Trong cuộc đời bất kì ai, mỗi độ tuổi đều đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Một quy luật mà nhiều người ngấm ngầm quy định như sau: 15 tuổi so học lực, 20 tuổi so thành tích, khi 30 so năng lực, 40 tuổi so trải đời, 50 tuổi so tiền tài. Thế nên, không ít người cảm thấy bức bối, khó chịu khi thấy bản thân mình chưa làm được gì.
Xuất hiện trong buổi hội thảo "Cơ hội và thay đổi ở tuổi 30", bà Bùi Thị Thục Anh - chuyên gia Đào tạo và Phát triển tại VPBank đã chia sẻ những kinh nghiệm cũng như những trải nghiệm quý báu của mình. Khi được hỏi liệu có biết quy luật thăng tiến rõ ràng nào trong sự nghiệp dành cho những người đi làm không đặc biệt là những người ở lứa tuổi 30, bà Thục Anh đã trả lời:
"Nếu nói về quy luật, tôi không nghĩ là hình thành một quy luật nào đâu mà nó dựa vào nỗ lực của từng cá nhân. Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện cá nhân từ bản thân tôi thôi. Điều tôi cốt yếu muốn gửi tới các bạn ở độ tuổi 30 là hãy thay đổi nếu con đường mình chọn chưa hẳn phù hợp lắm. Bởi vì quyết định của tôi xảy ra khi tôi 40 tuổi.
Trước đó, tôi đi làm nhà nước, tôi không bị bất cứ một áp lực kinh tế nào ảnh hưởng. Thực tế, tôi là một người rất chịu khó học, tôi cứ tích lũy kinh nghiệm, kiến thức mỗi ngày. Rồi tôi đã tự hỏi là mình cứ tiếp tục ở đây mãi à. Và năm tôi 40 tuổi, tôi quyết định ra khỏi nhà nước.
Khi tôi đi, các bạn đồng nghiệp cũ có hỏi tôi rằng: "Chị ngần tuổi này rồi, đi ra doanh nghiệp tư nhân, chị phải làm quen lại từ đầu với những người mới, chị không thấy ngại à?". Tôi lại có suy nghĩ rất tích cực là ở cơ quan cũ tôi vẫn có những người bạn đồng nghiệp thì ở nơi mới, chắc chắn tôi vẫn sẽ có những người bạn khác.
Tự mình có những suy nghĩ động viên như thế, mình mới dũng cảm bước ra được. Đến bây giờ, tôi thực sự vẫn nghĩ rằng quyết định của mình đúng. Trong một buổi đánh giá 1:1, nhân viên nói chuyện trực tiếp với sếp, lãnh đạo của tôi nhận xét rằng: "Tôi thấy bạn chẳng khác gì tôi cả, tố chất tôi có bạn cũng có. Chỉ có điều, bạn đi ra doanh nghiệp hơi muộn".
Đấy là điều mà tôi luôn luôn nghĩ, ước gì giá như tôi quyết định lúc tôi 30 tuổi, tôi đi ra sớm hơn. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng những gì mình đã làm được rất xứng đáng với những gì tôi cố gắng."
Song song với đó, bà Thục Anh cũng rất nhiệt tình đưa ra những lời động viên, khích lệ các bạn trẻ đang ở độ tuổi 30 và băn khoăn không biết mình nên làm gì. Theo bà, cứ làm những điều mình muốn, mình mơ ước thì khi ấy, chắc chắn là bạn đã làm đúng.
"Tôi không có lời khuyên nào cả mà chỉ mong những chia sẻ của mình có thể phù hợp với các bạn. Bất cứ bạn trẻ nào cũng nên có một lộ trình cho mình càng sớm càng tốt, tất nhiên tôi biết điều đó có thể không khả thi với những bạn mới ra trường, chỉ mới hai mấy tuổi, vẫn còn tràn đầy năng lượng và nghĩ rằng mình có thể làm bất cứ điều gì.
Nhưng đến độ tuổi 30, các bạn sẽ nhìn lại điều mình làm liệu có đúng không, có phù hợp không, có đúng với mong muốn, mơ ước của mình hay chưa và quan trọng có dám nghĩ dám làm không. Tôi có gặp một trường hợp là con của bạn thân tôi như thế này.
Cô bé ấy học Đại học Ngoại thương và chắc chắn các bạn biết là danh tiếng của ngôi trường này trên thị trường việc làm rồi. Nhưng cô bé này lại có một niềm đam mê làm bánh và cô ấy chuyển sang mở một tiệm bánh. Tôi đoán chắc là không ít người rất tiếc và đã hỏi cô ấy rằng thế bao nhiêu kiến thức học ở trường Ngoại Thương để em mở một tiệm bánh hay sao.
Nhưng tôi cho rằng những gì mình say mê và mình làm theo đều tốt cả. Đừng nghĩ rằng mình nhất định phải có bằng cấp, hãy làm theo những cái mà mình muốn và xác định được lộ trình mình đi theo. Khi bạn hạnh phúc thì tự khắc những người xung quanh bạn sẽ sống hạnh phúc thôi."