Thử nghiệm táo bạo
Ngày đầu tháng 8 nắng vàng biển xanh, trên chuyến ghe từ đất liền vào cơ sở du lịch ở khu vực Hòn Tràu, Gò Hàu thuộc thôn Nước Ngọt, xã Cam Lập, TP Cam Ranh của chị Loan, nhìn những lồng bè gắn vào những dãy phi nhựa xanh nổi trên mặt nước mênh mông, nghe câu chuyện chị kể lại, mới cảm nhận nghị lực kinh doanh của người phụ nữ này hiếm thấy.
Giải thích cho khách, chị cười: “Một vài năm trước, chỉ có mình tôi nuôi Hàu. Nay có nhiều người cùng làm lắm, đến gần 500 lồng bè. Họ nuôi chủ yếu là Hàu đá, vẹm, dùng làm thức ăn nuôi tôm. Có hai người nuôi Hàu sữa như tôi nhưng họ sắp bán lại cho tôi rồi”.
Mang tiếng “làm chủ” nhưng chị Loan sống hệt như người làm công.
Khu vực Hòn Tràu – Gò Hàu bây giờ xôm tụ người nuôi Hàu. Mỗi lồng bè dài độ 30m, rộng hơn 10m được kết nối với nhau bằng tre, sau đó được gắn vào thùng phi nhựa để nổi. Hàu sữa được cấy lên phôi giống, luồn vào sợi cước lớn dài khoảng 2m gọi là dây phôi, rồi treo lủng lẳng trên thanh tre nối ngang. Cứ khoảng 10cm, người ta treo một dây phôi.
Mười tám lồng bè được chị Loan xếp ngay ngắn, mỗi lồng bè cách nhau chừng 150m, ngay chính diện cơ sở du lịch của chị. Xoắn tay, kéo từng dây phôi, chị chỉ cho khách xem những con Hàu sữa đã hình thành, bám chặt vào phôi giống.
|
Những lồng bè nuôi Hàu sữa trên biển Cam Ranh. |
Là người con đất biển, ngay từ bé, chị Loan kể đã thích những con sò, con ốc, yêu từng bờ cát, từng ngọn núi đá. Chị mơ một ngày sẽ tạo dựng được một khu du lịch cho riêng mình.
Chị bắt đầu bằng việc đầu tư cả trên bờ, dưới nước. Trên bờ, chị đầu tư nhà cửa, trồng cây, dưới nước, chị bắt tay bằng việc nuôi Hàu sữa. Để có được cơ ngơi là 18 lồng bè nuôi Hàu sữa, mỗi bè có đến khoảng 7.000 con giống như ngày hôm nay, chị Loan trải qua không biết bao gian truân.
Hơn 20 năm là nhân viên của Công ty truyền tải điện 3 (Khánh Hoà), dù chưa đến tuổi nhưng giữa năm 2017, chị Loan xin về hưu sớm. Dù muộn còn hơn không, chị muốn thực hiện giấc mơ của chính mình, giấc mơ khởi nghiệp.
“Khu vực Hòn Tràu – Gò Hàu là một đầm nước tù, mỗi năm, nước mưa đều đổ về. Do đó, có nhiều tảo, phù du, nhiều tạp chất đổ về. Từ cảng cá, từ các hộ nuôi tôm, mỗi lần gió lên là tụ về đây. Nơi đây rất thuận lợi về thức ăn cho các loại Hàu. Mực nước ở đây lại không sâu, tầm từ 2 – 3m”, chị Loan giải thích.
Nơi đây được bao bọc bởi hai bên là núi đá, một bên giáp với TP Cam Ranh, ít sóng gió, thuyền bè chủ yếu là loại nhỏ nên rất thuận lợi về địa hình, vị trí, đường đi lại thông suốt và gần nhiều khu du lịch Cam Ranh, Bình Ba, gần Núi Chúa (Ninh Thuận).
Bại không nản
Về hưu non, chị bắt tay ngay vào công cuộc khởi nghiệp. Chị Loan kể: “Khu vực này, cứ hai tháng khi con nước lên xuống, người dân thường đi cạy Hàu đá để ăn hoặc bán. Tôi biết con Hàu thích hợp, có thể sống và phát triển được ở vùng này.
Có điều chỉ là Hàu tự nhiên, chứ nuôi Hàu đại trà, số lượng lớn thì chưa ai làm. Tôi là người đầu tiên đưa Hàu sữa về nuôi ở đây. Thời gian đầu, vừa đầu tư xây dựng cơ sở du lịch, tôi treo ít dây Hàu sữa để thử nghiệm”.
Về giống Hàu sữa, chị Loan phải bươn chải khắp nơi mới tìm được con giống thích hợp. Dù cùng một tỉnh nhưng giống Hàu sữa ở Khánh Hoà lại không phù hợp với vùng này. Chị Loan phải lặn lội vào tận vùng biển Tuy Thuỷ - Phan Rang (Ninh Thuận) tìm kiếm mới có giống phù hợp.
“Khi thấy con Hàu sữa phù hợp với môi trường, tháng 9/2018, tôi chính thức đầu tư nuôi đại trà. Nói là dễ, thuận lợi, nhưng không phải cứ bắt tay làm là được. Hàu sữa sống được nhưng khi nuôi đại trà mới thấy hết sự khó khăn, thất bại và từ đó tích luỹ được nhiều kinh nghiệm”, chị kể.
|
Chị Loan tự tay gỡ Hàu sữa cho khách thưởng thức ngay trên lồng bè |
Lần đầu tiên, chị Loan mạnh dạn đầu tư lồng bè nuôi 10.000 phôi giống. Phôi giống là vỏ Hàu lớn được cấy các phôi Hàu sữa. Mỗi phôi giống khi Hàu sữa phát triển sẽ cho sản lượng từ 1,5 – 3 kg. Hàu sữa sống tốt nhưng nuôi từ khi mới cấy phôi thực sự gặp trở ngại.
