Câu trả lời được đưa ra trong phần tranh luận của phiên tòa xét xử vụ ly hôn nghìn tỷ.
“Kẹt” ở con số 7.757 tỷ đồng
Tại tòa, việc phân chia tài sản giữa ông Vũ và bà Thảo chỉ tìm được tiếng nói chung ở tài sản là các bất động sản , còn “kẹt” ở phần quan trọng nhất đó là cổ phần tại Trung Nguyên .
Về tài sản chung là cổ phần và quyền tài sản ở tập đoàn Trung Nguyên, căn cứ kết quả định giá các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên do TAND TP.HCM trưng cầu, ông Đặng Lê Nguyên Vũ yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung của vợ chồng là cổ phần ở các Công ty thuộc Tập Đoàn Trung Nguyên theo tỷ lệ 70/30, tức ông Vũ sở hữu 70%, bà Thảo sở hữu 30% .
Cụ thể, tại Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên (TNH) kết quả thẩm định giá là hơn 4.208 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 63% = 2.651 tỷ đồng; bà Thảo chiếm 27%= 1.136 tỷ đồng; (còn hai cổ đông là bà Ước chiếm 5%= 210,4 tỷ; ông Mơ 5%= 21,4 tỷ (người thừa kế là ông Vũ , bà Ước và bà Thùy).
Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) kết quả thẩm định giá là 5.431 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 21%= 1.140 tỷ đồng; bà Thảo chiếm 9%= 488 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Cà phê Trung Nguyên (TNCF), kết quả thẩm định giá là 85 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 10,5%= gần 90 tỷ; bà Thảo chiếm 4,5%= 38,5 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Cà phê hòa tan Trung Nguyên (TNHT) gồm hai nhà máy, kết quả thẩm định giá Nhà máy Dĩ An, là 407 tỷ đồng và Nhà máy Bắc Giang là 172 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 10,5%= gần 61 tỷ đồng; bà Thảo chiếm 4,5%= 26 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Trung Nguyên Franchising (TNF), kết quả thẩm định giá là 16 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 10,5%= 1,7 tỷ đồng; bà Thảo chiếm 4,5%= 734 triệu đồng.
Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê (Đặng Lê), kết quả thẩm định giá là 59 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 21%=12,4 tỷ; bà Thảo chiếm 9%=5,3 tỷ.
Công ty Vũ Nguyên Đắk Nông (Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Đặng Lê), kết quả thẩm định giá là 6,8 tỷ đồng. Trong đó ông Vũ chiếm 21%=1,4 tỷ đồng; bà Thảo chiếm 9%= 612 triệu đồng.
Về phần tài sản chung bao gồm tiền VND, ngoại tệ các loại, vàng… là tài sản chung của hai vợ chồng tích lũy 20 năm chung sống hiện đều đang do bà Thảo nắm giữ, quản lý là rất lớn. Chỉ riêng giá trị tiền và vàng gửi tại 3 ngân hàng mà Tòa án đã xác minh thu thập thông tin gồm Eximbank, BIDV, Vietcombank đã là 2.102 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số tài sản chung của vợ chồng bao gồm tiền VND, vàng, ngoại tệ các loại và giá trị cổ phần, phần vốn góp của vợ chồng không thỏa thuận phân chia được là hơn 3.958 tỷ + 1.696 tỷ + 2.102 tỷ = hơn 7.757 tỷ đồng.
Phía ông Vũ đề nghị nguyên đơn hưởng 30% tương đương 2.327 tỷ đồng; bị đơn hưởng 70% tương đương 5.430 tỷ đồng.
Hiện bà Thảo đang giữ 2.102 tỷ + 12,54 tỷ (chênh lệch bất động sản) = 2.115 tỷ. Như vậy ông Vũ sẽ thanh toán lại cho bà Thảo là 2.327 tỷ - 2.115 tỷ = hơn 211 tỷ đồng.
