Bảo đảm tính ổn định và toàn vẹn của thị trường
Dự thảo đang được đưa ra lấy ý kiến. Tại dự thảo này, Bộ Tài chính đề xuất một loạt biện pháp mới nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trên thị trường chứng khoán.
Theo đó, thị trường được xem là có nguy cơ, rủi ro hệ thống khi một tổ chức kinh doanh chứng khoán quy mô lớn hoặc một số tổ chức ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; thị trường có biến động đáng kể về tổng giá trị vốn hóa, giá trị giao dịch/phiên, giá trị vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, giá trị cho vay giao dịch ký quỹ…
Ngoài ra, các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trên thị trường cũng được áp dụng khi có sự kiện ảnh hưởng tiêu cực đến việc vận hành ổn định, trật tự, thông suốt của thị trường chứng khoán hoặc ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân trên toàn thị trường.
Trong các trường hợp này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được phép thực hiện nhiều biện pháp điều tiết nhằm đảm bảo tính ổn định và toàn vẹn của thị trường. Trong đó, cơ quan này có thể yêu cầu Sở Giao dịch Chứng khoán tạm ngừng hoặc đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết trên hệ thống.
Đi kèm đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết trong trường hợp tạm ngừng hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch, trong vòng 24 giờ, Sở Giao dịch Chứng khoán phải công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Trường hợp tạm ngừng, đình chỉ giao dịch đối với một hoặc một số chứng khoán niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch phải công bố thông tin trong thời hạn 24 giờ từ khi áp dụng hoặc hủy bỏ áp dụng biện pháp xử lý nói trên.
Hiện tại, nhiều quốc gia cũng đang sử dụng hệ thống ngắt mạch giao dịch tự động khi thị trường chứng khoán giảm quá ngưỡng cho phép. Trong đó, Mỹ đặt mức ngắt giao dịch 15 phút khi các chỉ số giảm trên 7%. Hàn Quốc áp dụng định mức ngắt giao dịch trong 20 phút khi chỉ số chính của thị trường này giảm hơn 20%.
Nhà đầu tư sẽ không bị bỏ rơi trong khủng hoảng
Trong tuần qua chứng khoán thế giới lẫn trong nước đều có những biến động mạnh trước những thông tin lo ngại dịch Covid-19 bùng phát trở lại. Thị trường mất hàng tỉ đô la vốn hóa, cả nhà đầu tư tổ chức lẫn cá nhân đều có những thiệt hại đáng kể về tài chính và niềm tin. Tuy nhiên vẫn chưa có quy chế giao dịch được ban hành để bảo toàn các giá trị trên sàn. Vì vậy việc dự thảo này sẽ là cơ sở tốt để hạn chế những rủi ro tương tự.
Đầu tư chứng khoán là là một sân chơi cao cấp và nhà đầu tư tham gia vào thị trường này cũng vấp phải nhiều sai lầm và dẫn đến khủng hoảng niềm tin khi thị trường chưa được kiện toàn. Để phát triển thị trường, đề xuất ngắt giao dịch này là cơ sở bước đầu cho các nhà đầu tư yên tâm hơn, có chỗ dựa trong lúc khủng hoảng.
Theo ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Đầu tư của công ty Chứng khoán MayBank KimEng, việc “ngắt cầu dao” trên thị trường quốc tế (chủ yếu là Mỹ) đã triển khai từ rất lâu rồi. Tuy nhiên các thị trường này Sở giao dịch Chứng khoán sẽ trực tiếp xử lý chứ không phải các cơ quan quản lý cao hơn. Nếu các cơ quan quản lý cao hơn có thể sẽ xử lý chậm hơn khi có biến cố.
“Đây chỉ là một biện pháp hành chính để kiện toàn thị trường chứng khoán. Với các nhà đầu tư ngăn hạn, đầu cơ sẽ thích thú hơn vì có thể giao dịch thoải mái và khi gặp sự cố cơ quan quản lý sẽ ngắt giao dịch. Tuy nhiên nếu là nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp thì họ phải tự cứu mình trước hơn là chờ Nhà nươc cứu”, ông Khánh cho hay.
Tuy vậy, thách thức của kế hoạch phát triển thị trường vốn Việt Nam là người dân có thói quen tự mình đầu tư chứng khoán chứ ít khi đưa tiền cho các công ty chuyên nghiệp đầu tư giùm. Các nhà đầu tư cá nhân này quan niệm đầu tư chứng khoán theo kiểu "lời ăn lỗ chịu", từ đó dẫn đến việc các quỹ đầu tư rất khó khăn trong việc thu hút tiền trong dân. Theo giới phân tích, một khi trên thị trường còn nhiều nhà đầu tư cá nhân chưa có nhiều kinh nghiệm thì họ dễ bị dao động về tâm lý. Chính vì thế, việc sớm hoàn thiện, bổ sung cơ chế giao dịch cũng chính là bảo vệ người nắm giữ chứng khoán.
Ngoài ra, thị trường cũng có khá nhiều nhà đầu tư lướt sóng, đóng góp của họ vào sự phát triển của thị trường rất nhỏ. Hơn 20 năm qua, thông qua chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hàng triệu người lao động đều được tạo điều kiện sở hữu cổ phần nơi doanh nghiệp mà họ đã làm việc. Những nhà đầu tư dạng này vẫn quan sát thị trường hàng ngày nhưng hiếm khi giao dịch.
Chia sẻ tại một cuộc hội thảo mới đây, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công cho hay, thị trường chứng khoán ổn định cũng là nền tảng để các công ty ăn nên làm ra, tăng trưởng kinh tế cũng từ đây. Như trong những ngày chứng khoán giảm sâu vẫn chưa thấy những quyết định “đóng băng” thị trường để giảm thiểu tổn thất tài sản trên sàn. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng bị khủng hoảng cuốn theo mất hàng tỉ đồng trong thế không thể chống đỡ.
“Nếu cứ giảm, tài sản tóp teo, chắc chắn mọi người phải thắt hầu bao lại. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Điều đó càng đặt ra cho các nhà quản lý phải sớm nâng cấp"sân chơi" để đưa thị trường chứng khoán thành nơi gọi vốn cho nền kinh tế, kênh đầu tư chính của đại đa số người dân”, ông Thành cho hay.