Năm 2008, để phóng thành công tên lửa Falcon 1 sau nhiều lần thất bại, khoảng 20 kỹ sư SpaceX cùng quả tên lửa cuối cùng của công ty đã được vận chuyển tới Hawaii trên một chiếc máy bay vận tải C-17.
Từ Hawaii, một sà lan sẽ chở họ đến cơ sở phóng của công ty ở quần đảo Marshall để thực hiện thêm một lần phóng. Đó là cơ hội mang tính sống còn của SpaceX: Nếu không thành công, nó sẽ là dấu chấm hết cho công ty của tỷ phú Elon Musk.
Trong khi chiếc C-17 hạ dần độ cao để hạ cánh, các kỹ sư nghe thấy "một tiếng động lớn, khủng khiếp" phát ra từ tên lửa. Họ nhận ra khoang nhiên liệu của tên lửa không cân bằng, chênh lệch áp suất đủ nhanh khi máy bay hạ cánh.
Phi công được yêu cầu tăng độ cao nhằm duy trì áp suất không khí thấp, nhưng máy bay lúc đó chỉ có đủ nhiên liệu để bay thêm một vòng trước khi hạ cánh, tương đương với khoảng 10 phút để khắc phục sự cố.
Áp suất trong máy bay ngày càng tăng, Anne Chinnery, quản lý hoạt động phóng của SpaceX khi đó, yêu cầu mọi người di chuyển về phía trước tên lửa phòng trường hợp nó phát nổ.
Dù vậy, Zach Dunn - một thực tập sinh mới tham gia đội ngũ kỹ sư SpaceX được hai năm - đã chui vào bên trong tên lửa, tiếp cận thùng nhiên liệu oxy lỏng, sử dụng cờ-lê để mở một lỗ thông hơi cho không khí đi vào và cân bằng chênh lệch áp suất.
Sự cố làm hư hỏng một phần tên lửa, nhưng các kỹ sư SpaceX có thể sửa chữa nó. Cuối cùng, tháng 9/2008, Falcon 1 được phóng thành công lên quỹ đạo. SpaceX sau đó được đảm bảo nguồn vốn để tiếp tục phát triển.
Tại Đại hội Vũ trụ Quốc tế (IAC) ở Adelaide, Australia, năm 2016, Elon Musk nói: "SpaceX làm không tốt với ba lần phóng đầu tiên. May mắn thay, lần phóng thứ tư với số tiền cuối cùng mà chúng tôi có đã thành công. Nếu không sẽ không có SpaceX như hôm nay".
Dunn sau đó trở thành Phó chủ tịch cấp cao về sản xuất và phóng của SpaceX. Năm 2020, ông rời SpaceX về làm việc cho Relativity, một công ty chế tạo tên lửa bằng phương pháp in 3D. Musk từng đăng tweet ca ngợi những đóng góp của Dunn với SpaceX và chúc ông tiếp tục có những đột phá mới trong lĩnh vực chế tạo tên lửa.
Link bài gốc