Ngày pháp luật

Người dùng Mỹ đang rời bỏ TikTok

Zing

Người dùng nuối tiếc nếu TikTok bị cấm, nhưng đã nhanh chóng chuyển sang những ứng dụng có tính năng tương tự.

Ngày 6/7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói với Fox News rằng chính phủ quốc gia này đang cân nhắc cấm những ứng dụng có nguồn gốc từ Trung Quốc, trong đó có TikTok. Ngày 7/7, Tổng thống Donald Trump khẳng định Mỹ xem xét cấm TikTok là một trong những đòn trừng phạt Trung Quốc vì virus corona.

Ngày 10/7, Amazon gửi email cho toàn bộ nhân viên yêu cầu xóa TikTok khỏi điện thoại có "kết nối với email công ty". Sau đó, họ nhanh chóng phủ nhận yêu cầu trên và xác định đây là sự cố kỹ thuật "gửi nhầm email".

Những động thái nghiêm khắc của các cơ quan lập pháp, doanh nghiệp tư nhân về tương lai của TikTok tại Mỹ khiến người dùng tại quốc gia này bắt đầu lo lắng.

Người dùng sợ mất bạn, "ngôi sao" lo mất fan

Đối với nhiều người dùng trẻ tuổi tại Mỹ, TikTok là nền tảng giúp họ kết nối với bạn bè, đặc biệt là trong khoảng thời gian phải thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19.

"Nếu cấm sử dụng TikTok, tôi sẽ mất đi rất nhiều mối quan hệ. TikTok là một phần của thời niên thiếu của tôi", Ashleigh Hunniford, 17 tuổi, người có hơn 400.000 người theo dõi trên TikTok nói với The New York Times.

Trái với phản ứng của người dùng thông thường, những "ngôi sao" TikTok cho biết họ quan tâm tới việc bị mất người theo dõi và tìm cách kéo lượng "fan" này qua các nền tảng khác.

"Tôi có 7 triệu người theo dõi trên TikTok, nhưng không thể nào chuyển họ qua những mạng xã hội khác", Nick Austin, người sở hữu 3 triệu người theo dõi trên Instagram và 500.000 người đăng ký trên YouTube cho biết.

Ngày 9/7, TikTok gặp sự cố kỹ thuật khiến hàng trăm video tại thị trường Mỹ không hiển thị lượt xem. Điều này càng làm người dùng tin chắc rằng lệnh cấm sẽ sớm được ban hành.

Hàng loạt video chỉ hiển thị 0 lượt xem khiến nhiều người dùng tin rằng lệnh cấm TikTok đã được ứng dụng tại Mỹ. Ảnh: Chụp màn hình.
Hàng loạt video chỉ hiển thị 0 lượt xem khiến nhiều người dùng tin rằng lệnh cấm TikTok đã được ứng dụng tại Mỹ. Ảnh: Chụp màn hình.

Nhiều ứng dụng hưởng lợi nếu TikTok bị cấm

Vine là một nền tảng chia sẻ video ngắn tương tự như TikTok. Khi Vine ngừng hoạt động vào năm 2016, những ngôi sao nổi tiếng nhất trên nền tảng này đã chọn YouTube là bến đỗ tiếp theo cho hoạt động của họ. Điều tương tự đang diễn ra với các "ngôi sao" TikTok.

Những người nổi tiếng trên TikTok tại Mỹ như Bryce Hall (10 triệu người theo dõi), Josh Richards (19 triệu người theo dõi), Chari D'Amelio (70 triệu người theo dõi) đã nhanh chóng "di cư" sang nền tảng YouTube.

Những tài khoản nổi tiếng nhất trên TikTok đã nhanh chóng "di cư" sang Youtube. Ảnh: Getty.
Những tài khoản nổi tiếng nhất trên TikTok đã nhanh chóng "di cư" sang Youtube. Ảnh: Getty.

Khi tin tức về dự định cấm TikTok xuất hiện, Byte, nền tảng chia sẻ video ngắn đã nhanh chóng lên top ứng dụng tại App Store Mỹ. Nhiều người dùng Byte đăng tải video chào đón những TikToker, khẳng định ở đây họ sẽ có nhiều không gian để thử nghiệm những điều mới.

"Byte không phải là đối thủ hay là bản sao của TikTok. Nhiều người dùng TikTok sẽ cảm thấy bối rối về cách sử dụng, nhưng chúng tôi chào đón các bạn", Kyle Harris, một người dùng Byte cuồng nhiệt cho biết.

Dubsmash, một ứng dụng có những tính năng rất giống TikTok, xác nhận một lượng lớn người dùng bắt đầu trải nghiệm sản phẩm của họ.

"Số lượng người dùng tăng đột biến, chúng tôi đã giới thiệu 40 người nổi tiếng nhất Dubsmash với vai trò người hướng dẫn cho những người mới sử dụng", Barrie Segal, trưởng phòng phân phối nội dung tại Dubsmash cho biết.

Ấn Độ là quốc gia đầu tiên cấm sử dụng TikTok trên phạm vi toàn lãnh thổ, đã ghi nhận trường hợp các nền tảng khác hưởng lợi từ lệnh cấm. Cụ thể là Roposo, đối thủ trực tiếp của TikTok tại thị trường Ấn, đã tăng 22 triệu người dùng chỉ sau 2 ngày lệnh cấm được ban hành.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục