Nhãn hàng "thống trị" MV của nghệ sĩ

Giang Phạm

Xu hướng doanh nghiệp, nhãn hàng "rót tiền" vào các sản phẩm âm nhạc để quảng bá thương hiệu bùng nổ trong vài năm gần đây.

Trong MV "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu và JustaTee vừa phát hành, những chiếc xe Honda - nhãn hàng tài trợ cho dự án xuất hiện nhiều lần, kèm logo ở cuối ca khúc. Chỉ vài ngày sau, ở MV "Chúng ta của hiện tại", dài 15 phút của ca sĩ Sơn Tùng -MTP cũng có sự xuất hiện của một loạt nhãn hàng từ giày, điện thoại, cho đến ô tô... 

Trong MV "Chúng ta của hiện tại" xuất hiện hình ảnh quảng cáo điện thoại
Trong MV "Chúng ta của hiện tại" xuất hiện hình ảnh quảng cáo điện thoại

Xu hướng tài trợ cho MV ca nhạc trở thành xu hướng bùng nổ của nhiều nhãn hàng trong mấy năm gần đây sau thành công của Biti's vào năm 2017 với hình ảnh đôi giày thể thao xuất hiện trong ca khúc có bối cảnh cổ trang "Lạc trôi" của Sơn Tùng M-TP. Hình ảnh đôi giày sneaker xuất hiện 3 giây trong MV mang chất "cổ trang" của nam ca sĩ nhanh chóng thu hút sự chú ý của người xem. Chỉ vài tiếng sau, danh tính của đôi giày đã được tìm ra, đó là một sản phẩm mới của Biti's.  

Vài ngày sau, MV "Đi để trở về" của Soobin Hoàng Sơn tiếp tục trình làng với sự xuất hiện gần như xuyên suốt của hình ảnh đôi giày. Chiến dịch marketing của Bitis một lần nữa đánh dấu sự trở lại của thương hiệu giày đình đám vốn ít đầu tư ngân sách cho các chiến dịch marketing. 

Theo ông Hùng Võ, Phó giám đốc marketing Biti’s dù toàn bộ chiến dịch chỉ được thực hiện trong 7 ngày nhưng hai MV đứng ở Youtube trending 21 ngày liên tục. Riêng MV "Đi để trở về" còn đứng trong bảng xếp hạng của một trang nghe nhạc trực tuyến trong 6 tháng liên tiếp. Đặc biệt, lượng bán sản phẩm giày Hunter tăng gấp 3 lần, hết sạch hàng trong đúng 1 tuần, đại diện hãng cho biết.

Thành công của Biti's đã mở màn cho xu hướng quảng cáo thương hiệu qua MV trong vài năm trở lại đây. Rất nhiều nhãn hàng như Tiki, Momo, Shopee, Honda, thép Hòa Phát... lựa chọn quảng bá sản phẩm theo cách này. 

Thế rồi, chuyện các thương hiệu tài trợ ca sĩ làm MV không còn xa lạ với khán giả. Đặc biệt, từ đầu tháng 4/2019, hàng loạt MV ca nhạc của các nghệ sỹ trẻ được tung lên Youtube và chiếm các vị trí hàng đầu trên Youtube Trending đều có sự xuất hiện của Tiki - một sàn thương mại điện tử đang thua lỗ triền miên. 

Từ những sản phẩm "Đừng yêu nữa, em mệt rồi" của Min, "Chạm đáy nỗi đau của Erik" đến các MV của K-ICM ft. Jack như "Sóng gió", "Em gì ơi", "Bạc phận", "Lửng lơ" (B-Ray và Masew)... đều có hình ảnh quen thuộc là nhân viên giao kiện hàng đóng logo Tiki, cuối ca khúc là thông tin thương hiệu.

