Ngày pháp luật

Nhà máy nhiệt điện hơn 2 tỷ USD ở Nghệ An liệu có bị “khai tử”?

Phi Hùng

Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (NMNĐ) đang lâm vào bế tắc khi cho đến thời điểm hiện tại phương án kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn thực hiện dự án đã gần như không thực hiện được.

Những người kỳ vọng NMNĐ Quỳnh Lập 1 (Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) sẽ sớm được xây dựng sẽ cảm thấy thất vọng khi một báo cáo mới đây của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLV) đã xác nhận phương án kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia góp vốn để thực hiện dự án không thực hiện được, dù, quy hoạch chi tiết 1/500, Kế hoạch thực hiện hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án cũng đã được tỉnh Nghệ An thông qua từ năm 2015 và dự án đã được Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV) phê duyệt chính thức từ năm 2017.

Theo hồ sơ dự án, NMNĐ Quỳnh Lập 1 do TKV làm chủ đầu tư, được thiết kế với quy mô công suất nhà máy là 1.200 MW, với nhiên liệu sử dụng chính là than bitum và á- bitum dự kiến nhập khẩu. Trong 2,13 tỷ USD, dự kiến ban đầu có 20% vốn chủ sở hữu TKV và các nhà đầu tư khác (nếu có), 80% vốn còn lại (khoảng 1,7 tỷ USD) là vốn vay. Thời gian thực hiện dự án đề ra từ 2017-2023 và đưa vào vận hành vào năm 2026.

Nhà máy nhiệt điện hơn 2 tỷ USD ở Nghệ An liệu có bị “khai tử”? - Ảnh 1
NMNĐ Quỳnh Lập 1 khó thực hiện vì bế tắc nguồn vốn?

Dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) lên tới 2,13 tỷ USD từng được vạch ra 2 kế hoạch sắp xếp nguồn vốn (có bảo lãnh của Chính và không có bảo lãnh của Chính phủ) đã lâm vào bế tắc khi các phương án sắp xếp nguồn vốn được cho là không “thuận buồm xuôi gió” như tính toán được TKV đưa ra trước đó.

Cụ thể, do không có điều kiện bảo lãnh Chính phủ nên các đối tác từng cam kết tham gia trước đây như KOSPO, SAMTAN không thể tiếp tục tham gia hợp tác cùng TKV đầu tư dự án. Do đó, vào thời điểm này, dự án có triển khai thì chỉ có thể xem xét TKV là nhà đầu tư duy nhất của dự án.

Ngoài khó sắp xếp nguồn vốn, Dự án có nguy cơ đổ bể một phần cũng do khi phê duyệt TMĐT, TKV đã có những tính toán không chuẩn khiến hiệu quả dự án bị nghi ngờ. Theo đó, với TMĐT dự án 2,13 tỷ USD như TKV xây dựng được đánh giá là cao hơn tất cả các dự án nhiệt điện than có cùng quy mô công suất do EVN và PVN đầu tư từ trước đến nay. Ngoài ra, giá bán điện được xây dựng ( từ khoảng 2.081 đồng kWh đến 2.222 đồng/ kWh), cao hơn so với mặt bằng chung, thậm chí còn cao hơn khung giá bán điện do Bộ Công thương ban hành năm 2018.

Với giá bán điện được TKV xây dựng như vậy, nhiều bộ, ngành cho rằng khó đảm bảo tính cạnh tranh của dự án khi tham gia vào thị trường điện sau năm 2023 theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định. Khó khăn là như thế nhưng trong báo cáo gần nhất, TKV dường như vẫn không muốn “buông” dự án khi đề xuất Thủ tướng Chính phủ hàng loạt ưu đãi và cơ chế đặc biệt để tiếp tục triển khai.

Ngoài việc đề nghị được thực hiện đầu tư 100% vốn dự án, TKV còn đề nghị cho phép tăng vốn điều lệ trước và khi cổ phần hóa Công ty mẹ, thoái vốn tại các đơn vị để đảm bảo đủ nguồn vốn đối ứng cho dự án (dự kiến trên 10 ngàn tỷ đồng). TKV cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước có chính sách đặc biệt bao gồm: chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho TKV vay đủ vốn và được phép cho vay vượt giới hạn tín dụng để thực hiện dự án.

TKV thậm chí còn đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hệ số nợ > 3 lần, cho phép phát hành trái phiếu, được mua ngoại tệ để trả nợ vay trng trường hợp không đủ ngoại tệ để trả nợ; đồng thời cho TKV xuất khẩu than dài hạn sang Nhật Bản với sản lượng ổn định làm cơ sở để thu xếp khoản vay tín dụng từ Nhật Bản.

Tin Cùng Chuyên Mục