Hé lộ thương vụ sáp nhập mới?
Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Xăng Dầu Petrolimex (PG Bank) vừa ra nhiều quyết định miễn nhiệm chức Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Tiến Dũng, sau đó bổ nhiệm vị này làm Phó chủ tịch ngân hàng. Đồng thời, PGBank bổ nhiệm ông Nguyễn Phi Hùng – Phó tổng giám đốc Ngân hàng Hàng hải Việt Nam (MSB) làm Quyền Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Phi Hùng vốn là lãnh đạo ngân hàng có hơn 20 năm kinh nghiệm, từng đảm nhiệm cương vị Giám đốc Khối Vận hành của PGBank, Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ tại Ngân hàng Citibank NA Hà Nội, Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Năm 2013, ông Hùng gia nhập MSB, đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Công nghệ và vận hành, rồi sau này được bổ nhiệm làm Phó tổng giám đốc Khối vận hành.
Trước ông Nguyễn Phi Hùng, cách đây nửa năm, một nhân sự cấp cao khác của MSB cũng gia nhập PGBank. Đó là ông Hoàng Xuân Hiệp - người từng đảm nhiệm nhiều cương vị cấp cao tại MSB trước đó, như: Phó tổng Giám đốc; Tổng giám đốc công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB. Tại PGBank, ông là Phó tổng giám đốc đảm nhiệm vai trò điều hành và xử lý các công việc của Khối Xử lý và Thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và Tuân thủ.
Động thái thay đổi nhân sự giữa MSB và PGBank đơn thuần có thể là hoạt động thay đổi nhân sự giữa các ngân hàng với nhau. Tuy nhiên, cũng có thể là tín hiệu của một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) mới của hai ngân hàng này.
PG Bank mắc kẹt trong thương vụ sáp nhập với HD Bank suốt 2 năm
Trong thời gian qua, PGBank được thị trường chú ý nhiều bởi kế hoạch sáp nhập với Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển TP HCM (HDBank). Thông tin về thỏa thuận sáp nhập giữa hai ngân hàng này lần đầu được hé lộ tại phiên họp thường niên cuối tháng 4/2018, với tỷ lệ hoán đổi là một cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank.
Theo lộ trình công bố khi đó, hai ngân hàng hoàn tất thương vụ sáp nhập vào tháng 8/2018 sau khi được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban chứng khoán thông qua hồ sơ phát hành cổ phiếu để hoán đổi. Tuy nhiên, các bước trong lộ trình công bố khi đó đã không theo như kế hoạch.
Phải tới tháng đầu tháng 9/2018, cơ quan quản lý mới chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập giữa HDBank và PGBank. Tuy nhiên từ đó đến nay, cơ quan điều hành vẫn chưa phê duyệt đề án sáp nhập cuối cùng. Đại diện PGBank trong những phiên họp gần đây cho biết vướng mắc lớn nhất để thực hiện thương vụ là Ngân hàng Nhà nước chưa thông qua đề án cuối cùng, dù cơ quan quản lý đã chấp thuận về mặt nguyên tắc.
Tại phiên họp cổ đông PGBank tháng 6, ông Trần Ngọc Năm, trưởng nhóm đại diện 40% vốn góp của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) tại PGBank cho biết doanh nghiệp này sẽ tìm nhà đầu tư khác nếu việc sáp nhập không được thực hiện trước ngày 31/8. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, theo ông Năm, sẽ trên tinh thần thận trọng để tránh vi phạm các điều khoản trong hợp đồng sáp nhập.
Trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng đánh giá "khả năng HDBank mua lại PGBank khá thấp" và nhận định thương vụ không có lợi đối với HDBank nên thông tin này là tín hiệu tích cực với giá cổ phiếu.
Nhận định của Yuanta có phần trái ngược với những cải thiện về hoạt động của PGBank, thể hiện qua kết quả kinh doanh chín tháng đầu năm. Luỹ kế chín tháng có lãi trước thuế 132 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 69% kế hoạch đề ra. Ngân hàng đang kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới mức 2,9% theo kế hoạch, trong khi tổng dư nợ cho vay tăng trên 5% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Thương vụ sáp nhập kéo dài để lại nhiều hệ lụy. Tài liệu phiên họp thường niên năm 2019 của PGBank cho biết, tổng số nhân sự nghỉ việc trong năm 2018 tăng vọt lên 385 người. Biến động này chủ yếu do ảnh hưởng của thông tin sáp nhập.
Trong báo cáo gửi các cổ đông, ngân hàng cho biết việc sáp nhập với HDBank kéo dài hơn dự kiến đã ảnh hưởng đến công tác phát triển kinh doanh chung cũng như tăng trưởng dư nợ. Với hoạt động kinh doanh vốn liên ngân hàng, PGBank cho biết các ngân hàng khác giảm giao dịch khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc sáp nhập PGBank vào HDBank.
"Việc sáp nhập kéo dài tiếp tục có nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của PGBank; quy mô tổng tài sản, huy động vốn và cho vay đều tăng trưởng thấp và không đạt kế hoạch đề ra", báo cáo Hội đồng quản trị PGBank năm 2019 cho biết.