Hứa Gia Ấn hiện nắm giữ 26,7 tỷ USD, giàu thứ 22 thế giới (theo Forbes). Năm 2017, ông từng là người giàu nhất châu Á. Hiện tại, guồng quay công việc bận rộn của ông xoay quanh việc gặp gỡ nhà cung cấp và đối tác tiềm năng. Điều này diễn ra trong bối cảnh cực kỳ gấp rút, khi Hứa Gia Ấn đã không thể giữ đúng cam kết sản xuất đại trà ô tô điện vào tháng 6 vừa qua. Mục tiêu này dự kiến sẽ đạt được vào năm sau nhưng sự hoài nghi cũng đang dâng cao.
Lí do vì nguồn vốn của các nhà đầu tư đổ vào cho mảng này ngày càng nhỏ giọt, trong khi sự chững lại của nền kinh tế Trung Quốc đang giáng đòn mạnh vào kinh doanh bất động sản - ngành nghề chính của tỷ phú Hứa.
Tiên phong trong ngành xe điện, vấp phải loạt khó khăn tài chính
Hôm 24/9, Hứa Gia Ấn đã đến Thâm Quyến để thông báo rằng tập đoàn Evergrande (Quảng Châu Hằng Đại) của ông đã đã đạt được thỏa thuận với 5 công ty ô tô toàn cầu để cùng phát triển 15 mẫu xe mới, từ hạng sang đến cỡ vừa và nhỏ gọn.
“Trung Quốc đã sẵn sàng để tiên phong trong ngành ô tô chạy bằng nguồn năng lượng mới” - ông Hứa cho biết. “Thỏa thuận với 5 hãng ô tô toàn cầu sẽ cho phép tập đoàn Evergrande New Energy Vehicle Group trở thành một thế lực lớn trong sự phát triển này”.
Cuộc gặp ở Thâm Quyến giữa Hứa Gia Ấn với 5 công ty ô tô toàn cầu
Ngay trước đó, Chủ tịch Hứa đã đến Ý gặp gỡ với các giám đốc điều hành hãng xe Pininfarina, mục đích bàn về các đề xuất thiết kế cho mẫu xe mới có tên Hengchi.
Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Evergrande có thể thành công trong ngành xe điện hay không. Thị trường này cạnh tranh rất khốc liệt và cần có nguồn cung chất xám liên tục, đòi hỏi chuyên môn nhiều hơn nữa. Thách thức này càng khó vượt qua khi tài chính của Evergrande đang căng thẳng.
Christopher Yip, giám đốc cấp cao của công ty tài chính S&P Global Ratings, cho biết: “Với sự đầu tư liên tục vào kinh doanh xe điện, Evergrande đang bị bao vây trong nợ ngắn hạn thay vì tìm thấy một sự phát triển có ý nghĩa. Tình hình đang ngày một xấu đi trong suốt nửa đầu năm nay”.
Evergrande đã có 206,8 tỷ nhân dân tệ (29,1 tỷ USD) vốn tiền mặt tính đến tháng 6 năm nay, nhưng phải đối mặt với một khoản vay khổng lồ trị giá 376 tỷ nhân dân tệ sẽ đáo hạn trong vòng một năm. Tỷ lệ thanh toán ròng của Evergrande, được đo bằng tổng nợ và vốn chủ sở hữu của cổ đông đang ở mức 151,2%, đi ngược các cam kết trước đó về việc giảm chỉ số này xuống dưới 100%.
Cổ phiếu niêm yết của công ty tại Hồng Kông đã giảm 30% trong năm nay, trong khi chỉ số Hang Seng Index không có biến đổi gì đáng kể.
Chỉ có thể tiến về phía trước
Đối với Evergrande, họ đang ở thế không thể quay đầu. Hứa Gia Ấn xem khoản đầu tư 3,6 tỷ USD vào ô tô điện như một nỗ lực đa dạng hóa doanh nghiệp, bên cạnh những ngành khác như công viên giải trí hay các CLB bóng đá.
Trả lời Forbes, người phát ngôn cho tập đoàn Evergrande khẳng định họ đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới trong vòng 3-5 năm tới và bán được 5 triệu xe trong vòng 10 năm.
Vào tháng 9 vừa qua, Evergrande cũng đã đăng tuyển dụng trực tuyến tới 8.000 vị trí cho một viện nghiên cứu mới thành lập, bao gồm các đầu việc như thiết kế hệ thống xe và pin.
“Có vẻ như họ đang muốn hoàn thiện tất cả các quy trình trong ngành sản xuất ô tô điện” - John Zeng, giám đốc công ty tư vấn LMC Automotive Limited chi nhánh Thượng Hải, nhận định. “Tuy nhiên câu hỏi lớn là liệu công ty họ có thể thành công trong việc lắp ráp hoàn chỉnh từng bộ phận lại với nhau hay không”.