Vài năm trước được coi là thời kỳ hoàng kim đối với các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ khi thị trường cho vay tín chấp còn chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh. Trung bình mỗi cửa hàng trong những dịp cao điểm như mùa World Cup, Euro.. có thể tiếp tới vài chục khách có nhu cầu cầm cố tài sản mỗi ngày. Đi kèm với đó là cả những nhu cầu vay nóng, vay tín chấp, những khoản vay mà khó có ngân hàng hay tổ chức tài chính nào có thể đáp ứng.
Tuy nhiên, khoảng 2-3 năm trở lại đây, miếng bánh thị phần của những cửa hàng bị ảnh hưởng không nhỏ trước sự cạnh tranh từ các chuỗi cầm đồ mới với tiềm lực tài chính mạnh hơn do có sự đầu tư từ các quỹ ngoại.
Chuỗi hệ thống cầm đồ nở rộ với sự đầu tư hùng hậu
Nhắc đến sự phát triển trong mảng cầm đồ theo hệ thống thì không thể không nhắc đến Công ty cổ phần Kinh doanh F88 (chuỗi cầm đồ F88) - một trong những doanh nghiệp đầu tiên theo đuổi xây dựng mô hình hệ thống các cửa hàng cầm đồ tại Việt Nam.
Theo số liệu thống kê trong năm 2019, F88 đã mở tới 163 cửa hàng cầm đồ trong hệ thống của mình, mang về doanh thu trên 284 tỷ đồng. Chia sẻ về tầm nhìn và kỳ vọng của mình, ông Phùng Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc F88 đã tuyên bố đang có kế hoạch mở rộng tới 300 cửa hàng cầm đồ trên toàn quốc tính đến hết năm 2021.
Mới đây, Vietmoney, công ty kinh doanh hệ thống chuỗi cầm đồ bắt đầu hoạt động từ năm 2016 cũng đã công bố những kế hoạch mở rộng của mình. Hiện đang hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) với 16 chi nhánh tại TP HCM. Đơn vị này cũng quảng cáo đã phục vụ hơn 20.000 lượt khách sau 4 năm.
Nhận xét về mô hình kinh doanh này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng các chuỗi cầm đồ có lợi thế hơn nhiều so với các cửa hàng nhỏ lẻ. Bởi họ có thể đưa ra các chương trình quảng bá rầm rộ hơn, quy mô hơn và từ đó tiếp cận tới nhiều khách hàng hơn. Không những thế, việc lập các cửa hàng theo chuỗi đôi khi cũng tạo cảm giác uy tín, tin cậy hơn so với các cửa hàng nhỏ lẻ. Đó là còn chưa kể tới tiềm lực tài chính hùng hậu, vốn đóng vai trò rất quan trọng trong ngành kinh doanh đặc thù này.
Với các lợi thế trên, thật không quá khó hiểu khi kinh doanh cầm đồ theo chuỗi đang dần “lấn sân” khiến cho miếng bánh dành cho các cửa hàng cầm đồ truyền thống ngày càng bị thu hẹp.
Các dòng vốn ngoại đổ vào chuỗi cầm đồ
Nhận thấy được sự tiềm năng trong mảng kinh doanh cầm đồ, không ít các quỹ ngoại đã mạnh tay rót tiền đầu tư dành cho các chuỗi để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Bản thân F88 đã nhận được nguồn vốn từ các quỹ đầu tư chuyên nghiệp như Mekong Capital hay Granite Oak từ rất sớm và đã nhanh chóng mở rộng hệ thống của mình.
Quỹ John Galt Ventures cũng sáng lập Camdonhanh.vn để tham gia vào thị trường Việt Nam với 4 chi nhánh tại TP HCM.
Hay mới đây nhất, Vietmoney cũng đã hoàn thành vòng gọi vốn Series A để bắt đầu chiến lược mở rộng của mình. Được thành lập từ năm 2016, Vietmoney hoạt động theo mô hình O2O (Online to Offline) và hiện đang có 16 chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, phục vụ hơn 20.000 khách hàng.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Vietmoney, nguồn vốn gọi được từ vòng Series A đến từ hai quỹ Probus Opportunities (Probus) và Digi Ventures (DV). Nguồn vốn này sẽ được sử dụng để đẩy nhanh phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cầm đồ và tài chính cá nhân. Vào cuối năm 2018, chuỗi cầm đồ này cũng đã từng nhận được khoản đầu tư từ quỹ tài chính Indochine Investment.
Ông Trịnh Văn Phương, nhà sáng lập của Vietmoney cho biết, mục tiêu của chuỗi là mở rộng mạng lưới lên tới 100 chi nhánh, tập trung vào khách hàng phân khúc dưới và phủ dịch vụ tới 28 tỉnh thành lớn trên toàn quốc.
Tuy mở rộng nhanh chóng với nguồn vốn dồi dào từ quỹ ngoại nhưng các chuỗi cầm đồ vẫn phải tự giới hạn chức năng hoạt động so với các cửa hàng truyền thống. Hoạt động kinh doanh của chuỗi tập trung mạnh vào mảng cầm đồ với danh mục tài sản khá rộng thay vì tập trung vào cho vay tín chấp, vốn tiềm tàng rất nhiều rủi ro.