Theo Bản án sơ thẩm số 118 ngày 18/4/2018 của TAND TP HCM, bị cáo Nguyễn Công Hoàng (nguyên Phó Tổng Giám đốc Vinacafe Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu Vinacafe) bị tuyên phạt 12 năm tù, Nguyễn Nhật (nguyên Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn) 11 năm tù về tội “Cố ý làm trái…”; buộc hai bị cáo có nghĩa vụ liên đới bồi thường cho Tổng Công ty Vinacafe Việt Nam hơn 24 tỷ đồng. Bản án sơ thẩm trên đã bị các bị cáo kháng cáo kêu oan, còn dư luận thì hoài nghi vì chứng cứ kết tội không thuyết phục.
Báo PLVN đã phản ánh về vụ việc này
Phạm tội vì “tự ý” tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Theo án sơ thẩm, ngày 3/8/2010, ông Nguyễn Nhật - khi đó là Giám đốc Vinacafe Quy Nhơn và ông Nguyễn Công Hoàng - thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc Vinacafe Việt Nam kiêm Giám đốc Trung tâm Xuất nhập khẩu Vinacafe đã ký Hợp đồng vay vốn số 01 (HĐ 01) với nội dung: Trung tâm XNK Vinacafe (bên A) vay của Vinacafe Quy Nhơn (bên B) vay số tiền 50 tỷ đồng mục đích để thu mua cà phê với lãi suất vay 13% năm, sẽ được trả sau khi thanh lý HĐ; thời hạn vay theo kế hoạch thu mua và xuất khẩu cà phê của bên A. Thực hiện HĐ này, trong thời gian từ 3/8/2010 đến 12/11/2010 Trung tâm XNK Vinacafe đã gửi cho Cty Vinacafe Quy Nhơn 9 giấy đề nghị chuyển tiền tổng giá trị 124 tỷ đồng và Vinacafe Quy Nhơn đã ký 21 ủy nhiệm chi chuyển cho Trung tâm tổng số tiền 116,8 tỷ đồng từ ngày 4/8/2010 đến 15/11/2010. Trung tâm đã chuyển trả nợ cho Vinacafe Quy Nhơn tổng cộng 19 lần với tổng số tiền 71,7 tỷ đồng tiền gốc; còn nợ Vinacafe Quy Nhơn tiền gốc là gần 36 tỷ đồng.
Bản án sơ thẩm cho rằng, hành vi hai bị cáo tự ý ký HĐ 01 khi không có phương án vay vốn, không có văn bản báo cáo xin ý kiến TCty Vinacafe và không được TCty phê duyệt là trái với các quy định pháp luật, đã cấu thành tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”, làm thất thoát của nhà nước gần 36 tỷ đồng.
Mặc dù các cơ quan tố tụng cho rằng ông Nguyễn Nhật và ông Nguyễn Công Hoàng đã tự ý ký HĐ 01, không có chỉ đạo bằng văn bản của TCty Vinacafe nên xác định không có chứng cứ trực tiếp chứng minh là TCty chỉ đạo. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án có nhiều lời khai của người làm chứng thể hiện TCty đã tổ chức các buổi họp bàn. Và trong quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Nhật đã nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng quyển sổ tay có ghi chép lại nội dung cuộc họp ngày 27, 28/7/2010 theo chỉ đạo của lãnh đạo TCty Vinacafe. Như vậy có thể khẳng định là trước khi Vinacafe Quy Nhơn ký Hợp đồng 01 và chuyển tiền cho Trung tâm XNK, tại TCty đã diễn ra nhiều cuộc họp bàn tìm hướng giải quyết khó khăn chung. Tuy nhiên, nhiều người tham gia cuộc họp bàn lại không được các cơ quan tố tụng xác định là người làm chứng trong vụ án này.
Tổng Công ty Vinacafe hoàn toàn biết việc chuyển, trả tiền theo HĐ 01 giữa Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm. Trung tâm đã dùng nguồn tiền từ HĐ 01 để giải chấp cà phê tại các ngân hàng; thực hiện ký quỹ; trả cho đơn vị khách hàng; xử lý nợ vay và nợ khách hàng do kế thừa từ các đơn vị khác; chi trả lương và chi phí xuất nhập khẩu thể hiện qua các ủy nhiệm chi có trong hồ sơ vụ án. Tất cả các khoản chi vào các mục đích nêu trên đều là nhằm phục vụ hoạt động kinh doanh, thu mua và xuất khẩu cà phê theo phương án đã được TCty phê duyệt hàng năm.