Khi nuôi ở vùng Tuy Thuỷ thì nó phát triển rất tốt. Nhưng khi mang về vùng này, con Hàu sữa phát triển vỏ tương đối lâu, không to như ở vùng khác. Được cái bù lại ruột chắc, nhiều thịt, vỏ mỏng.
Lần đầu khởi nghiệp với 10.000 phôi giống, chị Loan thất bại, không thu được đồng lợi nào. Nhưng thất bại không có nghĩa là dừng lại.
Chị Loan tìm hướng đi mới, tìm cách mới để con Hàu sữa thực sự phát triển ngay tại chính nơi chị ấp ủ giấc mơ du lịch xanh. “Tôi bắt đầu nghĩ ra cách để rút ngắn thời gian phát triển vỏ của Hàu sữa. Tôi vào Tuy Thuỷ, tìm người bán Hàu sữa đã nuôi được ba tháng, tức là đã hình thành vỏ chắc chắn. Mỗi lần mua, tôi mua nguyên một bè, sau đó thuê xe chở về.
Quá trình này rất khó khăn. Vì đường xa vận chuyển không khéo, không kỹ lưỡng thì Hàu chết ngay. Công việc tìm mua đúng nơi, đúng chất lượng, vận chuyển như thế nào, tôi là người trực tiếp tham gia và điều hành”.
Từ sáng kiến này, chị Loan không nuôi đại trà, tập trung vào vụ mùa. Một vụ Hàu sữa khoảng 4 – 6 tháng. Cái công nuôi, chăm sóc tốn nhiều chi phí thì cái công thu hoạch lại tốn gấp bội. Người công nhân phải gỡ Hàu sữa ra khỏi phôi giống, tốn nhiều công sức.
Mô hình kết hợp du lịch xanh
Thu đại trà thì phải bỏ sỉ cho đầu nậu, giá rất “mềm”, chỉ khoảng 30.000 – 35.000 đồng/kg. Cái cách mang nguyên lồng bè Hàu sữa đã hình thành về nuôi của chị Loan đã giải được nỗi lo phải bán giá rẻ. Từ đây, chị không phải lo chuyện phải thu hoạch một lần, phải bán sỉ cho đầu nậu. Hàu sữa của chị thu hoạch quanh năm và chỉ dùng vào mục đích du lịch.
|
Sáng kiến mang nguyên lồng bè Hàu sữa đã hình thành về nuôi của chị Loan đã giải được nỗi lo phải bán giá rẻ. |
“Mỗi khách đến cơ sở du lịch của tôi mỗi ngày chi trả 100 ngàn đồng gồm tiền thuyền đưa đón, tiền nước uống, nơi nghỉ ngơi. Khách rất thích thú khi được đưa ra các lồng bè để vừa tham quan cách nuôi Hàu sữa, vừa được thưởng thức ngay tại chỗ. Bè nào tới đợt thu hoạch, tôi đưa khách ra đó, họ tự tay bắt, tự tay chế biến. Với cách làm này, tôi bán 70 ngàn đồng/kg, gấp đôi so với bỏ sỉ mà hạn chế được công thu hoạch, vận chuyển”, chị Loan kể lại.
Việc chăm sóc cho Hàu sữa không khó mấy. Thức ăn sẵn có trong nước, không cần phải cho ăn thêm. Có điều phải kiểm tra lồng bè thường xuyên để tránh các loại dịch bệnh.
Người qua lại khu vực này, vẫn thấy một người phụ nữ vẻ dân dã, chân đất, tay cầm búa gỡ Hàu, phăng phăng đi trên các lồng bè, đó là chị Loan. Mang tiếng “làm chủ” nhưng chị sống hệt như người làm công. Ăn cùng, làm cùng với họ. Đến bữa cơm, chị một tay bưng bát, một tay tính toán công việc tiếp theo.
Mỗi ngày, từ sáng sớm tinh mơ, chị Loan phải thức giấc, trang bị quần áo lao động để tự mình đi kiểm tra từng lồng bè nuôi Hàu sữa. Tận tay, tận mắt nhìn thấy con Hàu sữa lớn lên từng ngày, chị Loan càng thêm vững tin. Đến tận tối mịt, chị mới vào lại cơ sở của mình để ngủ lại. Người phụ nữ thậm chí còn hy sinh hạnh phúc riêng, ít khi về nhà để chăm chút từng li từng tí cho cơ sở du lịch, cho những lồng bè Hàu sữa.
Vì có nơi nghỉ ngơi, có trải nghiệm tại các lồng bè Hàu sữa, cơ sở du lịch của chị Loan ngày càng hút khách. Cũng chính chị là người hướng dẫn khách du lịch, sắp xếp nơi ăn, chốn ngủ cho khách.
Với 18 lồng bè Hàu sữa, mỗi lồng bè có hơn 7.000 phôi giống. Tiền đầu tư mỗi lồng bè chưa có phôi giống khoảng 20 triệu đồng, nếu tính cả con giống thì 45 triệu đồng. Tính toán, chị Loan nói mỗi phôi giống phải đầu tư 15.000 đồng nhưng thu lại khoảng 50.000 đồng. “Nếu thuận lợi, sẽ lãi gấp 3 lần. Nếu 18 lồng bè này, tôi có thể thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm”, chị Loan cười tươi kỳ vọng.