Phiên giao dịch cuối cùng của thị trường chứng khoán trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 diễn ra khá ổn định. Nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường khiến dòng tiền mua bán ở mức rất thấp, chỉ 2.800 tỷ trên sàn HSX và 3.400 tỷ đồng trên toàn thị trường. Biến động giá ở các cổ phiếu qua đó cũng không lớn, giúp thị trường giữ vững được sắc xanh.
Kết phiên 26 tháng 4, VN-Index tăng 5,51 điểm (0,57%) lên 979,64 điểm; HNX-Index tăng 0,53 điểm (0,49%) lên 107,46 điểm. Khối nhà đầu tư nước ngoài mua ròng nhẹ khoảng 24 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Đóng góp nhiều nhất cho đà tăng của thị trường đến chủ yếu từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và các bluechips vốn hóa lớn. Đáng kể nhất là BID (BIDV) tăng 0,9%, CTG (Vietinbank) tăng 0,7%, VHM (Vinhomes) tăng 2%, VNM (Vinamilk) tăng 1,3%, VRE (Vincom Retail) tăng 2% hay HPG (Tập đoàn Hòa Phát) tăng 1,5%. Bên cạnh đó, các cổ phiếu ngành bán lẻ, hàng tiêu dùng, dược phẩm và thủy sản cũng ghi nhận sắc xanh tích cực.
Đáng chú ý, trong khi hầu hết cổ phiếu thủy sản đều tăng giá với sự dẫn dắt của VHC (Thủy sản Vĩnh Hoàn), thì HVG của Thủy sản Hùng Vương lại bị nhà đầu tư bán tháo và giảm kịch sàn. Kết phiên, HVG mất 410 đồng (7%) xuống 5.570 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh hơn 800 ngàn đơn vị và dư bán sàn tới 3,6 triệu cổ phiếu. Vốn hóa của Hùng Vương đã bốc hơi khoảng 91 tỷ đồng. Diễn biến này xảy ra ngay sau khi Bộ thương mại Mỹ công bố kết quả về thuế chống bán phá giá POR14 đối với lô hàng cá tra Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ ngày 1/8/2016 đến 31/7/2017.
Cụ thể, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), mức thuế cuối cùng của POR14 đối với Thủy sản Hùng Vương là 3,87 USD/kg. Kết quả này gây “sốc” đối với Hùng Vương và cổ đông khi kết quả sơ bộ được công bố trước đó là 0USD/kg, tức cá tra của Hùng Vương dự kiến sẽ được miễn thuế khi xuất khẩu vào Mỹ.
Ngoài ra, mức thuế áp cho NTSF Seafood vẫn giữ ở 1,37 USD/kg, không thay đổi so với mức thuế sơ bộ đã công bố trước. 4 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra khác là: C.P Vietnam; CL-FISH; GREEN FARMS SEAFOOD và VINH QUANG CORP bị áp mức thuế 1,37 USD/kg, tăng 0,96 cent/kg so với mức thuế sơ bộ. Và mức thuế suất toàn quốc vẫn áp dụng mức 2,39 USD/kg.
Cá tra của Hùng Vương bị Mỹ áp mức thuế cao nhất trong đợt xem xét lần này
Tại đại hội cổ đông thường niên 2019, Chủ tịch Hùng Vương Dương Ngọc Minh đã khẳng định rằng khả năng đạt được mức thuế tốt nhất cho Hùng Vương lên tới 80%, 20% còn lại là rủi ro về chính trị. Hùng Vương đã chuẩn bị rất kỹ cho hồ sơ và thuế đợt POR 14, gồm nhiều luật sư, công ty chuyên phân tích số liệu, tổng vốn bỏ ra cho đợt xem xét POR14 lần này lên đến 2 triệu USD.
Ông Minh tự tin Hùng Vương sẽ quay trở lại thời kỳ 2010-2011 và kế hoạch kinh doanh năm 2019 (doanh thu 4.400 tỷ đồng và lợi nhuận 100 tỷ đồng) là kịch bản xấu nhất không bao gồm kết quả POR14. Và nếu kết quả POR14 khả quan, ông Minh khẳng định rằng Hùng Vương sẽ quay về mục tiêu 20.000 tỷ doanh số/năm vào năm 2020, thậm chí sẽ mua lại cổ phần VTF đã bán cho Vingroup để phát triển lâu dài.
Sau hai năm 2016-2017 thua lỗ gần 800 tỷ đồng, Hùng Vương đã phải liên tục bán tài sản và thoái vốn tại các công ty con trong năm 2018. Như vậy, với mức thuế 3,87USD/kg áp cho cá tra xuất khẩu vào Mỹ trong lần xem xét này, Hùng Vương sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn với kế hoạch tái cơ cấu và phát triển trở lại trong giai đoạn sắp tới.