Khát vọng mãnh liệt…
Bản thân anh Minh là người Hà Nội gốc nên rất yêu hoa. Trong trí nhớ của anh, Hà Nội xưa có rất nhiều làng hoa nổi tiếng, chuyên cung cấp hoa cho người dân Thủ đô như: Làng hoa Ngọc Hà, Nhật Tân, Quảng Bá…, nay các làng hoa cổ dần bị mai một do quá trình đô thị hóa. Vì lẽ đó, anh Minh nung nấu và quyết tâm xây dựng một khu sinh thái với rất nhiều loại hoa đẹp. Và cơ duyên đã đến trong một lần anh cùng vợ ngồi nghỉ ở rặng nhãn cổ thuộc địa bàn huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ. Không khí ở đây không chỉ mát lành mà cảnh sắc cũng rất hữu tình. Vô tình trong câu chuyện dọc đường với một người dân địa phương, được biết anh này đang triển khai một dự án xây dựng vườn hoa cây cảnh trên địa bàn mới được phê duyệt nhưng chưa có điều kiện đầu tư. Xét thấy dự án phù hợp với nhu cầu, khả năng của mình, anh Minh đã đặt vấn đề xin được đầu tư…
Được sự chấp thuận của đối tác, hai vợ chồng anh Minh bắt đầu tiến hành khôi phục dải đất dọc sông Đáy. Nơi đây nguyên là một hũng đất rất sâu, lau sậy, cây xấu hổ mọc um tùm, người dân ít bén mảng đến vì rất nhiều rắn rết. Nhưng không chút từ nan, với suy nghĩ: “Nhất cận thị, nhị cận sông”, anh Minh bắt tay vào khai phá vùng đất hoang vu, cằn cỗi này. Từ một vùng đất trũng sâu, bạc màu, dưới bàn tay, khối óc và trái tim của một cựu quân nhân, dần dần các hạng mục công trình đã lên dáng, lên hình biến nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn người dân bản địa và du khách muôn phương.
Sau khi các hạng mục công trình được hình thành, anh Minh bắt đầu thành lập doanh nghiệp để kinh doanh. Được hỏi vì sao anh lại đặt tên khu vườn sinh thái là Hoa Bay Phúc Thọ?, doanh nhân Nguyễn Đức Minh nở nụ cười hiền hậu: “Hoa Bay” ngụ ý thứ nhất là hương thơm của các loại hoa sẽ bay đi khắp nơi. Thứ hai vườn hoa đẹp sẽ lan tỏa trong huyện, tỉnh, và lan xa hơn nữa. Thứ ba, ngày xưa anh đã từng học lái máy bay nên muốn có từ “bay” trong đó. Ngoài ra, đây cũng là nơi Trung đoàn 916, Bộ Tư lệnh không quân - đơn vị cũ của anh thường xuyên tập trận nên anh cảm giác nơi này rất gần gũi, thân thuộc. Vì vườn hoa nằm trên địa phận của huyện Phúc Thọ nên anh đặt tên Hoa Bay Phúc Thọ. Sau đó Công ty TNHH Du lịch và Thương mại Hoa Bay chính thức đi vào hoạt động và đón khách vào ngày 4/1/2019.