Mối lo nếu bà Thảo tiếp tục là cổ đông Trung Nguyên…
Ngoài những dẫn chứng chứng minh ông Đặng Lê Nguyên Vũ là người đầu tiên và duy nhất sáng lập ra thương hiệu Cà phê Trung Nguyên và đóng góp công sức lớn có tính chất quyết định đến thành công của Tập Đoàn Trung Nguyên, phía ông Vũ nêu thêm những căn cứ cho yêu cầu tiếp tục được quản lý để xây dựng phát triển Trung Nguyên lên một tầm cao mới cho thương hiệu Cà phê Trung Nguyên nói riêng và cho Cà phê Việt nam nói chung của ông Đặng Lê Nguyên Vũ là cần thiết.
Luật sư Hoàng Hữu Nhân cho biết, mâu thuẫn giữa bà Thảo với không chỉ ông Vũ mà với tất cả các cổ đông trong Tập đoàn Trung Nguyên đã rất trầm trọng không thể có tiếng nói chung trong hợp tác điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh. Điều này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển và tồn tại của Trung Nguyên nếu bà Thảo tiếp tục là cổ đông của Trung Nguyên.
Đơn cử, trong thời gian 3 năm qua đã xảy ra 18 vụ kiện; tố cáo sai sự thật… mà phần lớn là do bà Thảo tạo nên khiến nội bộ Tập đoàn Trung Nguyên rơi vào khủng khoảng trầm trọng.
Nghiêm trọng hơn từ 18 vụ kiện này bà Thảo đã yêu cầu các tòa án ban hành 9 Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự chủ, tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Trung Nguyên bởi những cáo buộc không có căn cứ, những yêu cầu, đòi hỏi vượt quá giới hạn cho phép của một người vợ trông vụ án ly hôn.
Bên cạnh đó, bà Lê Hoàng Diệp Thảo và gia đình đã thành lập doanh nghiệp riêng sản xuất sản phẩm cùng loại (thương hiệu King’s Coffee) để cạnh tranh với chính sản phẩm của Trung Nguyên.
Cụ thể, ngày 31/7/2015, nguyên đơn cùng với bà Lê Thị Cẩm Tú đã đăng ký thành lập Công ty TNHH TNI, địa chỉ trụ trở chính tại Lô 3.1, Khu A, KCN Tân Đông Hiệp A, P.Tân Đông Hiệp, Thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Ngày 8/4/2016, nguyên đơn đã thành lập TNI Corporation Holdings Pte.Ltd tại Singapore. Ngày 28/12/2016, nguyên đơn thành lập TNI Corporation Pte.Ltd. Ngày 22/10/2012, nguyên đơn thành lập TNI Australia Pte.Ltd.
Trong thời gian qua bà Thảo còn không ngừng công khai tung ra các chiến dịch truyền thông, quảng bá rầm rộ cho sản phẩm King’s coffe, với chỉ dẫn thông tin sai sự thật đến các đối tác, khách hàng và người tiêu dùng trong và ngoài nước về sản phẩm King’s Coffee là sản phẩm cao cấp của Tập đoàn Trung Nguyên và TNI - công ty sản xuất King’s coffee – là công ty trực thuộc Tập đoàn Trung Nguyên.
“Như vậy, bản thân bà Thảo đã có hoạt động sản xuất kinh doanh riêng, thương hiệu riêng và thương hiệu này đang cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm của Tập đoàn Trung Nguyên. Trường hợp bà Thảo tiếp tục là cổ đông tại Trung Nguyên, chắc chắn sẽ gây bất lợi, cạnh tranh không lành mạnh với Trung Nguyên”, luật sư Nhân trình bày.
Do đó, phía ông Vũ cho rằng việc xem xét chấp nhận giao cho ông Vũ sở hữu số cổ phần của bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Vũ thanh toán lại giá trị bằng tiền cho bà Thảo sẽ tạo điều kiện để ông Vũ tiếp tục giữ vai trò là người quản lý, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, khắc phục khó khăn, đưa Tập đoàn Trung Nguyên phát triển theo chiến lược tổ chức kinh doanh đã vạch ra.
Nếu không bảo đảm được điều này, Tập đoàn Trung Nguyên sẽ rơi vào tình trạng rất nguy hiểm với hậu quả không thể lường trước.