Nhờ dữ liệu Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ thấp hơn kỳ vọng, giá vàng thế giới đã bật tăng mạnh trong phiên giao dịch ngày 15/9, trở lại ngưỡng tâm lý quan trọng 1.800 USD.
Vậy nhưng, dưới áp lực bán tháo mạnh, vàng thế giới đã không giữ được đà tăng, quay đầu giảm nhẹ. Hiện mỗi ounce vàng thế giới giao dịch trên sàn Hong Kong niêm yết tại 1.793 USD, giảm 10 USD so với giá cùng thời điểm hôm qua.
Vàng biến động trong phạm vi giới hạn, phản ánh bất ổn xoay quanh việc siết chặt chính sách tiền tệ cứng rắn mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa ra bàn luận trong cuộc họp lần tới. Giới đầu tư nhận định, động thái này sẽ bắt đầu được Fed áp dụng trong năm nay.
Bên cạnh đó, giá vàng còn chịu áp lực giảm từ việc Fed tiến tới cắt giảm chương trình thu mua tài sản. Lạm phát cao có thể buộc Fed phải đẩy nhanh kế hoạch thu hẹp chương trình mua tài sản, thậm chí sớm bắt đầu nâng lãi suất.
Các nhà đầu tư vàng phần lớn đang bỏ qua sự suy yếu của đồng USD, giúp kim loại quý trở nên rẻ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD giảm 0,46% xuống 92,465 điểm.
Vàng trong nước sáng nay đi ngang, giữ nguyên giá so với giá chốt phiên chiều qua.
Giá vàng miếng SJC tại Công ty VBĐQ Sài Gòn hiện niêm yết tại 56,65 - 57,35 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán là 700.000 đồng/lượng. Cùng lúc đó, vàng miếng SJC tại Doji giao dịch tại 56,6 - 57,7 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay ở mức 23.110 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.750 - 23.753 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận quanh mốc 22.680 - 22.762 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.670 - 22.887đồng/USD.