Mới đây, tại buổi hội thảo "Tinh hoa tam trị - Ứng dụng tư duy Nhân trị - Pháp trị - Kỹ trị vào điều hành và phát triển doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thế giới Di Động (MWG) tham dự với vai trò khách mời.
Câu chuyện mà ông chia sẻ tại buổi hội thảo gắn với chặng đường phát triển của Thế giới Di động - từ khi nó vẫn là một cái tên vô danh, cho tới khi vươn mình và phát triển thành chuỗi hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc, quy mô nhân sự lên tới hơn 50.000 người.
Để hiểu thêm về tư duy nhân quản trị nhân sự của ông Tài, chúng ta cần phải đi tìm định nghĩa của "Tam trị". Theo đó, "tạm trị" bao gồm "nhân trị, pháp trị, kỹ trị". Trong đó, nhân trị được hiểu là lấy nhân nghĩa làm gốc, pháp trị là lấy nguyên tắc, luật lệ làm gốc và kỹ trị là lấy khoa học kỹ thuật làm gốc.
Khi mới thành lập Thế giới Di động năm 2004, vị chủ tịch Đức Tài vô thức đi theo lối mòn dùng "pháp trị" để trị nhân viên theo đúng nghĩa đen.
“Khi mà Thế giới Di động mới ra đời, trong đầu Tài rất là thắng - thua. Ai giỏi nhất thì người đó được quyền làm mọi thứ và được thưởng. Ai làm sai thì bị phạt. Đó là chính sách 'cây gậy và củ cà rốt'. Mãi sau này mình mới ý thức được cái đó”, Chủ tịch MWG nhớ lại. “Thực ra khi đó mình có làm gì được khác đâu vì cái đó là dễ làm nhất”.
Phong cách này đi kèm với rất nhiều luật lệ, thưởng phạt, quy trình, hướng dẫn nội quy, ép nhân viên vào guồng quay của doanh nghiệp, "cứ làm đúng có thưởng, làm sai bị phạt"
Sau này khi nhìn lại, ông Tài thừa nhận cách làm đó đã giúp Thế giới Di động giải quyết bài toán tăng trưởng trong thời kỳ đầu.
5 năm trôi qua kể từ ngày đầu ông Tài và các cộng sự xây dựng thương hiệu Thế giới Di động, năm 2009, chuỗi cửa hàng này đã có tên tuổi nhất định, phủ sóng trên toàn quốc.
Khi đó, "pháp trị" bắt đầu bộc lộ những điểm hạn chế. Theo ông Tài mô tả, Thế giới Di động bị chia làm 2 phe. Một phe lúc nào cũng "trầm ngâm, suy tư về sự phát triển doanh nghiệp". Phe còn lại, là những nhân viên, quản lý chỉ đi làm để nhận lương, ngoài ra không mảy may nghĩ gì về doanh nghiệp.
Vấn đề càng đáng lo ngại khi phe đầu tiên chỉ có vài người, trong khi đó, phe thứ hai gồm hàng nghìn người lao động trực tiếp tiếp xúc với khách hàng, gián tiếp thể hiện bộ mặt của Thế giới Di động
“Lúc đó, tôi luôn cảm thấy hiện tượng này: Chỉ có khoảng 4-5 người lúc nào cũng trầm ngâm, suy tư về sự phát triển của doanh nghiệp này. Trong khi vài ngàn người còn lại, gồm cả quản lý, gồm cả nhân viên, họ đến đây để có 1 công việc, họ đi làm và nhận lương. Họ không trăn trở làm sao để doanh nghiệp này phát triển”, ông Tài kể lại.
“Nhóm thứ nhất là những người sáng lập, hay nói cách khác là những người sử dụng lao động. Nhóm thứ hai là những người lao động. Họ chỉ đến, làm việc và nhận lương. Lúc đó, tôi mới ngộ ra chúng tôi cần phải quản trị doanh nghiệp này bằng cái nhân, bằng cái đức chứ không phải bằng luật pháp và công nghệ”, ông chủ Thế giới Di động giãi bày và khẳng định “khi bạn muốn làm cái gì rất lớn lao thì nhân trị có cơ hội phát huy vai trò của nó”.
Đó được coi là bước ngoặt trong tư duy quản trị của ông Nguyễn Đức Tài.
"Người ta thường nói chi phí, nghĩa là mọi thứ chi ra đều phí. Nhưng có 2 khoản chi không bao giờ phí, đó là chi cho nhân viên và chi cho khách hàng”, ông Tài ví von và cho rằng trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động.
Chủ tịch Thế giới Di động định nghĩa: "Quan hệ lao động kiểu đó chính quan hệ mua bán. Một người mua sức lao động, một người bán sức lao động thì tất yếu một bên muốn mua rẻ và một bên muốn bán đắt. Kẻ muốn mua rẻ thật thì phải có chiêu trò, kẻ muốn bán đắt cũng phải giở chiêu trò và doanh nghiệp đó chỉ toàn những người giở chiêu trò để mua rẻ và bán đắt cho nhau.
"Chừng nào các bạn thay đổi quan hệ đó thành quan hệ đồng hành. Chúng ta cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh", ông Tài đúc kết.