Ngày pháp luật

Nguyên Bí thư Thị xã Bến Cát: “Tôi đã có nhiều đơn kêu oan nhưng không được cán bộ điều tra chấp nhận”

Bùi Yên

Đến ngày xét xử thứ 3, ông Nguyễn Hồng Khanh (SN 1967, nguyên Bí thư TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương) mới được thẩm tra lời khai tại tòa. Ông là người cuối cùng được thẩm vấn. Ông Khanh phản bác nhiều vấn đề cáo buộc mà cáo trạng cho rằng “ông thỏa thuận với ngân hàng”.

Nguyên Bí thư Thị xã Bến Cát: “Tôi đã có nhiều đơn kêu oan nhưng không được cán bộ điều tra chấp nhận” - Ảnh 1
Ông Khanh phản bác nhiều vấn đề bị cáo buộc trong cáo trạng

Phản bác nội dung cáo trạng quy kết

Qua thẩm vấn 6 bị cáo, gồm cả bị cáo ông Nguyễn Huy Hùng (SN 1968, nguyên Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) và bị cáo Nguyễn Quang Lộc (SN 1970, cán bộ Chi nhánh Ngân hàng BIDV Tây Sài Gòn) về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và các bị cáo tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đều không hề bàn bạc, thỏa thuận hoặc vụ lợi.

Ông Khanh khá bình tĩnh khi được thẩm vấn. Do chân đau, ông được phép ngồi để trả lời những câu hỏi liên quan đến mình. Ông Khanh bị lãng tai nặng, khó nghe nên chủ tọa đề nghị những người hỏi phải hỏi to và được chủ tọa cho phép phát biểu vì kêu oan, không chấp nhận cáo buộc của cáo trạng.

Ông Khanh nói: “Tôi không đồng ý với cáo trạng. Thứ nhất, về tội danh, từ khi bắt đến nay, tôi có nhiều đơn kêu oan, kiến nghị nhiều vấn đề nhưng đều không được cán bộ điều tra chấp nhận. Lý do mà tôi kêu oan về tội danh là tôi không được Nhà nước giao tài sản gì mà lại gây thất thoát. Thứ hai, tôi mua bán đất với cụ Hiệp là giao dịch dân sự hợp pháp. Cụ Hiệp là người trực tiếp đứng ra mua bán. Đất cụ Hiệp được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ngoài cụ Hiệp, bị cáo không giao dịch với ai”.

“Nếu đọc cáo trạng, ai tâm trực, lòng thực là biết bị cáo không có tội. Nhưng bản lời khai lấy cung, kết luận, cáo trạng viết những từ ngữ mập mờ, làm cho người đọc hiểu lệch đi hành vi của bị cáo…”.

Khi ông Khanh đang trình bày những vấn đề không đồng ý mà cáo trạng quy kết không đúng thì đại diện Viện kiểm sát (VKS) ngắt lời, yêu cầu đặt câu hỏi. VKS hỏi: “Bị cáo trình bày việc mua bán năm 2012 với cụ Hiệp?”. Ông Khanh nói: “Bị cáo mua đất thông qua cò tên là Trọng. Người này nói cụ Hiệp bán 23ha đất với giá mỗi ha là 700 triệu đồng và dắt tôi đi gặp chủ đất. Chủ đất đưa ra giá 700 triệu đồng/ha. Tôi trả xuống còn 650 triệu đồng/ha, cụ Hiệp đồng ý, nói bán 5ha và dẫn đi xem đất. Tôi yêu cầu xem sổ đỏ thì cụ Hiệp nói ngân hàng đang giữ nhưng đồng ý cho bán. Nghe vậy, tôi yêu cầu được gặp ngân hàng để xác nhận thông tin”.

Theo ông Khanh, vài ngày sau, cụ Hiệp gọi điện nói đến gặp ngân hàng. Ông Khanh có gặp ông Lộc và chỉ hỏi “Nghe nói cụ Hiệp bán đất, cụ Hiệp nói ngân hàng đang giữ sổ và đồng ý cho bán. Cụ Hiệp nói như thế có đúng hay không? Ông Lộc nói ngân hàng đồng ý cho bán”.

