Trong giai đoạn Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05 ngày 28/1/2020 về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của Vi rút Corona (Chỉ thị 05) gây ra, trong đó có yêu cầu “cấm nhập khẩu động vật hoang dã” thì một lượng lớn cá tầm Trung Quốc thuộc danh mục động vật hoang dã vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu vào Việt Nam.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Kim Thoa, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp để hiểu thêm về tính chất pháp lý liên quan đến vụ việc này.
Vi phạm, nếu “cá tầm Xiberia” là động vật hoang dã
PV: Thưa bà, như báo chí đã phản ánh và các doanh nghiệp cũng thừa nhận, trong giai đoạn thực hiện Chỉ thị 05 ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp vẫn thực hiện việc nhập khẩu cá tầm vào trong nước. Vậy các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật không?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Để trả lời câu hỏi này phải trả lời câu hỏi “Cá tầm Xiberia có phải là loài động vật hoang dã không?’.
Theo tôi được biết thì Cơ quan chức năng mà cụ thể là Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam đã lên tiếng khẳng định Cá tầm Xiberia (Acipencer baerii) là loài thuộc Phụ lục 2 Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES). Do vậy, theo quy định của quốc tế (CITES) thì cá tầm Xiberia là loài động vật hoang dã, dù là mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên hay mẫu vật có nguồn gốc gây nuôi sinh sản.
Tuy nhiên, để trả lời câu này, bên cạnh ý kiến các cơ quan chuyên môn, còn phải căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết số 05 của Hội đồng Thẩm phán để nhận định hành vi nhập khẩu động vật hoang dã thuộc phụ lục II CITES có trái pháp luật hay không
“Cấm nhập khẩu động vật hoang dã” trong Chỉ thị 05 là quy định áp dụng pháp luật”
PV: Vậy nội dung “cấm nhập khẩu động vật hoang dã” trong Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chúng mới của Vi rút Corona gây ra áp dụng cho đối tượng nào?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Cơ sở để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 05 là Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Điều 52. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định “Các biện pháp chống dịch khác trong thời gian có dịch”, cụ thể:
1. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp chống dịch sau đây:
a) Tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch;
b) Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch;
c) Hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động, dịch vụ tại nơi công cộng tại vùng có dịch.”
Cũng theo quy định của Luật này, Cơ quan nhà nước ở đây là Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trường Bộ Y tế, Thủ tướng CP (các Điều 38, 39, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm).
Như vậy, phụ thuộc vào tình hình thực tiễn mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp (được quy định trong Luật) phù hợp bảo đảm phòng, chống dịch.
Trong trường hợp này, cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch, nên trên cơ sở tham mưu của Bộ Y tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản (chỉ thị) áp dụng biện pháp “cấm nhập khẩu động vật hoang dã” – chính là biện pháp Cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm được cơ quan y tế có thẩm quyền xác định là trung gian truyền bệnh dịch.
Như vậy, Nội dung “cấm nhập khẩu động vật hoang dã” trong Chỉ thị số 05/CT-TTg là quy định áp dụng pháp luật trên cơ sở Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Áp dụng với mọi cá nhân, tổ chức
PV: Vậy Chỉ thị 05 của Thủ tướng sẽ được áp dụng đối với những đối tượng nào, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Đánh giá hiệu quả của Nhà nước ta trong việc phòng chóng Covid trong thời gian vừa qua, có thể thấy bên cạnh sự đồng lòng, chung sức thực hiện nghiêm các quy định pháp luật của người dân, là sự chỉ đạo sát sao của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó có việc áp dụng kịp thời, ban hành kịp thời các văn bản pháp luật làm cơ sở pháp lý để quản lý, điều hành, thanh tra, kiểm tra, xử lý v phạm.
Để công tác phòng, chống Covid được hiệu quả, trên cơ sở quy định của Luật – cụ thể ở đây là Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trong thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1 loạt các văn bản pháp luật. Có thể kể đến các Chỉ thị 15, Chỉ thị 16. Để tránh hiểu nhầm, cần chia sẻ thêm là tự thân Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 không đưa ra cácbiện pháp, không đưa ra chế tài, mà chỉ quy định áp dụng các biện pháp phòng, chống bệnh được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Thực hiện nghiêm các Chỉ thị này của Thủ tướng là nghĩa vụ của tất cả cá nhân, tổ chức.
