Kết quả định giá có bất thường
Tại tòa, người đại diện cho Hội đồng định giá cho rằng kết luận định giá là đúng, tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc xác định giá đất các thời điểm 2012, 2013, 2015 dựa trên 3 căn cứ: Giá giao dịch trong các hợp đồng mua bán thành tại thời điểm cần định giá; Giá đất mà UBND tỉnh quy định khi bồi thường giải phóng mặt bằng và Phiếu khảo sát những công trình lân cận hoặc khảo sát giá chuyển nhượng thực tế trên các hợp đồng mua bán thành.
Tuy nhiên, trả lời “đúng pháp luật” của Hội đồng định giá bị các luật sư phá vỡ khi thực hiện xét hỏi. Luật sư (LS) Trần Minh Hải (Đoàn LS TP Hà Nội) bào chữa cho ông Hùng hỏi: “Hội đồng định giá thế nào về thị trường bất động sản ở Bình Dương từ năm 2012 đến năm 2015. Có dồi dào thanh khoản, có tồn kho hay không?”. “Tôi xin không trả lời vì không thuộc chuyên ngành của tôi. Cái này là của Sở Tài nguyên và Môi trường” - đại diện Hội đồng định giá trả lời.
Được biết, năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương có ban hành chỉ thị về thị trường bất động sản ở Bình Dương đang rất khó khăn, đóng băng làm ảnh hưởng đến các ngành nghề, tình hình kinh doanh, sản xuất khác.
LS Hải hỏi tiếp: “Sau khi xem xét các chứng thư, từ đó công nhận thành kết quả định giá. Hồ sơ có xem xét, có dựa vào các hồ sơ giao dịch thực tế (hợp đồng mua bán có công chứng) được thu thập hay không?”. Đại diện Hội đồng định giá trả lời: “Có”.
“Trong hồ sơ thẩm định giá có nhiều giao dịch thực tế thấp hơn định giá của Hội đồng. Tôi lấy một hợp đồng mua bán 3.000 m2 có công chứng có giá 80 triệu đồng, tức là 26 nghìn đồng/m2. Còn chứng thư định giá lên đến 684 nghìn đồng/m2, gấp 26 lần giá giao dịch thực tế. Tại sao Hội đồng định giá chấp nhận điều này?”, LS Hải hỏi tiếp.
Đại diện Hội đồng định giá nói rằng thường các hợp đồng mua bán, các bên ghi giá thấp hơn giá mua bán thực tế?!
Lời khai của người đại diện ủy quyền cho bà Nguyễn Hiệp Hảo lộ nghi vấn cụ Hiệp giả chữ ký để đưa tài sản của bà Hảo làm tài sản bảo đảm thế chấp để vay tiền ngân hàng
Căn cứ vào các Quyết định quy định giá đất của UBND tỉnh Bình Dương thì giá đất năm 2012 ở vị trí 4 là 96.000 đồng/m2 nhưng thẩm định giá là 147 nghìn đồng/m2. Các vị trí khác thẩm định giá cũng cao hơn. Những năm 2013, 2015 giá trong chứng thư cao gấp 3 – 4 lần giá quy định. LS Hải đề nghị vị đại diện Hội đồng định giá giải thích và đưa ra cơ sở để xác định giá đất trong chứng thư là đúng?
Về đề nghị này, phía Hội đồng định giá không trả lời được mà chỉ nói làm đúng theo quy định pháp luật.
Phía LS làm rõ hơn về nội dung này, theo đó, các phiếu khảo sát thì không hề có các hợp đồng giao dịch kèm theo. Và các phiếu khảo sát thời điểm hiện tại (khảo sát này thực hiện tháng 8/2018) để khảo sát cho giá ở quá khứ. Do đó, LS Hải nhận định, trong vụ án này thiệt hại là 35 tỷ đồng xuất phát từ định giá cao gấp 4 lần giá mà cụ Hiệp và bà Phương Anh giao dịch từ năm 2012 đến năm 2015.
“Mỗi một đồng thiệt hại là một nấc quy buộc thêm trách nhiệm của cán bộ ngân hàng, của ông Khanh. Nhưng kết luận định giá lại không dựa trên cơ sở nào để xác định. Các cơ sở mà Hội đồng định giá đưa ra đã tự phủ nhận nêu trên. Với tôi, kết luận định giá đó là không thể chấp nhận được”.
