Ngày pháp luật

'Nhà siêu mỏng, siêu méo là điểm đen, điểm nóng'

Theo Lâm Tùng/Người Đồng Hành

Xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là câu chuyện được bàn đi bàn lại. Theo chuyên gia, ách tắc lớn nhất trong xử lý loại nhà này là giải phóng mặt bằng, đặc biệt là hợp khối các trường hợp không đủ tiêu chuẩn diện tích.

Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị xem tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là "câu chuyện truyền kỳ" khi mở đường. Thực tế, dù đã kiểm soát và tìm cách xử lý, nhiều tuyến phố sau khi giải phóng mặt bằng, mở đường vẫn xuất hiện thêm những ngôi nhà mỏng, méo mới.

Chưa tính đến những ngôi nhà siêu mỏng, siêu méo tồn tại từ lâu, các tuyến phố mới như Nguyễn Văn Huyên kéo dài, Võ Chí Công… sau khi hoàn thành đã chứng kiến không ít những ngôi nhà chiều rộng chưa đến 2 mét, hình thù kỳ quái xuất hiện.

Những công trình này thường được tận dụng để kinh doanh các mặt hàng không tốn diện tích như mũ bảo hiểm, thuốc diệt côn trùng… Đa số các trường hợp đều có quy mô 1-2 tầng, nhưng cũng có những trường hợp cao 4-5 tầng.

GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cho rằng việc xuất hiện và tồn tại nhà siêu mỏng, siêu méo xuất phát từ quy trình giải quyết ngược.

“Đáng lẽ quy trình giải quyết không phải là xử lý sau khi phát sinh mà phải là ngăn chặn ngay từ đầu, tức là khi bắt đầu xây dựng dự án làm đường”, chuyên gia này nói.

Cũng theo GS Đặng Hùng Võ, nếu giải quyết theo kiểu “chạy theo” như hiện nay thì chưa biết đến bao giờ mới có thể chấm dứt câu chuyện mang tính “đặc sản” của quy hoạch Hà Nội này. Bởi khi nhà đã thành hình, người dân đã ổn định sinh sống thì việc xử lý sẽ rất khó khả thi.

Tính đến tháng 5 năm nay, Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo hiện có 132 trường hợp nhà siêu mỏng siêu méo tồn tại trước ngày 15/3/2005 (trước khi Luật Xây dựng ra đời), hầu hết đều nằm ngoài chỉ giới mở đường.

Trong số này, nhiều công trình tọa lạc ở những vị trí "đất vàng” thuộc các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hà Đông... Hầu hết hộ dân tại đây đã xây dựng và sinh sống ổn định trong nhiều năm, khiến cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn khi xử lý.

Ngoài ra, 59 trường hợp xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án sau 15/3/2015.

Mặc dù đã có nhiều phương án được đề xuất nhưng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại dai dẳng trên nhiều tuyến phố Hà Nội.

Đã đề xuất nhiều phương án xử lý triệt để

Trong phiên thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch (Luật quy hoạch) mới đây, nhiều đại biểu nhấn mạnh thực tế bức bối về tình trạng “nhà quan tài”, nhà siêu mỏng, siêu méo trên một số tuyến phố Hà Nội.

Thực tế, TP Hà Nội đã nhiều lần thể hiện quyết tâm giải quyết dứt điểm nhà siêu mỏng, siêu méo.

Đầu năm 2015, Sở Xây dựng Hà Nội thống nhất phương án xử lý từng công trình. Theo đó, phương án xử lý được đề xuất bao gồm hợp khối, hạ độ cao, thu hồi…

Trong đó, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho hay trước hết khuyến khích chủ sử dụng hợp thửa hợp khối kiến trúc mặt đứng. Nếu quá thời hạn thông báo, chủ sử dụng không hợp thửa, hợp khối, quận thu hồi lập phương án xây dựng công trình công cộng. UBND quận đã chỉ đạo Thanh tra Xây dựng, chính quyền sở tại quản lý chặt chẽ, không để phát sinh xây dựng công trình mới.