Sau đó, cụ Hiệp đưa cho ông Khanh một hợp đồng ba bên, trong đó có nội dung là diện tích đất bán, giá cả, phương thức thanh toán. Ông Khanh nói thấy có chữ ký của ông Lộc. Tuy nhiên, không hề có chuyện ký trực tiếp ba bên.

Trả lời câu hỏi bị cáo, ngân hàng và cụ Hiệp thỏa thuận những gì của VKS, ông Khanh phản bác: “Tôi không thỏa thuận với ngân hàng, đó là khẳng định đầu tiên. Bị cáo mua bán với cá nhân cụ Hiệp chứ không mua bán với ngân hàng. Bị cáo đề nghị có sự đồng ý của ngân hàng khi cụ Hiệp bán. Còn trách nhiệm của ngân hàng, trách nhiệm của cụ Hiệp với ngân hàng như thế nào, tôi không biết”. “Cụ Hiệp nói sổ đỏ ngân hàng đang giữ nhưng không nói ngân hàng nào, thế chấp ra sao, nợ nần thế nào”.

VKS tiếp tục đặt câu hỏi về nội dung ông Khanh “thỏa thuận” với ngân hàng, ông Khanh bình tĩnh: VKS nói thỏa thuận 3 bên là không đúng. Không có chuyện đó. Ngân hàng chỉ xác nhận cho cụ Hiệp bán. Năm 2012, tôi đề nghị “cô gặp ngân hàng xác nhận là đồng ý cho bán và đưa sổ ra khỏi ngân hàng thì mới mua”.

“Tôi đi mua đất chứ không phải đi hỏi nợ của người ta”

“Bị cáo biết nợ gốc, lãi của cụ Hiệp ở ngân hàng là bao nhiêu không? Trả lời đại diện VKS, ông Khanh đáp: “Tôi đi mua đất chứ không phải đi hỏi nợ của người ta”. VKS nói giá mua bán 5,2ha năm 2012 là 3,4 tỷ đồng nhưng tại sao bị cáo chuyển vào ngân hàng 2 tỷ, còn 1,3 tỷ lại đưa cho cụ Hiệp.

Ông Khanh trả lời rằng cách thức thanh toán là chuyển khoản vào tài khoản của cụ Hiệp và tiền mặt. Đây là phương thức mà cụ Hiệp đưa ra. “Tôi chỉ mua bán và thanh toán theo yêu cầu của cụ Hiệp. Tôi không thanh toán cho ngân hàng mà thanh toán cho cụ Hiệp vì cụ Hiệp là người bán. Trách nhiệm của ngân hàng với cụ Hiệp tôi không biết. Nghiệp vụ xử lý nợ nần gì đó tôi không biết”.

“Lập luận như VKS, tôi không đồng tình. Cụ Hiệp nợ nần gì với ngân hàng gì đó không biết. Giá cả mua bán, phương thức là do cụ Hiệp quyết định. Xác nhận của ngân hàng là đồng ý cho cụ Hiệp bán chứ không phải xác nhận phương thức thanh toán”, ông Khanh tiếp tục. 

- “Tại sao chỉ thanh toán vào ngân hàng 2 tỷ?” – đại diện VKS hỏi.

- “Tài khoản đó của cá nhân công ty của cụ Hiệp chứ không phải của ngân hàng”.

Ông Khanh giải thích thêm, lần thứ 2 mua bán vào năm 2013, vì biết ngân hàng đồng ý cho cụ Hiệp bán nên không xác nhận với ngân hàng nữa. Lần này, việc mua bán cũng tiến hành với cụ Hiệp, không có thỏa thuận gì với ngân hàng.

