Trong quá trình xây dựng ngôi nhà của mình, bà Nguyễn Thị Hằng có dựng tạm một lán nhỏ ở khu vực đất lưu không để làm nơi để vật liệu xây dựng và có cam kết sẽ trả lại mặt bằng sau khi việc xây dựng hoàn thành. Tuy nhiên, thay vì thông báo và đề nghị gia đình nhà bà Hằng giải toả thì chính quyền sở tại chỉ cử cán bộ xuống thông báo bằng miệng rồi sau đó vài tiếng là tổ chức giải toả. Việc làm này đã gây thiệt hại nặng về kinh tế, quá trình giải toả dẫn đến xô xát khiến con trai bà Hằng bị bắt vì tội chống người thi hành công vụ.
Thông báo bằng miệng rồi tổ chức giải toả gấp
Theo phản ánh của bà Nguyễn Thị Hằng (trú tại số nhà 6, tổ 9, phường Lương Khánh Thiện, TP.Phủ Lý, Hà Nam) thì chính quyền phường Lương Khánh Thiện đã tiến hành cưỡng chế trái pháp luật đối với gia đình nhà bà. Tại thời điểm bị cưỡng chế, phía chính quyền địa phương cũng không có bất cứ văn bản, quyết định cưỡng chế nào nên đã gây nhiều thiệt hại cho gia đình bà Hằng.
Cụ thể, ngày 22/02/2017, tại khu đất trống ngoài bờ kè sông Châu Giang, gia đình bà Hằng có dựng một lán tạm để một số vật dụng gia đình và xi măng để khỏi bị hư hỏng. Quá trình sửa chữa, gia đình bà Hằng có xin phép xây dựng và nộp phí vệ sinh, phí để nguyên vật liệu...
Vì ngõ trước nhà có diện tích hẹp, việc dựng lán tại đây sẽ ảnh hưởng đến người dân xung quanh nên gia đình bà Hằng quyết định dựng lán tạm cách vị trí nhà khoảng 20m. Do là gia đinh bà Hằng là hộ cận nghèo nên hàng xóm đều biết hoàn cảnh và rất thông cảm, tạo điều kiện cho gia đình bà và không có bất kì ý kiến gì.
Đến 10h cùng ngày, một người tự xưng là cán bộ phường xuống và yêu cầu phía gia đình bà Hằng tháo dỡ lán tạm. Lúc đó ông Ninh Thế Phương (chồng bà Hằng) có nói sẽ viết đơn gửi phường và nếu phường không cho phép sẽ tiến hành tháo dỡ.
Tuy nhiên, dường như không chờ đợi được đơn của gia đình bà Hằng, khoảng 14h cùng ngày, Chủ tịch UBND phường Lương Khánh Thiện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng của phường xuống cưỡng chế tháo dỡ lán tạm của gia đình bà Hằng.
Khi tháo dỡ phía chính quyền cũng không đưa ra được bất cứ văn bản hay quyết định xử phạt hành chính hoặc quyết định cưỡng chế, cũng không thông báo hay tống đạt cho gia đình bà Hằng bất cứ văn bản tài liệu gì. Thậm chí đến khi tiến hành tháo dỡ xong phía gia đình bà Hằng cũng không được ký bất kỳ văn bản liên quan đến sự việc cưỡng chế ngày 22/2.
Hậu quả khiến gia đình bà thiệt hại nặng về kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình xây dựng. Cũng theo nội dung đơn kêu cứu của bà Hằng, hôm 22/2 có rất nhiều người tham gia cưỡng chế không mặc đồng phục lao vào tháo dỡ. Đồng thời việc cưỡng chế phía chính quyền địa phương không có bất kì quyết định cưỡng chế nào nên khi xảy ra anh Ninh Thế Nam (con trai bà Hằng) do tiếc của đã ra can ngăn, giằng co với một người (không mặc đồng phục ngành). Tuy nhiên sau đó công an Phủ Lý đã tiến hành bắt giam về tội chống người thi hành công vụ?
Vòng vo lo trách nhiệm?
Tại buổi làm việc, khi phóng viên đề cập đến vấn đề nội dung đơn kêu oan của bà Hằng, ông Nguyễn Tiến Tình (Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND phường Lương Khánh Thiện) tỏ ra lúng túng và cho rằng bà Hằng đang kiến nghị vượt cấp? Vừa nói ông Tình vừa vung vẩy cuốn "Điều lệ Đảng" vừa luôn miệng khẳng định về việc bà Hằng gửi đơn kêu oan là "không đúng quy trình", là " vượt cấp".
Như để chứng minh, ông Tình đọc to, rõ ràng những điều lệ như để phóng viên thấy được sự nghiêm trọng của việc làm bà Hằng khi gửi đơn kêu oan lên báo chí. Nhưng khi phóng viên đề nghị ông Tình trích dẫn điều luật thì ông nói... phóng viên tự về tìm hiểu dù trên tay ông Tình đang cầm và đọc trích dẫn các điều luật đó.
Nhắc đến nội dung liên quan đến việc cưỡng chế khi không có bất kì một văn bản, quyết định nào thì ông Tình "đùn đẩy" trách nhiệm và đề nghị phóng viên qua bên công an phường để tìm hiểu và hẹn 16h chiều cùng ngày quay lại.
Ông Ninh Thế Phương đứng trước khu vực bị giải toả.
Sau khi làm việc bên cơ quan công an, phóng viên tiếp tục quay lại để làm việc theo như lời ông Tình đã hẹn trước đó thì thì vị này lại cáo bận, không thể trao đổi. Sau nhiều lần liên hệ không được, rất lâu sau ông Tình mới hồi đáp đồng thời giao lại cho Phó Chủ tịch UBND phường trả lời báo chí.
Tại buổi trao đổi, đề cập đến việc một số cán bộ trong quá trình tham gia cưỡng đều mặc thường phục thì phía đại diện UBND phường đã thừa nhận là có, khi phóng viên hỏi về việc anh Ninh Thế Nam (con trai bà Hằng) có hành động ngăn cản những người mặc thường phục đó lại bị quy vào tội "Chống người thi hành công vụ"; nếu có thì có biên bản hay văn bản nào... thì phía đại diện phường liền lảng sang chuyện khác.
Khi yêu cầu đề nghị cung cấp các văn bản hay quyết định cưỡng chế thì phía bên phường Lương Khánh Thiện cũng không cung cấp được bất kì văn bản hay quyết định nào(?).
Vậy phải chăng có sự lạm quyền của chính quyền địa phương khi tiến hành cưỡng chế không có bất kì một quyết định nào, sau đó lại khép người dân vào tội "Chống người thi hành công vụ"?
(Theo VnMedia.vn)