Đang đàm phán trong bối cảnh khiếu nại với YouTube liên quan đến mảng kinh doanh đa kênh MCN trên nền tảng "gã khổng lồ" này, thu hồi vốn từ ScaleLab và "biết đâu còn có lời", tiếp tục phát triển hệ sinh thái trên những trụ cột còn lại là những gì ban lãnh đạo Yeah1 gửi gắm cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên mới đây.
Một cách thẳng thắn, Chủ tịch Yeah1 – ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống – thừa nhận, sau sự cố với YouTube đã có được một bài học rất lớn, bài học mà Yeah1 phải bỏ ra hàng ngàn tỷ để nhận lại, bài học để Yeah1 tiếp tục vươn ra trường quốc tế, bài học tư duy "Tại sao lại phụ thuộc vào 1 đối tác", "Không nên xây nhà trên đất người khác" và là bài học chính bản thân lãnh đạo Tập đoàn chưa bao giờ lường trước được.
Cũng không quên khẳng định, Yeah1 sẽ tiếp tục chiến lược hướng ngoại, vì thực tế YouTube chỉ là một "trụ" trong các "trụ" hiện tại, chẳng qua thời gian gần đây "trụ" này phát triển quá nhanh gây nhiều chú ý, và thậm chí bản thân Chủ tịch phải đi bán hàng vì niềm tin khách hàng tại các mảng khác cũng bị "vạ lây", ông Tống vẫn tuyên bố có thể cần 6 tháng để Yeah1 trở lại mức tăng trường 50-60%!
Song, có lẽ niềm tin nơi nhà đầu tư vẫn chưa "quay về" với Yeah1, cổ phiếu tiếp tục giảm điểm, thanh khoản vẫn bèo bọt với ưu thế thiên về dư bán. Kết thúc phiên giao dịch 10/5, cổ phiếu YEG giảm về 103.000 đồng/cp, bằng 40% thị giá trước sự cố, và chỉ bằng 1/3 mức cuối năm 2018 (300.000 đồng/cp).
Như vậy, câu chuyện của Yeah1 năm 2019 sẽ là lùi lại, mà theo ông Tống lùi lại để đổ bê tông, để "hồi phục". Vậy, căn cứ nào cho những khẳng định mới đây của ban lãnh đạo Tập đoàn, và quan trọng niềm tin nào sẽ còn trên thị trường?
"Ngành công nghiệp Youtube đang tạo ra nhiều cơ hội, nếu biết cách thì sẽ mang lại lợi nhuận lớn"
Là, thứ nhất Yeah1 sẽ xây dựng những gì của riêng mình, trong đó Tập đoàn đặt mục tiêu năm 2019 sẽ đẩy mạnh công tác tự sản xuất nội dung, đồng thời phát triển một số kênh – "vũ khí" sẽ giúp Yeah1 đánh trận quốc tế. Đơn cử, mới đây Tập đoàn đã xây dựng và bắt đầu thu lợi từ kênh Nickelodeon, "những nội dung này đưa lên chỉ chưa đến 1 tháng, nhưng lượt xem mỗi ngày lên đến 6 triệu lượt là rất tiềm năng. Thậm chí, các kênh đã xây dựng mất 3-4 năm vẫn chỉ 10 triệu lượt xem mỗi ngày, mà chúng ta đã lên đến 6 triệu lượt/ngày trong vòng 1 tháng", đại diện Yeah1 cho biết.
Nói cụ thể hơn về Nickelodeon, ông Tống ước tính tháng đầu tiên kênh thu được 25.000 USD, tháng 4 này dự kiến tăng 30%. Thực tế, Yeah1 với nguồn lực sẵn có về hệ thống vận hành, nhân sự, khách hàng, data… từ đó thúc đẩy các kênh mới phát triển nhanh chóng, thậm chí thu hút sự hợp tác của những đơn vị startup khác để đẩy nhanh tốc độ.
"Không phải đơn giản cứ mở channel lên là được vậy đâu. Ngành công nghiệp Youtube đang tạo ra nhiều cơ hội, nếu biết cách thì sẽ mang lại lợi nhuận lớn, và Yeah1 đang thực hiện những điều đó", người từng nhận mình là tội đồ nhấn mạnh.
Thông tin thêm, thuở mới bắt đầu Yeah1 cũng như hầu hết các công ty công nghệ thường phải đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng các platform – hiểu nôm na là nền tảng như Youtube, Google hay Facebook, nhưng công tác này đòi hỏi phải "đốt" rất nhiều tiền. Sau những thất bại, Yeah1 đã lựa chọn hợp tác với "người khổng lồ" để phát triển, đồng hành và đi ra thế giới.
Vẫn còn "của để dành" từ mảng truyền thống, làm phim
Thứ hai, với mảng kỹ thuật số vẫn sẽ phát triển dựa trên hai nền tảng còn lại là Google và Facebook. Với Google, Yeah1 hiện là 1 trong 38 đối tác chính thức (Google Certified Publishing Partner) và là 1 trong 5 đối tác được khai thác tất cả các nền tảng của Google trên toàn cầu. Còn Facebook, theo ông Đào Phúc Trí – Tổng Giám đốc Yeah1 – chia sẻ hiện mảng kinh doanh Webface là khai thác doanh thu về truyền thông quảng cáo trên nền tảng facebook đang đóng góp doanh thu cũng như tỷ suất lợi nhuận khá tốt.
