Mở phiên giao dịch sáng ngày 10/6, giá vàng thế giới vẫn loanh quanh trong ngưỡng 1.900 USD/ounce và có xu hướng giảm nhẹ. Mỗi ounce vàng thế giới giao dịch trên sàn Hong Kong hiện giao dịch tại 1.886 USD, giảm 7 USD so với giá cùng thời điểm sáng qua.
Giá kim loại quý đi xuống khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ đang neo ở gần mức thấp nhất hơn một tháng qua và chỉ số đồng USD mạnh lên.
Cụ thể, lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ ở mức thấp nhất tính từ tháng 3 là 1,48%. Trong khi đó, chỉ số USD vẫn duy trì dưới ngưỡng 90 điểm.
Theo giới chuyên gia, chính sự giằng co của hai nhân tố này đã khiến giá vàng “giậm chân tại chỗ”. Bên cạnh đó, giới đầu tư hiện vẫn chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ, yếu tố có thể định hình đường lối của chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong thời gian tới.
Ông David Meger, Giám đốc phòng giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định, các yếu tố nền tảng vẫn thuận lợi cho kim loại quý khi Fed cố giữ ý tưởng rằng xu hướng lạm phát hiện tại là nhất thời và do đó có khả năng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong thời gian này.
Theo đà thế giới, vàng trong nước cũng giảm nhẹ. Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn hiện giao dịch vàng miếng SJC tại 56,55 - 57,15 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với chốt phiên chiều qua. Chênh lệch giá mua - bán là 600.000 đồng/lượng.
Trong khi đó, hệ thống Bảo Tín Minh Châu cũng điều chỉnh giá vàng SJC giảm khoảng 120.000 đồng, còn 56,66 - 57,19 triệu đồng/lượng.
Ở thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố sáng nay vẫn giữ nguyên ở mức 23.107 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước là 22.975 - 23.150 đồng/USD (mua vào - bán ra).
Tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, tỷ giá giao dịch ghi nhận mốc 22.830 - 23.060 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietinbank ghi nhận tỷ giá giao dịch 22.945 - 23.135 đồng/USD.