỷ đồng thì mới có người mua”, LS Nghĩa nói.
Hồ sơ thể hiện cụ Hiệp không bị o ép
Sau khi cơ quan tố tụng cáo buộc ông Khanh cấu kết, giúp sức cho ông Hùng, ông Lộc gây thiệt hại cho Nhà nước; các luật sư đã lập tức phản đối cáo buộc này.
Theo hồ sơ, ông Nguyễn Hữu Trọng (SN 1970, ngụ TX Tân Uyên, Bình Dương, người môi giới cho ông Khanh mua đất của cụ Hiệp) khai năm 2012, ông biết cụ Hiệp có nhu cầu bán đất nên tới gặp. Cụ Hiệp cho coi sổ đỏ và xem đất, cung cấp sổ đỏ photo đưa ông đi giới thiệu với khách.
Ông Trọng không quen biết ông Khanh mà hai người tình cờ gặp nhau ở một quán ăn tại Bến Cát. Ông Trọng khai: “Thấy ông Khanh có nhu cầu mua đất nên tôi dẫn đến gặp cụ Hiệp để xem đất và thương lượng việc mua bán. Phần tôi, khi nào họ hoàn thành việc mua bán thì tôi được hưởng tiền “cò” khoảng 100 triệu đồng… Tôi có gặp ông Khanh 2-3 lần do tình cờ chứ không nói chuyện”. Ông Trọng nói giá cả mua bán hai bên tự thương lượng, ông không biết.
LS Quynh nói: “Cơ quan tố tụng tỉnh Bình Dương căn cứ duy nhất vào lời khai của Nguyễn Hiệp Hòa rằng thấy ông Khanh, ông Lộc và cụ Hiệp nhiều lần gặp gỡ trao đổi bàn bạc tại An Tây và các nhà hàng để kết luận ông Khang cấu kết, o ép cụ Hiệp là không có căn cứ. Trong khi đó tất cả các lời khai, ông Hùng khai không hề biết và trong quá trình mua bán cũng không hề bàn bạc hay trao đổi gì với ông Khanh”.
Về phía ngân hàng, ông Hùng khai: “Khi mua đất thì ông Khanh tìm hiểu đất qua ông Lộc (thuộc cấp của ông Hùng – NV) và cụ Hiệp chứ không gặp tôi. Ông Khanh tìm hiểu thế nào thì tôi không rõ. Trong những lần xử lý tài sản thế chấp vào những năm 2012, 2013, 2015 cụ Hiệp đều làm đơn xin bán tài sản và trực tiếp đi đến gặp Lộc và tôi tại ngân hàng để xin bán”.
“Lời khai của cán bộ ngân hàng và chứng cứ chứng minh đều khẳng định không bàn bạc hay thống nhất gì với ông Khanh, mà tất cả đều do cụ Hiệp trực tiếp giao dịch mua bán. Sau khi thỏa thuận giá cụ Hiệp sẽ trực tiếp soạn thảo tờ trình đến ngân hàng gặp Hùng, Lộc xin ký duyệt cho bán. Cụ Hiệp soạn hợp đồng mua bán ba bên rồi gửi email trước cho Lộc chỉnh sửa, rồi đưa cho ông Lộc, ông Khanh ký”. Việc này thể hiện tại bút lục 5065, 5066, 5069 lời khai của ông Lộc.
“Lời khai đó phù hợp với lời khai của ông Khanh. Từ đó cho thấy cụ Hiệp không bị o ép và không có chuyện cụ Hiệp, ngân hàng và ông Khanh bàn bạc, cấu kết để mua bán đất thế chấp giá rẻ, gây thiệt hại cho Nhà nước”, LS Quynh nói.
Trước đó, PLVN đã có các bài viết phản ánh nhiều bất thường trong vụ án này: Ông Khanh có dấu hiệu bị oan sai; trước khi bị bắt, ông Khanh đã có các đơn cầu cứu gửi cơ quan Trung ương cho rằng mình bị “trù dập” và “sự việc có dấu hiệu bè phái”; vợ ông Khanh cho rằng “vì một số cán bộ sai phạm dựng chuyện để “bịt miệng” chồng tôi, nên họ mới cố tìm ra lý do để bắt, cố dựng nên chuyện để ghép tội”.
Ông Khanh là người mua tài sản giải chấp tài sản là 18,1ha đất mà cụ Hồ Thị Hiệp (SN 1945, chết năm 2016, Giám đốc Công ty An Tây và Công ty TNHH SXCB Gỗ Mỹ Hiệp tại ấp Lồ Ô, xã An Tây) bán.
Việc mua bán từ năm 2012 đến năm 2015, được sự đồng ý của BIDV Tây Sài Gòn. Cáo buộc của cơ quan tố tụng nôm na rằng do ông Khanh mua giá rẻ nên gây thiệt hại cho ngân hàng. Tuy nhiên luật sư phản bác, cho rằng đây là sự quy chụp, suy diễn, vừa không hợp tình vừa không đúng luật.