Theo quy định điều chỉnh phân làn đón trả khách mới của sân bay Tân Sơn Nhất (TCP), từ ngày 14/11/2020, riêng xe công nghệ (Grab, be…) phải đón khách ở tầng 3-5 của nhà xe và chịu phí ra vào nhà xe theo quy định.
Tài xế xe công nghệ cho rằng mình sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước quy định mới
Trước quy định này các tài xế xe công nghệ đã bày tỏ bức xúc vì cho rằng mình sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Khi mà, khách hàng phải chịu thêm khoản phí 25.000 đồng/lượt khi đưa xe vào nhà xe TCP để đón khách thay vì mức phí 10.000 đồng vào cổng sân bay như trước đây.
Chưa kể, quy định không cho xe công nghệ đón khách ở làn D dưới tầng trệt mà phải đón ở bãi đậu xe trên tầng cao còn gây nhiều khó khăn cho cả tài xế và hành khách. Thực tế, nhiều hành khách không biết cách di chuyển từ tầng trệt lên tầng cao của nhà xe TCP trong sân bay Tân Sơn Nhất nên hủy chuyến.
Ngoài ra, thang máy của nhà xe TCP có diện tích nhỏ, trong khi lượng hành khách di chuyển lớn gây ra tình trạng ùn tắc, việc di chuyển bằng cầu thang bộ cũng rất bất tiện khi phải mang vác hành lý 4 tầng cao…
Liên tục nhận những phản hồi tiêu cực, đại diện Grab và beGroup theo đó đã có phương án phổ biến thông tin cũng như tăng chiết khấu, khuyến mãi thời gian đầu áp dụng quy định mới, nhằm hỗ trợ tài xế của mình trong việc phục vụ khách hàng. Song song, hai đơn vị cũng bày tỏ những trăn trở, dự kiến phối hợp với cơ quan chức năng để tìm ra giải pháp tốt nhất cho đôi bên.
Về phía nhà xe TCP, quy định mới ban hành đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đa số không đồng tình và cho rằng cố ý "chèn ép" taxi công nghệ. Khi mà, sự bất tiện cùng mức phí cao hơn sẽ khiến khách hàng không còn ưu tiên lựa chọn dịch vụ này.
Chiều ngược lại, với tần suất phục vụ hơn 450 chuyến bay mỗi ngày, tương đương 100.000 lượt khách/ngày, TCP theo đó sẽ mang về lợi nhuận lớn cho các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách còn lại gồm taxi và xe hợp đồng.
Lợi nhuận nhà xe Sân bay Tân Sơn Nhất tăng bằng lần chỉ sau 3 năm hoạt động, biên lãi gộp đến 55%
Đi vào hoạt động từ cuối năm 2016, chỉ số kinh doanh TCP chỉ sau hơn 3 năm hoạt động đã tăng khá mạnh, biên lợi nhuận gộp đến cuối năm 2019 đã chạm mức 55%. Chi tiết, năm 2017 TCP thu về doanh thu 92 tỷ đồng, lợi nhuận gộp tương ứng đạt 33 tỷ. Tuy nhiên, do chi phí năm đầu khai thác còn nặng khiến Công ty lỗ ròng 17 tỷ.
Chỉ sang năm 2018, TCP đã sớm có lãi ròng 5 tỷ, biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện từ mức 36% nhảy vọt lên 47%. Đây không chỉ là kết quả của việc vận hành toàn hệ thống, mà còn đến từ những thay đổi chính sách về phí dịch vụ trông giữ, ra vào nhà xe.
Đầu năm 2019, TCP tiếp tục đưa ra chính sách giá mới theo hướng tăng, trong đó Công ty nâng giá dịch vụ trông giữ ôtô, cũng như phí ra vào nhà xe với tất cả phương tiện vận tải 2 bánh và 4 bánh.
Trong đó, phí giữ ôtô từ 4 đến 8 chỗ ngồi trong 90 phút đầu tiên (tính cả lượt xe ra vào) tại nhà xe này là 25.000 đồng/lượt; từ 90 phút đến hết 24 giờ sau sẽ bị tính phí 10.000 đồng/giờ; trường hợp xe đỗ trên 24 giờ, chi phí là 75.000 đồng/12 giờ.
Tương ứng, lợi nhuận sau thuế thu về tăng mạnh gần 5 lần lên 24 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp tính đến cuối năm 2019 đạt 55%.
Được biết, TCP hiện có tổng tài sản 548 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu vào mức 118 tỷ đồng. Trong đó, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) nắm giữ 18% vốn, tương ứng số tiền rót hơn 21 tỷ đồng.
Link bài gốc