Đã vượt ngưỡng vi phạm hành chính, cần xử lý hình sự
PV: Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm các nội dung trong Chỉ thị thì cơ sở pháp lý nào để xử phạt, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Cần phải nhắc lại rằng: Thủ tướng chỉ quyết định các biện pháp đã được quy định trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, còn nếu vi phạm, các cơ quan có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hành vi, hình thức xử lý trong pháp luật hiện hành để xử phạt.
Ví dụ: Phạt hành vi không đeo khẩu trang- chính là hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân được căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 11 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Hay việc truy tố hành vi không thực hiện quy định về cách ly, không khai báo, nếu cấu thành tội phạm, sẽ truy tố trên cơ sở Bộ Luật hình sự (Tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người).
Trở lại Chỉ thị 05, tương tự như các Chỉ thị trên, nếu bất cứ cá nhân, tổ chức nào vi phạm đều bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
Nói như thế để khẳng định rằng, nếu cá tầm đươc cơ quan chức năng kết luận là động vật hoang dã, nhưng tổ chức, cá nhân vẫn nhập khẩu thì, theo quan điểm của cá nhân tôi, đương nhiên là vi phạm Chỉ thị 05.
PV: Vậy ai sẽ là người bị xử lý trong trường hợp này, doanh nghiệp hay cơ quan quản lý nhà nước, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Theo tôi, đó là người cho phép, người biết cấm mà vẫn nhập khẩu. Vì Chỉ thị 05 được công bố, công khai rộng rãi, đương nhiên là những người cấp phép, kiểm tra hàng hóa, người nhập khẩu đều có trách nhiệm phải biết!
PV: Theo các quy định của pháp luật, việc xử lý các vi phạm này được tiến hành như thế nào và ai là người có thẩm quyền xử lý?
Bà Nguyễn Thị Kim Thoa: Theo tôi được biết, có 1 số doanh nghiệp đã nhập khẩu số lượng lớn cá tầm. Hành vi nhập khẩu phải được tách ra theo các giai đoạn khác nhau:
Nếu giai đoạn việc nhập khẩu đang bị cấm theo Chỉ thị 05 thì sẽ xử lý theo Chỉ thị 05 và các văn bản pháp luật có liên quan. Nếu giai đoạn nhập để chế biến theo Chỉ thị 29 thì sẽ xử lý theo Chỉ thị 29 và các văn bản pháp luật có liên quan.
Vì không ai chỉ căn cứ vào Chỉ thị để xử phạt mà căn cứ vào Chỉ thị để quyết định biện pháp áp dụng cụ thể ứng với thời gian, văn bản quy phạm pháp luật quy định hình phạt, hành vi vi phạm, mức xử lý…
Với số lượng lớn cá tầm nhập lậu như báo chí đưa tin, đã vượt ngưỡng của xử phạt vi phạm hành chính và có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo Điều 234 hoặc 244 Bộ luật Hình sự.
Còn ai bị xử lý thì tùy theo tính chất, mức độ mà những người có liên quan đến vụ việc nhập khẩu trái phép sẽ bị xử lý với các chế định khác nhau. Theo pháp luật Việt Nam thì hiện nay: Đối với cán bộ, công chức thì áp dụng các hình thức kỷ luật, thậm chí cả hình sự, nếu cấu thành tội phạm. Cá nhân, tổ chức thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự.
Với căn cứ pháp lý nêu trên, có thể bước đầu tạm đưa ra kết luận: nếu doanh nghiệp dùng giấy phép CITES nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp trước ngày 28/01/2020 vẫn còn giá trị và cơ quan hải quan, cơ quan thú y cho phép nhập khẩu trong thời gian từ ngày 28/01/2020 đến ngày 23/7/2020 là vi phạm lệnh cấm của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm, việc xử lý có căn cứ vào Điều 234 bộ luật hình sự năm 2015; Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 234 và 244 Bộ luật hình sự.
Còn ai có thẩm quyền xử lý, sẽ phụ thuộc vào thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Link bài gốc