Riêng trong mối quan hệ với YouTube, Yeah 1 vẫn bán hàng trực tiếp (direct Sales)thông qua trực tiếp nhúng quảng cáo trong video của Yeah1, hợp tác B2B trong sản xuất nội dung… Theo đó, Yeah 1 Netword sẽ tiếp tục quản lý các kênh Youtube tự sở hữu, cần nhấn mạnh rằng việc hợp tác sở hữu nội dung số để tăng lợi nhuận là chiến lược ngay từ đầu của Yeah, với biên lợi nhuận khá hấp dẫn vào khoảng 50-70% so sánh với mức 7-8% thông qua quản lý các kênh của đối tác. Ghi nhận tại BCTN 2018, Yeah1 Network đang sở hữu và vận hành trên 75 kênh với tỷ suất lợi nhuận ròng trung bình là 50%. Năm 2018, doanh thu từ việc quản lý kênh đối tác và các kênh tự sở hữu lần lượt là 270 tỷ đồng và 40 tỷ đồng.
Cuối cùng, mảng truyền hình truyền thống cũng như phim, một "trụ" mà đi với Yeah1 từ vạch xuất phát những năm 2010-2015. Có lẽ sự phát triển mạnh mẽ cũng như những tuyên bố hùng hồn của Yeah1 về mảng Youtube đã khiến thị trường quên đi mảng truyền hình truyền thống của "kỳ lân" này, trong khi đây được coi là "bệ đỡ" cơ sở cho hoạt động cả Tập đoàn.
Lúc mới niêm yết, ông Tống từng phân trần nắm bắt xu thế kỹ thuật số Yeah1 sẽ đẩy mạnh mảng này, tuy nhiên mảng truyền thống vẫn sẽ chú trọng đầu tư vì nhiều lý do. Thực tế, Yeah1 thưở mới bắt đầu đã "gây chú ý" với Youtbe thông qua việc đăng các nội dung truyền hình lên mạng này, do đó Yeah1 trở thành lựa chọn của "người khổng lồ" này khi họ chính thức để ý thị trường Việt Nam vào năm 2015.
Quý 1/2019, doanh thu từ mảng truyền thống đang áp đảo kỹ thuật số trở lại.
Và, trước khi chính thức trở thành đối tác MCN của Youtube, mảng truyền thống mang về phần lớn doanh thu cho Yeah1, và đóng góp từ "trụ" này vẫn tăng trưởng đều đặn những năm sau đó. Kết thúc năm 2018, mảng truyền hình truyền thống đóng góp chủ lực doanh thu cho Yeah1 với 731 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 44% tổng doanh thu và tăng 113% so với năm 2017. Bước sang quý 1/2019, doanh thu từ mảng truyền thống đang áp đảo kỹ thuật số trở lại, đạt 293 tỷ (so với mức 95 tỷ thu từ mảng kỹ thuật số).
Hiện, 4 kênh truyền hình do Yeah1 sở hữu và vận hành (Yeah1 TV, Yeah1 Family, iMove TV, UNI Channel) được phủ sóng 57 tỉnh và thành phố trên cả nước thông qua 3 nhà cung cấp truyền hình kỹ thuật số lớn là VTV Cab, SCTV và HCTV. Yeah1 cũng là nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo tivi lớn nhất cả nước cho hơn 16 đài truyền hình tư nhân, địa phương và Nhà nước. Đây là của dể dành khá tiềm năng của Yeah1, tuy nhiên với những bất cập như chi phí vận hành đắt đỏ… mảng này đang cho một biên lợi nhuận khá thấp.
Mặc dù vẫn đóng góp chủ lực về doanh thu 2018, nhưng mức đóng góp lợi nhuận của mảng truyền hình không quá lớn trong cơ cấu với hơn 30 tỷ đồng, tức 18% tổng lợi nhuận. Tính trên từng quý, biên lãi từ mảng truyền thống tăng trưởng trong suốt thời gian mảng kỹ thuật số chưa tạo ra hiệu quả. Đến quý 1/2019, biên mảng kỹ thuật giảm mạnh – điều này có thể lý giải thông qua sự cố với Youtube khiến lợi nhuận giảm mạnh, song biên lợi nhuận gộp mảng truyền thống cũng giảm đột ngột?
Ngoài truyền hình, Yeah1 cũng tham gia hoạt động làm phim, trong xu thế phim chiếu rạp đang phát triển khá nhanh hiện nay, thông qua đơn vị CMG.
Quý 1/2019, biên mảng kỹ thuật giảm mạnh – điều này có thể lý giải thông qua sự cố với Youtube khiến lợi nhuận giảm mạnh, song biên lợi nhuận gộp mảng truyền thống cũng giảm đột ngột?
Tựu trung lại, không phủ nhận mảng MCN với YouTube chỉ là một "trụ" trong hệ sinh thái của Yeah1, nhưng chắc chắn rằng tỷ lệ tăng trưởng 50-60% cũng như lộ trình tiến ngoại của Yeah1 hầu hết đều xây dựng dựa trên mảng này. Khi, Yeah1 Network hiện đang quản lý và cung cấp giải pháp số cho hơn 1.300 kênh của đối tác, tỷ lệ chia sẻ doanh thu với các chủ kênh nằm trong khoảng 70-95%.
Vậy, nếu không đạt thoả thuận với Youtube, tuyên bố trở lại mức tăng trưởng cũ trong vòng 6 tháng của ban lãnh đạo có dễ dàng thành hiện thực? Và, sau một lần "khủng hoảng", niềm tin nhà đầu tư thực không dễ trở lại với Yeah1 khi tương lai vẫn chỉ dừng lại ở kỳ vọng người cầm cương trên những gì đang xây dựng từ đầu.