Biến “vùng đất chết” thành khu sinh thái, du lịch văn hóa…
Đến với Hoa Bay Phúc Thọ, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng khi lạc vào vườn hoa với gần trăm loại hoa (bướm, hồng, họa my, cúc, sen, hướng dương…) đua nhau khoe sắc. Đến những loại hoa chỉ có ở các tỉnh miền núi như tam giác mạch cũng được chuyên gia mang về đây ươm trồng. Riêng Hoa hồng đã có vài chục giống: Hồng cổ Sapa, Hồng cổ Hải Phòng, Hồng cổ Nam Định; Hồng Nữ hoàng, Hồng thơm… Mùa nào hoa ấy. Tết đến thì có các loại hoa mùa lạnh như: cúc, dơn, Thược dược, đào, mai…
Sự ra đời khu du lịch sinh thái Hoa Bay Phúc Thọ được đông đảo người dân cũng như chính quyền địa phương ủng hộ. Người dân nơi đây vui sướng và hạnh phúc khi có một nơi vui chơi, giải trí, thư giãn, chụp ảnh. Họ cũng tự hào bởi từ khi có khu sinh thái này, người ta mới biết đến địa danh Phúc Thọ. Không chỉ là nơi vui chơi, giải trí vào cuối tuần, Hoa Bay Phúc Thọ còn tạo công ăn việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương. Đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, Hoa Bay Phúc Thọ mở thêm dịch vụ ăn uống, thư giãn, nghỉ ngơi. Không chỉ người dân trong huyện, tiếng lành đồn xa, người dân các huyện khác Thạch Thất, Đan Phượng, Quốc Oai, Thanh Oai, rồi các quận nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Hưng Yên, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… cũng chọn Hoa Bay Phúc Thọ là điểm dừng chân lý tưởng vào những ngày nghỉ cuối tuần và dịp lễ, Tết…
Để lan tỏa ý nghĩa và mở rộng hơn nữa quy mô dự án, doanh nhân Nguyễn Đức Minh cho hay: Phải tạo ra một mô hình với đầy đủ các chuỗi tiêu thụ nông sản cho người dân trong khu vực thì mới thu hút khách đến tham quan. Muốn vậy, phải khuyến khích và kết nối với những người nông dân trồng các loại rau sạch, dâu, táo, chuối, bưởi… Cụ thể, phải hình thành một khu vực chợ nông sản, với đầy đủ các loại rau, quả, nông đặc sản của vùng quê Hiệp Thuận, Phúc Thọ, giao cho người dân phụ trách theo từng gian hàng. Bên cạnh đó, anh sẽ kết hợp tổ chức các tour văn hóa tâm linh. Theo đó, sẽ tổ chức đón khách tại Hà Nội rồi đưa đi tham quan các điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng của Hà Nội như: Đền Và, chùa Mía, làng cổ Đường Lâm, đền Hát Môn, chùa Thầy… sau đó đến Hoa Bay Phúc Thọ nghỉ ngơi, ăn uống, chụp ảnh và cuối cùng lại trở về thành phố...
Và những trở trăn…
Dồn hết tâm lực và trí lực để xây dựng dự án, đến ngày hái quả lại vướng vào dịch bệnh nhưng anh Minh không chút nao núng bởi những gì mong muốn và khát khao anh đã dần hoàn tất. Anh chia sẻ: “Khi tôi quyết định đầu tư vào dự án, mọi người trong gia đình, bạn bè thân thiết đều can ngăn, có người bảo tôi điên khi “bỏ phố về quê” đầu tư vào những thứ viển vông, nhưng trước ý nghĩa lớn lao của dự án, vợ chồng tôi vẫn quyết tâm làm!”. Vậy nhưng có một số điều khiến anh trăn trở đó là muốn dự án thành công, phát triển phải có sự đồng thuận của người dân, chính quyền và Nhà nước.
Thực tế, anh Minh cho biết: Khi anh thuê đất của dân để tái tạo trồng hoa, lúc đầu người dân rất ủng hộ nhưng khi vùng sinh thái được hình thành, giá đất đội lên họ lại đòi lại để bán với giá cao hơn rất nhiều lần. Quan điểm của anh là nếu người dân bán doanh nghiệp sẽ mua nhưng với một mức giá cả hợp lý. Không chỉ phiền phức bởi sự bất hợp tác của một số hộ dân, doanh nghiệp còn bị vướng về quy hoạch. Anh Minh cho biết: Trước kia quy hoạch sử dụng đất của huyện là phát triển du lịch và đã được phê duyệt dự án vào năm 2009, nhưng đến năm 2014 Nhà nước lại chuyển đổi quy hoạch thành vùng thoát lũ, làm kìm hãm sự phát triển của địa phương, khiến doanh nghiệp rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Trước thực tế này, chủ thương hiệu vườn sinh thái Hoa Bay Phúc Thọ, cũng như người dân và chính quyền địa phương đề nghị mong muốn Nhà nước cho điều chỉnh lại quy hoạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của kinh tế địa phương.