Dấu hiệu lập khống danh sách khảo sát
Làm rõ hơn về kết luận định giá, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn LS TP HCM) hỏi tại sao Hội đồng định giá lại mời đại diện UBND xã An Tây và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TX. Bến Cát khi hai cơ quan này được xác định có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Điều này bị cấm trong khi thành lập Hội đồng định giá. Đại diện Hội đồng định giá giải thích lòng vòng, không trả lời được câu hỏi.
LS Nguyễn Thị Minh Nhân (Đoàn LS TP HCM) bào chữa cho ông Khanh hỏi cơ quan đưa ra chứng thư thẩm định giá rằng các phiếu khảo sát có thật hay không? Có gặp những người này để lấy thông tin hay không? Cơ quan này nói có thật và cam kết sai sẽ chịu trách nhiệm.
LS Nhân đề nghị cho hỏi một người tên Trang đang có mặt tại tòa. “Người này có tên trong phiếu khảo sát nhưng nói không hề được khảo sát và không bán đất với giá trong phiếu khảo sát”, LS Nhân nói.
Tuy nhiên, đề nghị này không được HĐXX chấp nhận. LS Nhân nói thêm có rất nhiều người trong các phiếu khảo sát phản ánh không hề được gặp để lấy thông tin nhưng không hiểu tại sao lại có tên?
Những lời khai mâu thuẫn
Tại tòa, người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Hiệp Hảo (SN 1976, con gái cụ Hiệp) nói bà Hảo không thế chấp tài sản gì ở Ngân hàng BIDV, không ủy quyền cho cụ Hiệp vào năm 2008 để đưa tài sản là 9,7ha đất làm tài sản bảo đảm cho bất cứ khoản vay nào. Người đại diện nói chỉ ký một văn bản ủy quyền duy nhất vào năm 2013 nhưng do không giữ lại bản chính nên không biết nội dung ủy quyền là gì.
Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án, năm 2008 có Ủy quyền của bà Hảo cho cụ Hiệp được quyền sử dụng tài sản thế chấp, bảo đảm cho các khoản vay của An Tây và Gỗ Mỹ Hiệp.
Ông Nguyễn Hiệp Hòa nói rằng cần hủy toàn bộ giao dịch giữa mẹ ông và vợ chồng ông Khanh
Trong văn bản ủy thác tư pháp, bà Hảo cũng khẳng định không thế chấp tài sản vào BIDV. Từ lập luận này, các LS đặt nghi vấn phải chăng cụ Hiệp giả chữ ký của bà Hảo?! Nếu có việc giả chữ ký này thì phải chăng có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay chăng? Người đại diện nói bà Hảo yêu cầu thu hồi lại 9,7ha đất được cấp sổ đỏ năm 1997 cho bà Hảo.
Đối với ông Nguyễn Hiệp Hòa (SN 1970, con trai cụ Hiệp - là người khởi nguồn vụ án khi có đơn tố cáo ông Khanh và ông Lộc vào ngày 16/10/2016 gửi đến Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương), Chủ tọa hỏi ông Hòa có tài sản gì trên phần đất trong vụ án hay không? Ông Hòa nói về pháp lý thì không có nhưng từ năm 1994 đến năm 1999 là người cùng mẹ tạo dựng khối tài sản. An Tây không có tên ông là vì mẹ và em gái đứng tên nên ông không ý kiến.
“Tại sao cụ Hiệp không ở với ông mà ở nhà trọ”? Ông Hòa đáp: “Năm 2015, khi ra khỏi đất, tôi về quê vợ ở Tiền Giang để sống. Mẹ tôi từng là giám đốc nên không chấp nhận ở nhà sui gia. Tôi năn nỉ mẹ về ở với con. Mẹ tôi bệnh, tôi chạy lên chạy về, chăm sóc. Trước khi mất 2 ngày, mẹ về ở với tôi và được mẹ để lại một thùng gỗ, bảo tôi lấy tài liệu đó để đi tố cáo”.
