Tổng cục Thống kê mới công bố Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019. Đáng chú ý trong báo cáo đã đưa ra thống kê về thu nhập từ việc làm bình quân/tháng của lao động làm công ăn lương chia theo giới tính và ngành kinh tế, năm 2019.
Thống kê cho thấy thu nhập bình quân/tháng của người lao động làm công ăn lương tại ngành "Nông, lâm, thủy sản" có mức thu nhập thấp nhất - 4,5 triệu đồng.
Ngành tài chính, ngân hàng và bảo hiểm không phải là ngành mà người lao động có thu nhập cao nhất Việt Nam như nhiều người vẫn nghĩ. Theo đó, thu nhập bình quân/tháng người lao động trong ngành này chỉ là 10,09 triệu đồng.
Ngành “Hoạt động của các tổ chức và cơ quan quốc tế" mới là ngành mà người lao động có thu nhập bình quân/tháng cao nhất - 11,1 triệu đồng.
Theo Báo Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2019, thu nhập từ việc làm bình quân/tháng năm 2019 của lao động làm công ăn lương là 6,7 triệu đồng/tháng. Trong đó, nam giới có thu nhập từ việc làm bình quân/tháng cao hơn so với nữ giới (7,067 triệu đồng và 6,203 triệu đồng).
Số liệu cùng cho thấy, khoảng 46,3% lao động làm từ 40-48 giờ/tuần và có tới 35,6% lao động làm việc trên 48 giờ một tuần. Mặt khác, số lao động làm việc dưới 20 giờ/tuần chiếm tỷ trọng rất thấp (3,6%).
Tỷ trọng lao động làm việc trên 48 giờ một tuần của nam (39,8%) cao hơn của nữ (30,7%). Tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần của năm 2019 là 12,6%; tỷ trọng này chênh lệch gấp hơn hai lần giữa thành thị (6,5%) và nông thôn (14,8%).
Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, tỷ trọng lao động làm việc dưới 35 giờ/tuần thấp nhất ở vùng Đông Nam Bộ (2,9%) và cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long (17,4%). Tỷ trọng lao động làm việc trên 60 giờ cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng (11,4%) và thấp nhất là vùng Tây Nguyên (3,1%).
Link bài gốc