Hình ảnh chiếc xe Honda trong MV "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu và JustaTee
Hình ảnh chiếc xe Honda trong MV "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu và JustaTee

Tuy nhiên, gần đây, không ít MV cài cắm nhà tài trợ vào MV của các ca sĩ ngày một lộ liễu. Trước đây, một sản phẩm âm nhạc chèn quảng cáo thường chỉ để hình ảnh thương hiệu chỉ xuất hiện chớp nhoáng, song giờ đây, hơn khi đưa tên, hình ảnh thương hiệu rõ ràng vào trong sản phẩm âm nhạc.

Nhiều sản phẩm âm nhạc còn được cài cắm thương hiệu một cách khiên cưỡng, phi logic với câu chuyện trong MV. Ví dụ hình ảnh Tiki xuất hiện trong MV cổ trang của "Hết thương cạn nhớ" của Đức Phúc hay "Anh ơi ở lại" của Chi Pu với bối cảnh câu chuyện Tấm Cám. 

Tuy số tiền đầu tư của nhãn hàng vào các sản phẩm âm nhạc thường không được hãng tiết lộ chính thức. Song, theo một nhà sản xuất, mỗi MV ca nhạc đình đám hiện giờ có mức đầu tư 1-2 tỷ đồng cho tới 5-6 tỷ. Tuy nhiên, tuỳ vào độ nổi tiếng của nghệ sĩ thì nhãn hàng có thể tài trợ toàn bộ chi phí sản xuất, hoặc đóng góp vài trăm triệu đồng là được xuất hiện logo.

"Nếu nhãn hàng chọn đầu tư vào MV của nghệ sĩ thị trường có tiếng, khả năng sản phẩm thành hit, viral rất cao. Đó chắc chắn là khoản đầu tư có lời", ông Lê Quốc Vinh, chuyên gia thương hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Le Invest nhận định.

Việt Nam là một trong 5 thị trường lớn nhất về thời gian người xem video tại châu Á-Thái Bình Dương của YouTube. Một thống kê của YouTube cho thấy trung bình, người Việt dành hơn 100 phút/ngày tương tác với nền tảng này để xem các nội dung giải trí, chủ yếu là MV. Do đó, theo ông Vinh, thay vì quảng cáo nhiều khiến người xem khó chịu thì việc đưa thương hiệu lồng ghép vào MV, đặc biệt là sản phẩm của nhóm nghệ sĩ, ca sĩ được yêu thích, đông người hâm mộ là hướng đi hiệu quả. Tuy nhiên cũng có trường hợp nhãn hàng cũng gặp rủi ro khi sản phẩm âm nhạc có hiệu ứng truyền thông kém.  

"Với một MV có lượng người xem lớn, mục tiêu của nhãn hàng đầu tư vào MV là để tăng nhận diện thương hiệu, sản phẩm trên một diện rộng đã hoàn thành. Tuy nhiên, để người dùng thấu hiểu đặc tính, giá trị của sản phẩm thì chỉ thông qua một MV khó lòng đạt được", ông Vinh nói.

Cũng theo ông, nếu muốn người xem cảm nhận đặc tính sản phẩm, nhãn hàng, thương hiệu cần xây dựng một chiến dịch quảng bá cụ thể. Ngoài rót tiền làm MV, doanh nghiệp còn phải trả tiền để làm truyền thông, tăng sự tương tác, hiện diện của MV, tạo sự gắn kết cũng như nâng giá trị trong từng sản phẩm....

Về việc lựa chọn dự án để hợp tác, theo đại diện một công ty quản lý nghệ sĩ, một trong những tiêu chí đánh giá tên tuổi ca sĩ phụ thuộc vào lượng người xem. Lượt xem MV, bài hát của nhân vật đó càng cao chứng tỏ độ thu hút của ca sĩ càng lớn. Đây cũng là thước đo giúp các nhãn hàng căn cứ vào đó để lựa chọn gương mặt đại diện quảng cáo. Tuy nhiên, một trong những yếu tố khác cũng rất quan trọng là tính tương đồng của tác phẩm âm nhạc đó với sản phẩm cần quảng bá và sự xuất hiện một cách phù hợp trong bối cảnh MV để không bị khiên cưỡng. 

Tin Cùng Chuyên Mục