Ngày pháp luật

Nghi án bà cụ neo đơn bị mất đất, lừa tiền tại Đồng Nai: Bản án coi biên bản dập xóa là “chứng cứ”

Minh Trường – Bùi Yên

Bản án bị cho là có nhiều dấu hiệu sai sót, khi chấp nhận cả biên bản bị dập xóa làm “chứng cứ”, suy diễn ý kiến của chính quyền địa phương…

Theo hồ sơ, năm 2002, ông Bùi Văn Quang (SN 1950, ngụ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) khởi kiện người chị họ Phan Thị Ba (SN 1940, ngụ cùng xã), đòi diện tích đất 1.698 m2 (số thửa cũ 113, nay là thửa 37a, 37b) tại ấp 2, xã Long Thọ. Trên đất có khoảng 14 ngôi mộ của gia tộc nhà ông Quang và bà Ba.

Ông Quang cho rằng thửa đất 113 là của ông bà nội ông được cấp chủ quyền từ trước 1975. Sau khi ông nội mất để lại cho cha ông, sau đó tới lượt ông quản lý sử dụng. Đến năm 1995, bà Ba bị cho là chặt cây làm sạt lở một số ngôi mộ nên cha ông Quang và bà Ba xảy ra mâu thuẫn. Theo “biên bản hoà giải ngày 5/10/1995”, bà Ba “thống nhất phần đất do cha ông Quang đứng chủ quyền”. Theo ông Quang, vào năm 1999, bà Ba tự ý đi kê khai để được cấp sổ đỏ. Sau khi phát hiện, ông Quang khởi kiện.

Nghi án bà cụ neo đơn bị mất đất, lừa tiền tại Đồng Nai: Bản án coi biên bản dập xóa là “chứng cứ” - Ảnh 1
Khu đất tranh chấp có nhiều mồ mả dòng tộc

Phản bác lập luận trên, bà Ba cho hay thửa đất trước đây là của ông bà ngoại mình canh tác và để lại cho mẹ bà từ trước 1975. Đến năm 1992, bà Ba kê khai nộp thuế. “Năm 1995, tôi và cha ông Quang có xảy ra mâu thuẫn liên quan thửa đất. Tôi khẳng định khi hoà giải, cha ông Quang chỉ yêu cầu tôi hạn chế trồng cây gần mồ mả để tránh sạt lở. Không có chuyện tôi thừa nhận đất của cha ông Quang”, bà Ba nói. Năm 1999, bà Ba được sổ đỏ với thửa đất.

Trải qua nhiều bản án, mới đây nhất, ngày 10/8/2018, TAND tỉnh Đồng Nai xét xử phúc thẩm, nhận định “biên bản ngày 5/10/1995 bà Ba thừa nhận là đất của cha ông Quang”. Thứ hai, UBND xã Long Thọ nói rằng cấp sổ đỏ cho bà Ba là sai đối tượng. Từ nhận định trên, TAND tỉnh Đồng Nai tuyên buộc bà Ba trả đất cho ông Quang.

Biên bản tẩy xóa vẫn được coi là “chứng cứ”

Nhận định, chứng cứ của TAND tỉnh Đồng Nai nêu ra có đúng hay không? Biên bản hoà giải ngày 5/10/1995 không hề có tên bà Phan Thị Ba. Trong biên bản chỉ có tên người là bà Nguyễn Thị Mai. Toàn bộ biên bản đều tên Mai và ký tên Nguyễn Thị Mai. Biên bản có dấu vết gạch xoá, viết đè tất cả tên Nguyễn Thị Mai thành “Phan Thị Ba”. Điều lạ là biên bản bị tẩy xoá nhưng chưa làm rõ ai tẩy xoá, lý do tẩy xoá, thế nhưng vẫn được tòa xem là chứng cứ để nhận định, ra phán quyết.

Một mâu thuẫn khác, Toà nói rằng UBND xã Long Thọ thừa nhận cấp sổ đỏ sai, thế nhưng trong bản án, chính UBND huyện Nhơn Trạch khẳng định trình tự cấp sổ đỏ cho bà Ba thực hiện đúng quy trình. UBND xã Long Thọ không có thẩm quyền cấp sổ đỏ nên không thể “thừa nhận cấp sai”.

Chưa hết, theo Luật sư (LS) Nguyễn Hoàng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP HCM) cho rằng, trong vụ việc này, vấn đề xác định quyền sử dụng đất thuộc về bà Ba hay ông Quang không phụ thuộc vào biên bản ngày 5/10/1995 và lời khai của ông Quang. Ông Quang chỉ có lời khai chứ không hề có chứng cứ cho thấy trước năm 1975 ông nội mình được cấp chủ quyền.

“Không có cơ quan nào xác minh, trích lục nguồn gốc thửa đất trước năm 1975 là ông của ông Quang hay của ông ngoại bà Ba. Vì thế cần xem xét quá trình sử dụng, quản lý từ sau năm 1975 đến nay”, LS Nghĩa nói.

Bà Ba có đủ nhân chứng, chứng cứ về việc sử dụng, quản lý đất từ năm 1975 đến năm 1995 (thời điểm tranh chấp). Bà Bùi Thị Lý (SN 1940) có nhà sát khu đất nói: “Tôi ở đây từ nhỏ và biết rõ trước đây, đất này là do cụ Sẽ (mẹ bà Ba - NV) canh tác. Sau năm 1975, có hôm hai mẹ con bà Ba đốt cỏ, một trái pháo nổ ngay bụi tre. Tui tưởng họ chết rồi. Mẹ con bà Ba trồng mì, trồng tràm, điều. Nhà ông Quang không canh tác gì trên đất này”.