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Nhật khẳng định: liên quan đến việc chuyển, trả tiền đều thể hiện trên các báo cáo gửi về TCty. Hơn nữa, tại phiên tòa ngày 26/9/2017 bà Bùi Thị Thanh Lan (Nguyên kế toán trưởng của Vinacafe Quy Nhơn giai đoạn 2010 - 2011) khẳng định: ngày 05 hàng tháng Vinacafe Quy Nhơn đều có báo cáo tháng và hạch toán rõ ràng gửi về TCty. Số dư công nợ luôn luôn có, TCty kiểm tra rất kỹ và không có ý kiến gì. Tại phiên tòa ngày 26/9/2017 bà Lê Anh Tuấn (nguyên kế toán trưởng của Trung tâm XNK giai đoạn 2010-2011) cũng khẳng định Trung tâm có nộp báo cáo hàng tháng lên TCty theo đúng Quy định 92/TCT-TGĐ/QĐ ngày 05/02/2009 của TCty cà phê Việt Nam.
Do vậy, nhận định của bản án sơ thẩm cho rằng: Việc Trung tâm ký HĐ 01 rồi sử dụng vào các khoản chi nêu trên không có báo cáo, không được sự đồng ý của TCty là hoàn toàn không khách quan, bởi lẽ: Vinacafe Quy Nhơn chuyển tiền cho Trung tâm và Trung tâm sử dụng tất cả các khoản tiền có nguồn gốc từ HĐ 01 đều được thực hiện công khai, qua ngân hàng, có đầy đủ các ủy nhiệm chi và đã được cơ quan điều tra xác minh, thu thập và đưa vào hồ sơ vụ án.
Các khoản chi này đều đã được hạch toán rõ ràng. Hàng tháng, quý và năm Trung tâm Vinacafe Quy Nhơn đều có báo cáo đầy đủ gửi về TCty theo đúng quy định. Mặt khác, định kỳ TCty đều cử đoàn kiểm tra xuống để kiểm tra hoạt động tài chính của các đơn vị hạch toán phụ thuộc, trong đó có Trung tâm và Vinacafe Quy Nhơn. Việc kiểm tra được thực hiện trên toàn bộ chứng từ, hóa đơn, sổ sách. Vì vậy, đối với khoản tiền từ HĐ 01, Trung tâm và Vinacafe Quy Nhơn hạch toán vào tài khoản 331 cùng toàn bộ các Ủy nhiệm chi, sổ sách, hóa đơn, chứng từ, hợp đồng kèm theo … đều được TCty kiểm tra đầy đủ và TCty không có ý kiến phản đối hay chấn chỉnh các hoạt động của Vinacafe Quy Nhơn và Trung tâm XNK.
Vì sao các bị cáo kêu oan?
Trong suốt quá trình tố tụng vụ án và đặc biệt sau bản án sơ thẩm, bị cáo Nguyễn Nhật và Nguyễn Công Hoàng liên tục kêu oan, cho rằng họ chỉ “vận dụng linh hoạt” nguồn vốn để trang trải các hoạt động phục vụ sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; nhằm thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, làm lợi cho doanh nghiệp chứ bản thân họ không có mục đích tư lợi. Các bị cáo cho rằng không làm thất thoát tài sản nhà nước, số tiền án sơ thẩm quy kết bị thất thoát thực tế vẫn đang vận hành trong dòng vốn của doanh nghiệp. Cụ thể, Trung tâm đã dùng 21 tỷ để trả nợ thay cho TCty Vinacafe và cho Vinacafe Đà Lạt nợ hơn 17 tỷ (hiện Vinacafe Đà Lạt vẫn đang tiếp tục trả nợ cho Trung tâm). Nếu cấn trừ 2 khoản trên thậm chí còn lớn hơn số tiền 36 tỷ đồng mà các bị cáo bị quy kết “làm thất thoát”.
