Tác giả cuốn sách "The CEO Next Door" - Elena Botelho và Kim Powell đã từng nói rằng, "ngay cả những CEO ấn tượng nhất cũng biết rằng họ được sinh ra cho sự vĩ đại".
Vậy phải làm sao để một người thường trở thành một CEO thành công đây? Phải chăng có những yếu tố nào giúp họ trở nên xuất chúng?
Để khám phá ra những đặc điểm này, Botelho và Powell đã nghiên cứu tập dữ liệu gồm 17.000 bài đánh giá lãnh đạo từ công ty nghiên cứu ghSmart. Sau đó, họ sẽ cùng hợp tác với các giáo sư đầu ngành của ĐH Chicago với ĐH Columbia để phân tích kĩ hơn 2.600 nhà lãnh đạo, qua đó tìm ra xu hướng nổi bật giữa các CEO thành công.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu chốt ra được 4 đặc điểm mà có thể biến những người bình thường trở thành những CEO mạnh mẽ. Đó chính là: sự quyết đoán, sự tin cậy, khả năng thuyết phục và tính thích nghi mạnh mẽ.
1. Sự quyết đoán
Tin được không, khi các CEO thành công đều là những người quyết đoán và có năng suất làm việc cao hơn bình thường gấp 12 lần.
Steve Gorman - cựu giám đốc điều hành của Greyhound là minh chứng cho thấy vì sao điều này lại quan trọng như thế.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở thời điểm ông Gorman tiếp quan Grayhound năm 2003, công ty đang lỗ vốn. Vậy nhưng chỉ trong 4 tháng, sau khi lắng nghe lời khuyên của các nhà quản lý, ông đã quyết định thay đổi hướng đi và kết quả là chiến lược đó đã thành công.
Vào thời gian ông rời Greyhound hồi 2007, công ty báo cáo thu nhập 30 triệu đô la và sau đó đã được bán với giá gấp đôi so với giá trị của công ty hồi 2003.
Các nhà nghiên cứu giải thích rằng Gorman đã "thúc đẩy" kế hoạch không phải vì ông biết kế hoạch này sẽ hiệu quả mà vì ông nhận ra rằng đưa ra một quyết định có thể sẽ tồi tệ vẫn tốt hơn là không đưa ra quyết định nào.
2. Biết thuyết phục khiến mọi người tin tưởng vào ý tưởng của mình
Để trở thành một CEO thành công, bạn không chỉ phải sở hữu tố chất thu hút người xung quanh mà còn truyền cảm hứng cho họ nữa.
Nói tưởng đơn giản, nhưng sự thật là bạn phải làm sao để người ta hiểu, tin tưởng và cùng đóng góp xây dựng ý tưởng với mình.
Để làm được nó, bạn nhất định phải diễn giải ý định, tầm nhìn, mục tiêu của bạn một cách rõ ràng. Qua đó, bạn cũng cần hiểu được nhu cầu về tình cảm, tài chính, thể chất của những người giúp bạn chạm tay tới kết quả.
Bên cạnh đó, bạn cần thiết lập thói quen hàng ngày xây dựng mối quan hệ, từ đó biến hành động thành kết quả kinh doanh.
Steve Jobs - cố giám đốc điều hành, người sáng lập ra Apple đã tạo ra một công ty thành công như vậy. Ông đã thu hút nhân viên của mình, khuyến khích họ đưa ra các sản phẩm và ý tưởng sáng tạo mang tính tân tiến, cải cách.
3. Tạo dựng độ tin cậy
Không sai khi nói rằng, "độ tin cậy" là điều quan trọng nhất cho thành công điều hành của các CEO. Bởi lẽ, trong kinh doanh, những người đáng tin cậy và có thẩm quyền sẽ được yêu mến.
Richard Branson - người sáng lập ra tập đoàn Virgin Australia đã làm được điều này khi ông thành lập ra hãng hàng không hiện đang lớn thứ hai của nước Úc.
Quyết định phát triển hãng hàng không này thực sự là sản phẩm trí tuệ bởi một nhân viên tên Brett Godfrey, người mà Branson đã ngay lập tức chú ý, quý mến vì anh này rất tử tế, cẩn thận và chăm chỉ.
Branson chia sẻ: "Tôi thấy Godfrey đối xử với mọi người một cách lịch thiệp, nhân văn và khuyến khích nhân viên trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân".
Năm 2000, Virgin Australia chính thức bước vào thị trường hàng không do Brett Godfrey nắm vị trí Giám đốc điều hành.
4. Tính thích nghi với môi trường cao
Các nhà quản lý đều biết rằng, việc thay đổi hay học hỏi luôn khiến họ khó chịu. Vậy nhưng các CEO đều có khả năng thích nghi tốt, biết buông bỏ quá khứ, tập trung vào tương lai nhiều hơn. Hay nói đơn giản hơn, đó là để đạt tới đỉnh cao, các nhà lãnh đạo đều phải học cách điều hướng những vấn đề chưa từng thấy.
CEO Amazon - Jeff Bezos là ví dụ điển hình cho điều này. Khi Amazon ra mắt vào năm 1994, công ty chỉ bán sách. Nhưng sau khi hỏi khách hàng về sản phẩm khác họ muốn công ty cung cấp, danh sách đó dài tới mức không tưởng.
Kết quả là đến hôm nay, Amazon có gần như mọi thứ, từ mặt hàng điện tử tới sản phẩm may mặc. Bezos công nhận rằng khả năng suy nghĩ lâu dài và thử nghiệm này đã góp phần vào sự thành công nhanh chóng của Amazon.