Quá trình thẩm vấn, ông Hòa liên tục nói ở gần, chạy lên chạy xuống chăm sóc cho cụ Hiệp khi cụ nằm viện. Tuy nhiên, lời khai này mâu thuẫn với lời khai của bà Hảo trong văn bản ủy thác tư pháp. Bà Hảo khai năm 2015 biết cụ Hiệp bệnh và chính bà Hảo điện thoại nhờ người đến thăm. Bà Hảo hỏi tại sao không ở trên đất thì cụ Hiệp nói nghỉ sản xuất, ngân hàng đã xử lý doanh nghiệp.
Cụ Hiệp tiếp tục bệnh, bà Hảo nhờ bạn đưa cụ đi bệnh viện, nhờ ông Hòa cho cụ ở nhờ, ông Hòa đồng ý nhưng cụ Hiệp từ chối. Bà Hảo không hiểu tại sao cụ Hiệp từ chối ở với ông Hòa và không thể thuyết phục được. Cụ Hiệp về ở với ông Hòa 2 ngày thì chết.
LS hỏi ông Hòa tại sao khi tố cáo không cung cấp chứng cứ, nhiều lần công an mời làm việc hỏi về chứng cứ thì ông nói không có nhưng đến giữa năm 2018 thì ông giao nộp hai cuốn sổ nhật ký của cụ Hiệp cho công an? Ông Hòa không trả lời được.
Ông Hòa cho rằng mua bán giữa bà Phương Anh và cụ Hiệp là trái luật nên yêu cầu hủy các giao dịch trả lại đất. Đồng thời xin thừa kế lại tài sản và chịu hoàn toàn trách nhiệm giải quyết các khoản nợ với ngân hàng và người có liên quan.
Khi các LS thẩm vấn sâu hơn về đơn tố cáo, về tiến trình tố cáo, các thông tin về nhân thân thì chủ tọa ngắt lời, cho rằng những câu hỏi của LS là không liên quan đến vụ án.
LS Nguyễn Văn Quynh (Đoàn LS TP Hà Nội) bào chữa cho ông Khanh phản ứng: “Qua các thông tin trên đơn tố cáo, hồ sơ vụ án tôi thấy ông Hòa có dấu hiệu vu khống thân chủ của tôi. Tôi hỏi để có căn cứ tố cáo ông Hòa về tội “vu khống”. Chủ tọa đáp: “Tôi nhắc nhở lần này là lần thứ 2, nêu lần thứ 3 tôi sẽ mời người bào chữa ra ngoài”. LS Quynh tố cáo: “Tôi thấy chủ tọa điều khiển phiên tòa không khách quan”.
Phiên tòa sẽ tiếp tục phần tranh luận vào sáng thứ 2 (16/12).
Văn phòng công chứng: Tài sản đã giải chấp và không hề có sự o ép
Tại phần xét hỏi, bà Huỳnh Thị Phương Anh (vợ ông Khanh) nói bà mua tài sản của cụ Hồ Thị Hiệp ngay tình, được pháp luật công nhận. Việc mua bán công khai diễn ra tại văn phòng công chứng. Sau khi mua bán bà làm thủ tục và được UBND tỉnh Bình Dương cấp sổ đỏ. Bà đề nghị HĐXX bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà đối với khối tài sản là quyền sử dụng đất trong vụ án.
Đại diện Văn phòng Công chứng Bình Dương, nơi công chứng hợp đồng mua bán giữa bà Anh và cụ Hiệp năm 2012 nói cụ Hiệp là người nộp hồ sơ yêu cầu công chứng.
“Tài sản là quyền sử dụng đất đứng tên cá nhân cụ Hiệp. Tại thời điểm công chứng, tài sản đã được xóa thế chấp. Do đã xóa thế chấp nên ngân hàng không còn liên quan, không cần phải ký xác nhận gì khác. Hồ sơ công chứng rất đầy đủ, đúng quy định của pháp luật”, Đại diện Văn phòng Công chứng nói.
“Tại thời điểm ký hợp đồng, anh có thấy cụ Hiệp bị o ép, sợ sệt hay biểu hiện khác lạ hay không?”, LS hỏi. Đáp: “Tôi thấy cụ Hiệp bình thường, không có chuyện o ép. Nếu có dấu hiệu bất thường thì chúng tôi sẽ ngừng ngay, không thực hiện công chứng”.