Khi mới chỉ 14 tuổi, Henrique Dubugras đã phải nhận cảnh báo từ tòa án sau khi cậu hack một trò chơi của Hàn Quốc và đăng tải nó miễn phí lên internet.
“Tôi nhận được thông báo pháp lý nói rằng tôi đã vi phạm quyền sáng chế vì hack trò chơi này. Tôi thực sự còn không biết bằng sáng chế là cái gì nhưng mẹ tôi thì rất tức giận và bà yêu cầu tôi phải dừng mọi thứ lại. Tuy nhiên nhờ trò chơi này, tôi đã học được cách viết mã và nó đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời tôi." - Dubugras nhớ lại.
11 năm trôi qua, Dubugras, 25 tuổi hiện là đồng sáng lập và CEO của công ty khởi nghiệp trong ngành thẻ tín dụng Brex. Brex được định giá 7,4 tỷ USD, đem lại cho Dubugras và người đồng sáng lập của anh, Pedro Franceschi, 24 tuổi khối tài sản trị giá 400 triệu USD.
Từ nhà lập trình tuổi teen đến doanh nhân trẻ thành công
Từ ngày 12 tuổi, Dubugras đã bắt đầu đọc giáo trình đại học và các tài liệu khác về lập trình internet. Đến năm 14 tuổi, anh áp dụng những kiến thức tự học của mình để tạo ra một phiên bản mới của trò chơi “Ragnarok” ở Hàn Quốc.
Ban đầu Dubugras tạo ra trò chơi chủ yếu để chơi cùng bạn bè, tuy nhiên sau vài tháng, phiên bản trò chơi mới của Dubugras trở nên phổ biến ở Brazil, mang về cho anh hàng chục nghìn USD.
Khi gần 16 tuổi, Dubugras sử dụng số tiền kiếm được từ trò chơi để thành lập công ty khởi nghiệp đầu tiên của mình, một ứng dụng cho phép thanh thiếu niên Brazil đăng ký đại học ở Mỹ. Dubugras lấy cảm hứng tạo ra ứng dụng từ chính ước mơ được nhập học đại học Stanford của mình.
Tuy nhiên việc kinh doanh của ứng dụng này "thất bại thảm hại", theo lời của Dubugras. Ứng dụng thu hút đến 800.000 người dùng, nhưng lại không thể kiếm tiền vì người truy cập không muốn trả tiền phí.
Cuộc gặp gỡ định mệnh qua Twitter
Không lâu sau đó, Dubugras đã gặp Franceschi qua mạng xã hội. Giống như Dubugras, Franceschi cũng là một thần đồng lập trình khi ở tuổi 11, anh đã hack thành công phần mềm của iPhone để Siri hiểu tiếng Bồ Đào Nha. Franceschi được ghi nhận về thành tựu này và còn được trao công việc kỹ sư phần mềm tại các công ty khởi nghiệp ở Brazil khi vẫn còn học trung học.
Hai người gặp nhau lần đầu qua Twitter, sau một "cuộc thách đấu" xem ai lập trình giỏi hơn. Cả hai ngay lập tức nhận ra sở thích chung và bắt đầu trở thành bạn bè, rồi sau đó quyết định thành lập công ty cùng nhau.
Công ty khởi nghiệp đầu tiên mà cả 2 tạo ra cùng nhau có tên là Pagar.me, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ thanh toán. Pagar.me trở nên thành công khi có đến 150 nhân viên, xử lý lượng giao dịch có giá trị hơn 1,5 tỷ USD.
Cặp đôi Dubugras và Franceschi sau đó đã bán Pagar.me với mức giá được cho là lên đến vài chục triệu USD. Pagar.me hiện thuộc sở hữu của Stone, một công ty khởi nghiệp trị giá 19 tỷ USD và là một trong những công ty thanh toán lớn nhất Brazil.
Hành trình ngắn ngủi tại Stanford và sự bứt phá cùng Brex
Nhờ sự xuất sắc của mình, Dubugras và Franceschi đều được nhận vào Stanford. Tuy nhiên cả hai sớm phát hiện chương trình đại học đã không còn phù hợp với mình.