Tuy nhiên, bản án sơ thẩm lại cho rằng, số tiền 21 tỷ mà Trung tâm XNK Vinacafe trả nợ là “tự ý”, không đúng quy trình nên không được cấn trừ. Tương tự, đối với khoản nợ 17 tỷ đồng, bản án cho rằng khoản nợ này Vinacafe Đà Lạt không có khả năng thanh toán và quy kết là các bị cáo đã làm thất thoát. Dù thực tế Vinacafe Đà Lạt vẫn đang hoạt động, tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Theo luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật, việc cơ quan điều tra cho rằng Vinacafe Đà Lạt không có khả năng thanh toán là tự ý xóa khoản nợ trên nhằm “buộc tội” cho các bị cáo. Luật sư cho rằng cần phải cấn trừ hai khoản tiền 21 tỷ và 17 tỷ trên (tổng cộng gần 38 tỷ); việc cơ quan tố tụng không cấn trừ các khoản nợ trên là sai nguyên tắc tài chính, không đúng pháp luật. Nếu được cấn trừ, điều này đồng nghĩa với việc hoàn toàn không có việc các bị cáo làm thất thoát 36 tỷ đồng tài sản Nhà nước nên không thể buộc các bị cáo phải bồi thường khoản tiền thất thoát trên. Ngược lại nếu không thu hồi khoản tiền tổng cộng gần 38 tỷ trên, vô hình trung một khoản nợ đã được thanh toán 2 lần (một lần do nguồn vốn được trang trải trong doanh nghiệp; một lần do các bị cáo bồi thường trong vụ án “Cố ý làm trái…”).
Không bị thất thoát, vẫn được tuyên nhận bồi thường 24 tỷ?
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hà - nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Vinacafe cho rằng, toàn bộ hồ sơ quyết toán tài chính của TCty (năm 2010 - 2011) đều được phê duyệt, trong đó khẳng định không có khoản thu chi nào là bất hợp pháp. Việc này đồng nghĩa với việc Trung tâm XNK sử dụng 21 tỷ đồng để trả nợ các ngân hàng (các khoản vay được TCty bảo lãnh vay vốn kinh doanh) là hợp pháp.
Theo Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng- Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, về khoản nợ 21 tỷ đồng mà Trung tâm XNK đã trả nợ thay TCty trong giai đoạn 2010- 2011, TCty đã hạch toán xong, đã khóa sổ và trong những năm tiếp theo không có vấn đề gì xảy ra thì khoản thanh toán này phải được thừa nhận. Không thể cho rằng khoản tiền đó do Trung tâm “tự ý” trả nên không được thừa nhận, càng không thể cho rằng tiền đó đã bị thất thoát chỉ vì các bị cáo “tự ý” trả nợ thay.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật đặt câu hỏi: Nếu tòa cố tình “xử ép” các bị cáo làm thất thoát số tiền trên thì trách nhiệm quản lý nguồn vốn nhà nước của người đứng đầu Vinacafe giai đoạn xảy ra sự việc trên, bao gồm cả người phụ trách tài chính kế toán của TCty sẽ như thế nào khi mà hàng tỷ đồng của Nhà nước mất hay còn trong nhiều năm không hề biết? Và nếu như các bị cáo buộc phải thực hiện việc bồi thường 24 tỷ như tòa tuyên thì số tiền mà các bị cáo đã trả nợ thay TCty (hơn 21 tỷ) và số tiền nợ mà Vinacafe Đà Lạt phải trả (gần 17 tỷ) sẽ được hạch toán vào đâu? Về nguyên tắc, việc một khoản tiền mà được hạch toán nhiều lần như vậy là sai phạm nghiêm trọng nguyên tắc tài chính kế toán. Vậy đơn vị nào hoặc cá nhân nào sẽ “tự nhiên” được hưởng khoản tiền “khủng” này?
Vị luật sư cũng bày tỏ sự “khó hiểu” với tư cách của nguyên đơn dân sự của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam. Theo cáo trạng kết luận, Vinacafe bị thiệt hại gần 38 tỷ đồng, tại phiên tòa sơ thẩm Vinacafe khẳng định chỉ bị thất thoát 36 tỷ đồng, nhưng đến khi bản án sơ thẩm tuyên Vinacafe chỉ được bồi thường 24 tỷ đồng thì Vinacafe cũng không có bất kỳ lý lẽ gì để bảo vệ yêu cầu đòi bồi thường của mình, thậm chí Vinacafe cũng không kháng cáo.
“Bị tuyên “hụt” gần 12 tỷ đồng do với yêu cầu ban đầu nhưng Vinacafe không hề có phản ứng; vậy vai trò, trách nhiệm quản lý nguồn vốn của Nhà nước tại Vinacafe nằm ở đâu? Phải chăng thực tế Vinacafe không hề thiệt hại nên được tuyên bồi thường bao nhiêu cũng chấp nhận?”- Luật sư đặt câu hỏi.