Từ ngày 1/1/2021, Bộ Luật Lao động năm 2019 sẽ có hiệu lực, trong đó có quy định việc người lao động bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Điều 36 Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng từ 5 ngày làm việc liên tục trở lên hoặc không có mặt tại nơi làm việc trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động sẽ bị người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước.
Việc báo trước khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ được nêu ra trong các trường hợp nêu tại khoản 2, Điều 36 Bộ luật này như: Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động; đủ tuổi nghỉ hưu (không có thỏa thuận khác); không cung cấp thông tin trung thực khi ký hợp đồng lao động...
Trong đó, thời gian báo trước tại Bộ Luật Lao động 2019 cũng có nhiều quy định tương tự như Điều 38 Bộ Luật Lao động BLLĐ năm 2012 như: Ít nhất 45 ngày với hợp đồng lao động không xác định thời hạn (như quy định tại Bộ Luật Lao động 2012); Ít nhất 30 ngày với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 - 36 tháng (Bộ Luật Lao động 2012 không quy định cụ thể thời hạn); Ít nhất 3 ngày với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng… (Bộ Luật Lao động 2012 đang quy định báo trước ít nhất 3 ngày với hợp đồng mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng...).
Ngoài ra, Bộ Luật Lao động 2019 cũng bổ sung thêm trường hợp người sử dụng lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi người lao động ký hợp đồng lao động mà cung cấp không trung thực về họ, tên, giới tính, trình độ học vấn… ảnh hưởng đến việc tuyển dụng...
Link bài gốc