Ngày pháp luật

Ngô Quang Long: “Không nên xem rủi ro trong nhượng quyền là nỗi sợ”

Hiền Hương

“Hình thức nhượng quyền có nhiều nhược điểm khá nguy hiểm. Tuy nhiên, tôi không xem đó là nỗi lo sợ, mà tôi hiểu mình cần phải nỗ lực hơn nữa để có thể hạn chế tối đa những rủi ro, tạo nền móng vững chắc cho thương hiệu phát triển” - anh Ngô Quang Long – Giám đốc sáng tạo Adam Group bày tỏ.

Ngô Quang Long: “Không nên xem rủi ro trong nhượng quyền là nỗi sợ” - Ảnh 1

 Anh Ngô Quang Long – Giám đốc sáng tạo Adam Group:

 
Mấu chốt của nhượng quyền là cần phải đảm bảo tính win – win giữa hai bên: Bên chủ nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Mọi thông tin cần rõ ràng, mạch lạc và dựa trên sự đồng thuận trao đổi của hai bên

Nhượng quyền là cách nhanh nhất và hiệu quả nhất giúp một thương hiệu phát triển vượt bậc. Adam Group đã vận dụng hình thức này để phát triển thương hiệu như thế nào, thưa anh?

Adam Store xuất phát từ đam mê là muốn thay đổi gu ăn mặc của tất cả đàn ông Việt. Bởi vậy nên tôi đã dành rất nhiều công sức để nghiên cứu các mô hình kinh doanh sao cho đạt độ phủ thương hiệu tốt nhất và khách hàng có thể tiếp cận dễ dàng nhất. Trong đó, mô hình nhượng quyền là mô hình tôi đã nghĩ đến đầu tiên.

Tôi đã chọn lọc, phân tích ưu nhược điểm của tất cả các dạng nhượng quyền và quyết định xây dựng nên một chính sách nhượng quyền riêng của mình. Adam Store đã bắt đầu nhượng quyền ngay sau vài tháng khai trương cửa hàng đầu tiên và áp dụng cho các tỉnh thành trên toàn quốc.

Hoạt động nhượng quyền thương mại được đánh giá là khá sôi động ở Việt Nam trong thời gian gần đây và dự báo sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Anh đánh giá thế nào về ưu, nhược điểm của hình thức kinh doanh này?

Hình thức nhượng quyền kinh doanh có ưu điểm rất lớn là tiết kiệm chi phí phát triển thương hiệu cho chủ thương hiệu, ví dụ như chi phí thuê sửa địa điểm, nhân viên cho mỗi showroom mới. Bên cạnh đó, việc nhượng quyền cho một cá thể nắm vững thị trường nơi đó sẽ giảm thiểu rủi ro cho chủ đầu tư, giúp thương hiệu có đà phát triển thuận lợi hơn.

Ngô Quang Long: “Không nên xem rủi ro trong nhượng quyền là nỗi sợ” - Ảnh 2

 

Tuy nhiên hình thức nhượng quyền này cũng có nhược điểm là khó quản lý chất lượng của từng cửa hàng trong chuỗi. Chỉ cần một mắt xích làm việc không tốt là ảnh hưởng đến tất cả.

Như anh đã nói, hình thức kinh doanh này tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, đặc biệt là thị trường Việt Nam, tính tuân thủ của các bên mua nhượng quyền nhìn chung chưa được đánh giá cao. Anh có lo sợ việc nhượng quyền sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Adam?

Mô hình nào rồi cũng sẽ có những mặt hạn chế nhất định. Đúng là không thể kỳ vọng tất cả các bên mua nhượng quyền có thể làm việc đam mê và nghiêm chỉnh đúng như mình được. Thời gian đầu, tôi cũng gặp một số vấn đề khi có khách hàng phàn nàn về chất lượng phục vụ tại một số showroom nhượng quyền trong hệ thống. Tuy nhiên, tôi không xem đó là nỗi lo sợ, mà tôi hiểu mình cần phải tăng cường hơn các hoạt động kiểm tra, các hình thức xử phạt cũng như đầu tư nhiều hơn vào đào tạo các đại lý để có thể hạn chế tối đa những rủi ro, tạo nền móng vững chắc cho thương hiệu phát triển.

Thực tế là các doanh nghiệp nước ngoài áp dụng rất thành công mô hình nhượng quyền trong khi doanh nghiệp Việt vẫn còn rất loay hoay. Theo anh mấu chốt để giải được bài toán này là gì? Và bằng cách nào để Adam Group có thể nhượng quyền bền vững, thành công?

Các doanh nghiệp Việt còn nhiều loay hoay là bởi chúng ta vẫn đang trong giai đoạn đầu của cuộc đua nhượng quyền. Mấu chốt của nhượng quyền là cần phải đảm bảo tính win – win giữa hai bên: Bên chủ nhượng quyền và bên nhận nhượng quyền. Mọi thông tin cần rõ ràng, mạch lạc và dựa trên sự đồng thuận trao đổi của hai bên.

Ngô Quang Long: “Không nên xem rủi ro trong nhượng quyền là nỗi sợ” - Ảnh 3

 

Để xây dựng được mô hình nhượng quyền thương mại toàn diện, Adam Store kiểm soát rất gắt gao các đơn vị nhận nhượng quyền ngay từ vòng xét duyệt. Bản thân tôi không chỉ coi các bên như đối tác kinh doanh, mà còn thật sự coi đó là những anh em trong gia đình nên luôn cần phải trao đổi rõ với nhau để có được sự đồng nhất trong tư duy, trong định hướng, để đoàn kết chặt chẽ giúp mối quan hệ nhượng quyền được bền vững.

Tại Việt Nam, các thương hiệu mới chỉ ở giai đoạn bắt đầu việc nhượng quyền ở trong nước, tức “ta tắm ao ta”. Anh có định hướng chiến lược cụ thể gì để thương hiệu Adam có thể vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam?

Adam Store đã hoạch định chiến lược vươn tầm ra thế giới từ cuối năm ngoái. Mơ ước ngày nào giúp đàn ông Việt Nam mặc đẹp hơn của tôi đã tự tin hoàn thành đến 80%. Bên cạnh đó cũng có rất nhiều đơn vị doanh nghiệp cũng như cá nhân đang sinh sống, hoạt động ở nước ngoài đã chủ động liên hệ Adam Store để trao đổi về vấn đề nhượng quyền. Nhưng vì kinh doanh ở nước ngoài có nhiều sự khác biệt nên tôi vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thật kỹ mọi khả năng để có thể đem lại hiệu quả lớn nhất cho cả hai bên.

Ngô Quang Long: “Không nên xem rủi ro trong nhượng quyền là nỗi sợ” - Ảnh 4

 

Theo anh, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước cần làm gì để giúp các doanh nghiệp trong nước tận dụng được cơ hội hội nhập nhằm phát triển nhượng quyền?

Với tư cách là một chủ thương hiệu đang áp dụng nhượng quyền, tôi rất hy vọng trong tương lai gần, Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước có thể đưa ra những chương trình đào tạo chuyên sâu hơn về nhượng quyền trong các ngành nghề kinh doanh, có như vậy, các thương hiệu và các doanh nghiệp mới có thể thực sự quy chuẩn hơn, hoạt động trơn tru, dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, các luật về nhượng quyền cũng nên được nghiên cứu kỹ hơn để có thể bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia nhượng quyền được tốt hơn.

Tin Cùng Chuyên Mục