Ngày pháp luật

Nghệ An: Sạt lở nghiêm trọng tại dự án trăm tỷ

Quang Trung

Dự án kênh tưới tiêu Châu Bình thuộc dự án hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An) với chiều dài gần 10km đã bị sạt lở nghiêm trọng gần như toàn tuyến. Cho đến thời điểm này chủ đầu tư cùng các bên liên quan hầu như chưa có phương án khả thi nhằm khắc phục sự cố này.

Sạt lở đe doạ toàn công trình

Công trình Kênh tiêu Châu Bình, chiều dài gần 10km, đi qua hai xã Châu Bình (Quỳ Châu) và Yên Hợp (Quỳ Hợp) được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt theo Quyết định số 3879 QĐ- UBND-NN ngày 9 tháng 10 năm 2012 với số vốn 756 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ đảm bảo tiêu thoát lũ vùng trung tâm thị tứ xã Châu Bình. Cấp nước và tạo nguồn cấp nước cho 180ha nông nghiệp và nước sinh hoạt, chăn nuôi. Cải tạo môi trường sinh thái trong khu vực, kết hợp phát triển du lịch, dân sinh, phòng chống lũ hạ du... cho tỉnh Nghệ An. Công trình được khởi công vào tháng 10 năm 2014 sau khi có chấp thuận chỉ định thầu của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Báo cáo số 37 BC- BQLDABM ngày 13/2/2017 của Ban quản lý (BQL) dự án Bản Mồng. Dự án kênh tưới tiêu Châu Bình đã hoàn thành trên 98% hạng mục công trình. Tuy nhiên, theo quan sát của phóng viên cũng như thừa nhận của người có trách nhiệm thuộc BQL dự án, bờ kênh tưới tiêu Châu Bình đã bị sạt lở với chiều dài gần như toàn tuyến. Cụ thể, toàn bộ khối lượng đất mái kênh bị sạt lở. Ngay gần chân cầu xảy ra hiện tượng sạt lở với diện rộng có nguy cơ ảnh hưởng đến mố cầu, khối lượng bê tông rãnh dọc, ngang gia cố mái, cống tiêu nước, gia cố cầu bị hư hỏng nặng.

Nghệ An: Sạt lở nghiêm trọng tại dự án trăm tỷ - Ảnh 1
Hiện trường vụ sạt lở.

Qua xem xét, đánh giá hiện trường, Cty CP Giám định Thái Dương (trụ sở Đà Nẵng) lập biên bản giám định tổ thất và đề nghị các cơ quan liên quan đến công trình lập và phê duyệt biện pháp xử lý để khắc phục các tổn thất để đảm bảo tiến độ công trình và hạn chế các tổn thất phát sinh, đặc biệt trong mùa mưa lũ.

Phó BQL dự án Bản Mồng Đinh Trí Lam cho biết, nguyên nhân sạt lở một phần do nước chảy xuyên lòng đất, một phần do nước chảy trên vùng đồi núi đã gây nên tình trạng đó. Ông Lam nhận xét mức sạt lở là nghiêm trọng và nhất là vùng thượng lưu của dòng kênh. Đề cập vấn đề công trình hàng trăm tỷ, quá trình không khảo sát thiết kế để tránh sạt lở ông Lam không nắm rõ bởi thời điểm ông đến nhận công tác tại BQL dự án thì việc khảo sát thiết kế đã hoàn thành và bên nhận thầu đã vào thi công.

Chưa có phương án khắc phục cụ thể

Một người dân xã Châu Bình cho biết “bờ kênh sạt lở xảy ra vào khoảng tháng 3 năm 2016, vào khoảng tháng 9 có sạt lở nhiều thêm và từ đó đến nay vẫn chưa được sửa chữa. Lý giải vấn đề này, Phó BQL dự án Bản Mồng cho biết, toàn bộ sự việc đã báo cáo lên UBND tỉnh, báo cáo Cục Công trình Bộ NN& PTNT. Nhiều đoàn, nhiều bên liên quan, cả bên giám định của bảo hiểm đã đến hiện trường xem xét, đánh giá nguyên nhân xảy ra sự cố để đưa ra hướng khắc phục. Sở dĩ chưa được phê duyệt phương án khắc phục cụ thể bởi chưa thể đánh giá hết các nguy cơ sạt lở có thể xảy ra tiếp theo. Như vậy, khi bỏ tiền ra khắc phục, nếu xảy ra sạt lở tiếp thì số tiền bỏ ra càng nhiều thêm.

Mặt khác, dự án được phê duyệt nhưng chưa được cấp vốn đủ cho nên khó có thể có nguồn vốn kè đá toàn bộ bờ kênh tưới tiêu. Tìm hiểu, hiện đã có 6 phương án khắc phục sự cố sạt lở, nhưng phương án một số bên liên quan dường như đã thống nhất với ý kiến: “vì công trình sạt lở là kênh tưới tiêu nên trước mắt cứ để sạt lở tự nhiên và theo thời gian sẽ hình thành dòng kênh tự nhiên”.

Đề cập đến nguy cơ khi không khắc phục, để mái bờ kênh sạt lở tự nhiên ảnh hưởng đến các công trình liên quan như cầu bắc qua kênh, đường dân sinh cận kề dọc theo hai bờ kênh. Độ an toàn về tài sản, súc vật và quan trọng là an toàn của bản thân người dân, nhất là trẻ nhỏ vui chơi nơi đây thì ông Lam đưa ra giải pháp sẽ xem xét, đánh giá các vùng “xung kích” để có phương án cụ thể, đảm bảo an toàn cho người dân và các công trình có thể bị ảnh hưởng.

Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Hoàng Nghĩa Hiếu (Giám đốc Sở NN&PTNT Nghệ An) và được xác nhận lại thông tin có chỉ đạo miệng để bờ kênh sạt lở tự nhiên. Ông Hiếu cho biết thêm: “Trước khi thiết kế cũng đã có phương án kè mái kênh, ước tính khoảng 500 tỷ. Nếu sạt lở tự nhiên sau mới khắc phục các điểm trọng yếu có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng?”.

Báo PLVN sẽ tiếp tuc thông tin ̣về vấn đề này.