Theo Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) và Hà Nội (HNX), nhiều mã chứng khoán vừa được bổ sung vào danh sách cổ phiếu bị cắt margin vì thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2023.
Cụ thể, cổ phiếu TYA của Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Taya Việt Nam bị HoSE cắt margin từ ngày 21/8. Nguyên nhân do khoản lỗ hơn 6 tỷ đồng trên BCTC hợp nhất soát xét bán niên 2023. Con số này cao hơn số lỗ gần 4 tỷ đồng trên BCTC công ty tự lập.
Trước đó, cổ phiếu TPC của CTCP Nhựa Tân Đại Hưng cũng bị cắt marign với lý do tương tự. Nhựa Tân Đại Hưng lỗ sau thuế 6 tháng gần 50 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm 2022 vẫn lãi gần 8 tỷ.
Giải trình về kết quả kinh doanh quý 2, TPC cho biết "doanh thu thu về không đủ bù chi phí cố định và duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động, thanh lý hàng tồn kho, sản phẩm để lâu bị hỏng do khách hàng hủy đơn hàng". Ngoài ra, còn những yếu tố khách quan, ảnh hưởng bởi lạm phát kinh tế thế giới và trong nước, thị trường bao bì dệt cạnh tranh khốc liệt, nhu cầu tiêu dùng cả thị trường thế giới và trong nước ngày càng giảm nhiều.
Với kết quả này, TPC thực hiện được gần 69% kế hoạch doanh thu, nhưng vẫn còn khoảng xa để đạt mục tiêu lãi sau thuế 10 tỷ đồng năm 2023.
Tương tự, HT1 của CTCP Xi măng VICEM Hà Tiên, HVX của CTCP Xi măng VICEM Hải Vân và SMA của CTCP Thiết bị Phụ tùng Sài Gòn cũng không được giao dịch ký quỹ trên HoSE với cùng nguyên nhân lợi nhuận sau thuế trên BCTC soát xét bán niên năm 2023 là số âm.
Ở khía cạnh khác, cổ phiếu DAH của CTCP Tập đoàn Khách sạn Đông Á và SPM của CTCP S.P.M bị cắt margin do BCTC soát xét bán niên năm 2023 có ý kiến không phải là ý kiến chấp nhận toàn phần của tổ chức kiểm toán. Hiện có 86 cổ phiếu bị HoSE cắt margin.
Trên sàn HNX, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã liên tục đưa ra những thông báo thêm cổ phiếu vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Trong số, phần lớn bị cắt margin với nguyên nhân LNST 6 tháng trên BCTC soát xét bán niên là số âm.
Cổ phiếu MHL của CTCP Minh Hữu Liên, cổ phiếu TXM của Vicem Thạch cao Xi măng, VHL của Viglacera Hạ Long, TKU của Công nghiệp Tung Kuang, HEV của Sách Đại học - Dạy nghề, KSD của Đầu tư DNA, VIT của Viglacera Tiên Sơn, TV3 của Tư vấn Xây dựng Điện 3, L61 của Lilama 69-1, EVS của Chứng khoán Everest, BTS của Xi măng Vicem Bút Sơn và PEN của Xây lắp III - Petrolimex đều bị HNX cắt margin.
Đáng chú ý, Chứng khoán Everest (EVS) là một trong những công ty chứng khoán hiếm hoi ghi nhận lợi nhuận 6 tháng âm, trong khi hầu hết tên tuổi đều báo lãi lớn. Doanh thu hoạt động trong 6 tháng đầu năm của EVS đạt 126 tỷ đồng, giảm gần 81% so với con số của cùng kỳ năm 2022. Kết quả, công ty báo lỗ ròng gần 25 tỷ đồng nửa đầu năm trong khi cùng kỳ năm ngoái vẫn lãi gần 142 tỷ đồng.
Số lượng cổ phiếu bị cắt margin có thể tiếp tục kéo dài trong bối cảnh bức tranh kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 chưa thực sự khởi sắc, nhiều doanh nghiệp lỗ lớn chưa công bố BCTC soát xét. Theo thống kê từ BCTC tự lập, hàng trăm doanh nghiệp thua lỗ trong nửa đầu năm, đáng chú ý với những cái tên như Novaland (NVL), Vietnam Airlines (HVN), Thép Pomina (POM), Thép SMC (SMC) hay Đạm Hà Bắc (DHB),... ghi nhận mức lỗ hàng trăm tỷ đồng sau 6 tháng.