'Nhà siêu mỏng, siêu méo là điểm đen, điểm nóng' - Ảnh 1

Ngôi nhà có chiều rộng mặt tiền chưa đến 1mét trên đường Xã Đàn. Ảnh: Lâm Tùng.

Cuối năm 2017, liên ngành Sở Xây dựng, Tài nguyên môi trường, Quy hoạch kiến trúc tham mưu cam kết trình UBND Thành phố phương án giải quyết từng trường hợp trong quý I/2018.

Đến tháng 5 năm nay, Sở Xây dựng đã đề xuất với thành phố các phương án xử lý với từng nhóm đối tượng nhà, đất siêu mỏng, siêu méo.

Cụ thể, với những công trình có diện tích 10 - 15 m2 trên cùng tuyến đường, ưu tiên xử lý theo hướng hợp khối kiến trúc mặt đứng với công trình liền kề hoặc cấp phép xây dựng có điều kiện; với diện tích nhà từ 4m2 đến dưới 15m2 cho chỉnh trang giữ nguyên hiện trạng nhà 1 tầng; nhà có diện tích trên 4m2, nhỏ hơn 10m2 chỉ được cấp phép xây dựng 1 tầng. Riêng nhà có diện tích dưới 4m2 sẽ kiên quyết thu hồi phục vụ mục đích công cộng.

Với 59 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo xuất hiện sau khi giải phóng mặt bằng thực hiện dự án sau 15/3/2005, Sở Xây dựng đang phối hợp với các địa phương để giải quyết.

'Nhà siêu mỏng, siêu méo là điểm đen, điểm nóng' - Ảnh 2

Tuyến phố mới Nguyễn Văn Huyên kéo dài xuất hiện nhiều công trình méo mó sau khi mở đường: Ảnh Lâm Tùng

“Nhà siêu mỏng, siêu méo là một điểm đen, điểm nóng”

Ông Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị, nhận định việc xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo là câu chuyện “bàn đi bàn lại”.

Ông Nghiêm cho rằng ách tắc lớn nhất trong công tác xử lý tình trạng siêu mỏng, siêu méo hiện nay là câu chuyện giải phóng, đặc biệt là hợp khối các trường hợp nhà không đạt tiêu chuẩn về diện tích.

Về giải pháp, ông Nghiêm nhận định chính quyền cần công bố công khai các trường hợp mới xuất hiện.

'Nhà siêu mỏng, siêu méo là điểm đen, điểm nóng' - Ảnh 3

Không chỉ nhà siêu mỏng, siêu méo, những bức tường tiền tỷ cũng được xem là "đặc sản" của quy hoạch Hà Nội. Ảnh: Lâm Tùng.

Thêm vào đó, theo ông, nên chú trọng, ưu tiên phương án thỏa thuận, thu hồi các trường hợp nhà quá mỏng, quá méo để phục vụ mục đích công cộng như làm vườn hoa, xây các bảng tin. Chuyên gia cho rằng đây là phương án mà nhiều thành phố lớn như Paris, Tokyo… từng áp dụng.

“Khi mở các đường mới phải giám sát thực hiện, không để các trường hợp mới mở thêm. Đó là trách nhiệm của chính quyền từng địa phương. Còn đối với các trường hợp còn tồn tại trước năm 2005, chính quyền phải có phương án nghiên cứu, chính sách xã hội hóa cởi mở, tạo điều kiện để khuyến khích người dân thực hiện công tác khắc phục, giải phóng hoặc hợp khối”, ông Nghiêm nói.

“Phải thống nhất phương án thực thực hiện, kiên quyết thực hiện, xem tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo là vấn đề nóng, là điểm đen, điểm nóng của đô thị, phải đặt ra mục tiêu gắn với mốc thời gian cụ thể”, chuyên gia nói thêm.

Tin Cùng Chuyên Mục