“Sau đó, tôi ký vào hợp đồng để cụ Hiệp đi làm hồ sơ. Tôi khẳng định chỉ mua bán với cụ Hiệp chứ không trao đổi gì với ngân hàng. Từ đầu đến cuối đều không trao đổi với ngân hàng. Khi cụ Hiệp nói “ngân hàng giữ sổ” tôi nghĩ là đang thế chấp. Tôi yêu cầu có sổ thì mới mua bán” ông Khanh nói.

- “Tại sao nói không thỏa thuận mà lại đi gặp ngân hàng”- VKS đặt vấn đề.

- Đề nghị VKS nghe cho rõ, hiểu cho đúng. Tôi gặp ngân hàng để xác nhận có đồng ý cho cụ Hiệp bán hay không bán. Tôi không gặp ngân hàng để thỏa thuận về giá cả, phương thức thanh toán”.

“Còn hợp đồng 3 bên năm 2012 là do mới gặp, chưa tin nhau nên cần phải ký để xác định cụ Hiệp bán cho mình, giá bao nhiêu, thanh toán như thế nào”?

Phần diện tích 15.000m2 mà cụ Hiệp chuyển nhượng cho ông Khanh và đã ra sổ đỏ đứng tên vợ ông Khanh. Sau đó, cụ Hiệp mua lại để có đường đi vào xưởng sản xuất. Ý định là để lại cho con trai. Ông Khanh không biết tại sao sổ này lại nằm trong ngân hàng. 

Đối với thỏa thuận chu cấp 1 tháng 10 triệu cho đến cuối đời hoặc đưa 1 lần 500 triệu đồng cho cụ Hiệp. Ông Khanh nói ở lần mua bán cuối cùng, cụ Hiệp nói nếu bán thì sẽ không còn tài sản để sống, không có tiền để sinh hoạt. Ông thấy hoàn cảnh của cụ Hiệp nên đồng ý.

Tài sản trên diện tích 20.000m2 đất sản xuất công nghiệp, bị cáo không sử dụng nên không biết giá trị. Lúc ông Nguyễn Hiệp Hòa (con cụ Hiệp) xin về ở trên đất, ông Khanh cũng đồng ý. 

Chủ tọa hỏi: “Với cách hiểu của người bình thường thì tài sản thế chấp ngân hàng thì mua bán có đúng với pháp luật”?

-“Tôi không biết”, ông Khanh đáp.

Theo các luật sư, qua lời khai của ông Khanh tại tòa thì thấy rằng, việc mua bán giữa ông Khanh và cụ Hiệp là hoàn toàn tự nguyện, không có o ép như đơn tố cáo của ông Hòa (con cụ Hiệp). Việc mua bán được sự đồng ý của ngân hàng. Và không có sự thỏa thuận giữa ngân hàng, ông Khanh và cụ Hiệp như cáo trạng cáo buộc. 

Phần xét hỏi đối với ông được tiến hành vào hôm nay (12/12).

Khi luật sư (LS) Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) bào chữa cho ông Khanh đang hỏi thân chủ về việc có đơn tố cáo, cầu cứu, khiếu nại những sai phạm này như thế nào thì VKS cắt lời, đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) yêu cầu LS ngừng vì vấn đề này không liên quan đến vụ án.

LS Quynh phản bác: Đây là những tài liệu có trong hồ sơ vụ án và đều được đóng dấu bút lục. Căn cứ vào các quy định pháp luật, tất cả những gì có trong hồ sơ đều phải được làm rõ tại phiên tòa. Tuy nhiên, HĐXX không đồng ý. LS Quynh tiếp tục viện dẫn các điều luật để nói rằng cần phải được hỏi. “Tôi xét thấy HĐXX đang cản trở quyền bào chữa của tôi đối với bị cáo. Tôi đề nghị HĐXX cho tôi tiếp tục được hỏi ông Khanh”, LS Quynh nói.

Đáp lại, Chủ tọa nói rằng nếu có vấn đề gì khiếu nại, tố cáo thì LS có quyền gửi đơn đến cấp thẩm quyền. “Đây là lần thứ 2 tôi nhắc nhở LS bào chữa” Chủ tọa nói.

Tin Cùng Chuyên Mục