"Mọi thứ không vui vẻ như chúng tôi mong đợi. Chúng tôi đã điều hành một công ty, có một cuộc sống của người trưởng thành và thật khó để đi học trở lại. Vì vậy cả hai dừng học và bắt đầu xây dựng một công ty mới." - Dubugras nói.
Chỉ sau tám tháng tại Stanford, Dubugras và Franceschi bỏ học và đi làm tại công ty khởi nghiệp YCombinator với kế hoạch thành lập một công ty mới tập trung vào thực tế ảo. Tuy nhiên hai người nhanh chóng từ bỏ ý định và quay về lĩnh vực sở trường: giao dịch thanh toán.
Và từ đó Brex ra đời vào tháng 1 năm 2017, khi cả hai mới chỉ 20 tuổi. Brex khác với các công ty tín dụng truyền thống khi bỏ qua khâu xem xét lịch sử tín dụng trước đó của khách hàng, từ đó giúp các công ty khởi nghiệp huy động vốn dễ dàng hơn mà không cần yêu cầu bảo lãnh từ người sáng lập.
Trụ sở ban đầu của Brex chỉ là một ngôi nhà mà Dubugras thuê chung cùng 2 người bạn nữa. Thế nhưng chỉ sau 1 năm thành lập, Brex đã được định giá 1 tỷ USD, được rót vốn 50 triệu USD từ YCombinator và thêm 125 triệu USD nữa từ một nhóm các nhà đầu tư do Greenoaks Capital và DST Global dẫn đầu.
Đến nay, trụ sở của Brex có quy mô lên tới 5929 m2, được đặt tại quận SoMa của San Francisco. Tập đoàn có hơn 10.000 khách hàng là các doanh nghiệp, trong đó có nhiều start-up nổi tiếng như Boxed và Outdoor Voices. Brex nay đã huy động tổng cộng 940 triệu USD vốn điều lệ, cộng thêm khoản tín dụng 300 triệu USD từ Barclays và Credit Suisse.
Dubugras cho biết thành công của Brex đến dễ dàng hơn nhiều bởi cả hai đã có kinh nghiệm cùng Pagar.me. Cặp bạn thân cũng tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi khởi nghiệp nhờ có sự đồng hành của các đồng nghiệp là bạn bè của mình tại Pagar.me.
Cú sốc Covid-19
Sau giai đoạn phát triển thần tốc, đại dịch Covid-19 đã khiến việc kinh doanh của Brex bị ảnh hưởng nặng nề bởi khách hàng của Brex chủ yếu là các start-up có nguồn vốn chưa đủ lớn mạnh.
Dubugras miêu tả Covid-19 đã đem đến "những ngày khó khăn nhất trong cuộc đời tôi" khi vào tháng 5 năm 2020, Brex phải cắt giảm khoảng 17% nhân viên.
Thế nhưng Brex nhanh chóng vượt qua khủng hoảng khi tiếp tục được các nhà đầu tư rót thêm 150 triệu USD. Nhiều khách hàng của Brex là các công ty khởi nghiệp trực tuyến cũng hồi phục trong đại dịch nhờ nhu cầu trực tuyến phát triển mạnh. Công việc kinh doanh dần trở lại quỹ đạo và Brex bắt đầu tuyển dụng trở lại, kể cả với những nhân viên đã bị sa thải trước đó.
“Chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và hoang mang không biết điều gì sẽ diễn ra. Nhiều người còn dự báo tình trạng tồi tệ sẽ kéo dài khoảng 3 năm nhưng cuối cùng hóa ra mọi thứ lại không quá tệ." - Dubugras nói về ảnh hưởng của Covid-19 với công ty.
Dubugras còn cho biết anh sẽ tiếp tục phát triển Brex trở thành một công ty tín dụng toàn cầu và cam kết gắn bó lâu dài với tập đoàn, thay vì bán lại như Pagar.me