Cơ duyên nào đưa ông đến với nghề thiết kế giày và đâu là nguồn cảm hứng để ông dấn thân vào lĩnh vực này?
Lần đầu tiên được tham quan Viện Bảo tàng Giày ở Northampton, tôi thực sự rất ấn tượng bởi những đôi giày thủ công tại đây. Khoảnh khắc khó quên ấy đã tạo nên một ấn tượng mạnh mẽ trong tôi, khiến tôi rất xúc động. Và tôi cho rằng, việc tiếp nhận truyền thống của cha ông đã, đang và sẽ mang đến những điều tốt đẹp cho tất cả chúng ta. Mỗi một chi tiết của đôi giày đều ẩn chứa những câu chuyện và ý nghĩa đằng sau đó. Ngày nay, không mấy người biết được điều này, nhưng nếu biết tìm tòi, chúng ta sẽ tìm thấy lời giải một cách hết sức tự nhiên.
Sở hữu và đọc rất nhiều cuốn sách về nghệ thuật “thửa” giày, càng ngày tôi càng cảm thấy mình yêu nó, hiểu nó và thuộc về nó. Đối với một nghệ nhân “thửa” giày, tôi có thể nói rằng, có 3 yếu tố đóng vai trò quan trọng: Đó là việc gìn giữ, trân trọng truyền thống, di sản của cha ông và chuyển giao cho thế hệ kế tiếp; tạo môi trường lý tưởng cho các nghệ nhân; và dám đối đầu với thách thức để hoàn thiện bản thân.
Đâu là nét đặc trưng của những đôi giày do ông tạo ra?
Tôi không chỉ tạo ra những đôi giày theo yêu cầu khách hàng, mà còn thực hiện một phần công việc của chuyên gia tư vấn phong cách sống.
Tôi không đề xuất các phong cách và màu sắc bản thân yêu thích, mà chọn phong cách và màu sắc phù hợp với khách hàng. Bản thân những đôi giày có thể đã rất đẹp rồi, nhưng điều quan trọng là chúng cần phải trở nên hoàn hảo hơn khi khách hàng xỏ chân vào.
Việc tìm hiểu phong cách sống của khách hàng là điều rất quan trọng. Vì vậy, tôi luôn nghĩ về những món đồ nào họ sẽ kết hợp với đôi giày, những điều họ sẽ làm, nơi họ sẽ đến… Dù không phải là món phụ kiện chính trong cuộc sống nhưng chúng có thể đóng vai trò hỗ trợ tuyệt vời cho con người.
Ông có thể mô tả ngắn gọn quy trình tạo ra một đôi giày thửa? Điều gì giúp ông tạo nên một đôi giày hoàn hảo?
Trước hết phải nói về cuộc gặp gỡ với khách hàng. Đó là bước đầu tiên để có được một đôi giày thửa. Bạn phải sắp xếp một cuộc hẹn với nghệ nhân để thăm xưởng của chúng tôi ở Tokyo.
Sau đó là bước lấy số đo và thiết kế. Tại cuộc gặp lần này, các đặc điểm và số đo chính xác của khách hàng sẽ được ghi chép cẩn thận để nghệ nhân tạo ra phom giày bằng gỗ mà dựa vào đó, khuôn giày sẽ được tạo nên. Ngoài ra, các yếu tố thiết kế cũng sẽ được thảo luận và xác định.
Tiếp theo là khâu thử giày. Để kiểm tra độ ôm chân của đôi giày, chúng tôi sẽ mời khách hàng đến xưởng vài lần để thử giày. Các khâu điều chỉnh sẽ được ghi nhận và lần điều chỉnh cuối cùng sẽ được triển khai để hoàn thiện. Sau bước này, đôi giày đã sẵn sàng để được trao cho chủ nhân. Cuối cùng là khâu giao hàng cho chủ nhân tại xưởng của chúng tôi.
Ai là khách hàng cũng như thị trường chính của ông?
Hơn một nửa số khách hàng của tôi là những người sống bên ngoài lãnh thổ Nhật Bản, trong đó có nhiều khách hàng từ Việt Nam. Dù chủ yếu nhận đơn hàng từ cửa hiệu của mình ở Tokyo, nhưng tôi hy vọng sẽ có nhiều chuyến vi hành đến với khách hàng trên khắp thế giới trong tương lai để có thể mang đến cho họ những đôi giày thủ công ưng ý.
Cửa hiệu của nghệ nhân Yohei Fukuda ở Tokyo
Theo ông, trong xu hướng sản xuất giày dép hiện nay có những thay đổi đáng kể nào nếu so với những ngày đầu ông mới lập nghiệp?
Tôi nghĩ rằng các doanh nhân ngày nay mang giày thoải mái hơn so với 20 năm trước đây. Và theo tôi, điều quan trọng là chúng ta cần quan tâm gìn giữ và phát triển các ngành nghề thủ công kinh điển mà giày thửa là một ví dụ. Phong cách không bao giờ chạy theo thời trang, mà là mãi mãi. Đó là điều không thể phủ nhận.
Ông có cho rằng thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn thích những đôi giày truyền thống và sẵn sàng đầu tư vào chất lượng hơn là số lượng?
Tôi nghĩ là một khi đã có đủ số lượng, thế hệ trẻ ngày nay sẽ biết đánh giá các sản phẩm chất lượng. Hẳn nhiên, trong kỷ nguyên của thế giới phẳng và kỹ thuật số, công nghệ đang khiến cho cuộc sống của con người ngày càng trở nên tiện lợi hơn. Bạn có thể đặt mua bất cứ món đồ nào trên mạng với thời gian đặt và giao hàng nhanh gọn. Tuy nhiên, bạn sẽ đồng ý với tôi rằng, khoảnh khắc mà bạn nhận món hàng mình đặt mua sẽ chẳng có gì ấn tượng và nó sẽ nhanh chóng bị lãng quên.
Với tôi, mua sắm không chỉ đơn thuần là việc sở hữu một món đồ nào đó, mà phải là một thứ gì đó có ý nghĩa hơn cả giá trị vật chất. Đó là giá trị trải nghiệm.
Đến cửa hiệu và cảm nhận bằng các giác quan là một trải nghiệm thú vị
Tôi vẫn nghĩ rằng, sẽ rất thú vị nếu chúng ta đến cửa hiệu giày và cảm nhận bằng các giác quan: nhìn ngắm, sờ mó, ngửi mùi da thuộc để cảm nhận sản phẩm. Tôi vẫn quan niệm rằng, nếu cái gì cũng đến với chúng ta một cách dễ dàng thì cuộc đời này đâu còn điều gì thú vị nữa, phải vậy không?
Ông nhìn nhận như thế nào về tương lai của ngành sản xuất giày “thửa”?
Tôi cho rằng tương lai của giày “thửa” là rất tươi sáng. Thế hệ khách hàng trẻ tuổi đang có xu hướng tìm kiếm giá trị trải nghiệm hơn là giá trị vật chất.
Và giày “thửa” là một trong những thứ mang lại trải nghiệm đó. Ở Nhật Bản hiện có tới hơn 50 thương hiệu giày “thửa”. Nhiều thương hiệu hàng “thửa” ở châu Âu vẫn chọn các nhà sản xuất Nhật Bản để tạo nên những đôi giày hoàn hảo cho khách hàng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!