Những lý lẽ trên mà bà Ba, luật sư và nhân chứng đưa ra phù hợp với luận điểm kháng nghị ngày 24/9/2018 của VKSND tỉnh Đồng Nai. Theo kháng nghị, năm 1995, bà Bùi Thị Lý, bà Phan Thị Chi đều làm chứng bà Ba trồng điều từ trước năm 1975 đến năm 1995 và thu hoạch để bán. Người mua cũng xác nhận điều này. Trên đất có nhiều cây tràm có tuổi từ 16 – 20 năm tuổi (thời điểm xem xét là năm 2011) nên có chứng cứ cho thấy bà Ba canh tác, sử dụng đất từ trước năm 1995.

Biên bản hoà giải năm 1995, chủ tịch UBND xã Long Thọ thời điểm đó xác nhận chỉ hòa giải phần các ngôi mộ, còn đất thì không. Năm 2002, cha ông Quang và bà Ba tiếp tục có hoà giải “để bà Ba đứng tên trong sổ đỏ phần đất thổ mộ”.

“Biên bản hoà giải năm 1995 và 2002 chỉ có thể xem xét là một trong những chứng cứ khi giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn mà không phải là thoả thuận có hiệu lực thi hành để cho rằng cha ông Quang có quyền sử dụng thửa đất. Toà án chỉ căn cứ vào biên bản hoà giải ngày 10/5/1995 để làm căn cứ xác định đất tranh chấp là của nguyên đơn mà không xem xét thực tế quá trình sử dụng đất của bị đơn, là chưa đánh giá toàn diện chứng cứ có trong hồ sơ”, kháng nghị nêu.

Nghi án bà cụ neo đơn bị mất đất, lừa tiền tại Đồng Nai: Bản án coi biên bản dập xóa là “chứng cứ” - Ảnh 2

Gần 80 tuổi, bà Ba vướng sự việc vừa mất đất lại mất tiền

“Thiệt đơn thiệt kép”

Bản án ngày 10/8/2018 của TAND tỉnh Đồng Nai còn gộp chung phần khởi kiện của ông Lê Huy Hùng đòi bà Ba trả lại 260 triệu đồng. Ông Hùng là ai và tại sao lại được gộp chung vào vụ tranh chấp đất của ông Quang và bà Ba?

Theo bà Ba, bà không quen biết ông Hùng. Trong những năm vướng kiện tụng, khoảng năm 2010, bà nghe nhiều người chỉ dẫn đến gặp ông Hùng. “Người ta nói ông Hùng từng làm ở toà án nên mần đơn giỏi. Tôi gặp Hùng thì Hùng nói “dì già rồi, đi lại khó khăn, để con làm đại diện uỷ quyền”. Tôi có hứa sẽ thưởng cho Hùng 3m ngang (dài đến hết đất) phần đất đang tranh chấp nếu thắng kiện. Năm 2014, khi án sơ thẩm ở huyện Nhơn Trạch tuyên tôi thắng, ông Hùng nói với tôi rằng chỉ mới thắng sơ thẩm, còn phúc thẩm nữa. Ông Hùng đề nghị làm đại diện uỷ quyền cho tôi luôn với điều kiện phải bán thêm cho ông Hùng 3m ngang đất thửa 113 (thêm 3m ngang đất hứa thưởng là 6m - NV). Tôi đồng ý bán với giá 80 triệu/m ngang”, bà Ba kể lại.

Bà Ba nói rằng ông Hùng có yêu cầu bà ký vào hai tờ giấy. Do tuổi già, mắt mũi tèm nhèm và tin tưởng ông Hùng không lừa dối nên bà ký vào. Bà Ba cho biết sau khi ký giấy, ông Hùng đưa cho bà 20 triệu đồng, không ghi biên nhận.

Đến khoảng năm 2016, khi bản án phúc thẩm tuyên bà Ba thua kiện, bà Ba không cho ông Hùng làm đại diện uỷ quyền nữa. Một năm sau đó, ông Hùng kiện bà Ba đòi… 260 triệu. Ông Hùng cho rằng bà Ba bán cho ông 6m ngang đất đang tranh chấp. Nay toà tuyên thửa đất thuộc về ông Quang nên ông Hùng yêu cầu bà trả lại tiền. Hồ sơ chứng cứ ông Hùng đưa ra là hợp đồng mua bán đất được ký ngày 4/7/2014.

Theo hợp đồng này, bà Ba bán đất 6m ngang đất cho ông Hùng với giá 80 triệu/m ngang. Tổng cộng 480 triệu, ông Hùng trả cho bà Ba 260 triệu. Việc giao nhận tiền xảy ra tại nhà bà Ba, không có biên nhận, không có người làm chứng.

Bà Ba khẳng định không có chuyện mua bán như ông Hùng trình bày. Tuy nhiên, toà cho rằng bà Ba thừa nhận chữ ký trong hợp đồng mua bán. Tòa cho rằng “dù không có chứng cứ giao nhận tiền nhưng hợp đồng ghi bà Ba nhận 260 triệu nên có cơ sở buộc bà Ba phải trả số tiền này lại cho ông Hùng”.

Như vậy, bà Ba vừa mất đất, lại vừa mất tiền, thiệt đơn thiệt kép. Mới đây, cơ quan thi hành án ra văn bản yêu cầu bà Ba thi hành bản án. Tuy nhiên, căn nhà duy nhất là tài sản của bà Ba là nhà Tình nghĩa do Bộ tham mưu Quân khu 7 tặng, trong nhà đang thờ liệt sĩ là chồng bà Ba. Hơn nữa VKSND Cấp cao cho biết đã nhận được kháng nghị của VKSND tỉnh Đồng Nai và đề nghị kháng nghị của bà Ba về hai bản án do cấp toà án tỉnh Đồng Nai xét xử, VKSND sẽ xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh sự việc.