Ngày pháp luật

Ngân hàng thế giới sẵn sàng hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo

Selina Nguyễn (Theo Reuters)

(Doanhnhan.vn) - Ngân hàng thế giới đang kêu gọi nhiều tổ chức và các chủ nợ tạm hoãn thanh toán nợ cho các nước nghèo nhất trên thế giới để họ có thể tập trung nguồn lực trong việc chống lại đại dịch Covid-19.

Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) Axel van Trotsenburg cho biết Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Nhóm các nền kinh tế lớn G7 đã cùng kêu gọi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho phép các nước nghèo nhất thế giới tạm hoãn thanh toán nợ để có thể vượt qua cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19.

Mọi người đều hiểu rằng chúng ta cần giúp đỡ các quốc gia nghèo nhất. Tất cả đều rất sẵn lòng vì không ai thắc mắc với những đề xuất của chúng tôi, mà ngược lại, hoàn toàn nhất trí và ủng hộ. Tôi nghĩ chúng ta đang ở một giai đoạn cần sự giúp đỡ, đoàn kết lẫn nhau để tiến về phía trước”, Giám đốc điều hành WB trả lời phỏng vấn trên Reuters.

Ngân hàng thế giới sẵn sàng hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo - Ảnh 1

WB kêu gọi các tổ chức giãn nợ cho các nước nghèo

Các quan chức tài chính từ các nước G7 và G20 sẽ thảo luận về vấn đề giảm nợ cho các nước nghèo trong tuần này. Chi tiết của các dự thảo vẫn đang được hoàn thiện, nhưng theo nguồn tin từ Reuters,các nước G20 dự kiến sẽ lùi lại việc thanh toán nợ ít nhất là cho đến cuối năm nay.

Chủ tịch Ngân hàng thế giới David Malpass cho biết, ông dự kiến sẽ có một sự “chứng thực rộng rãi” của 25 thành viên tham gia Ủy ban Phát triển của WB và IMF trong cuộc họp vào ngày 17/4.

WB và IMF đã bắt đầu giải ngân viện trợ khẩn cấp cho các quốc gia đang vật lộn trong cuộc chiến chống Covid-19 và giảm thiểu những tác động trong nền kinh tế của họ. Lần đầu tiên, WB và IMF đưa ra lời kêu gọi xóa nợ vào ngày 25/3, giành được sự ủng hộ đáng kể của các thành viên, bao gồm từ Viện Tài chính quốc tế, một nhóm đại diện cho hơn 450 ngân hàng toàn cầu, các quỹ phòng hộ và các công ty tài chính khác. Tuy nhiên, Trung Quốc - một chủ nợ lớn - và các quốc gia G20 khác đã không chính thức tán thành đề xuất này.

IMF đã công bố hôm thứ 2 rằng sẽ cung cấp các khoản viện trợ khẩn cấp đầu tiên cho 25 quốc gia nghèo nhất thế giới, bao gồm Afghanistan, Mali, Haiti và Yemen, để giúp các nước này giảm nợ và đối phó tốt hơn với tác động của đại dịch Covid-19.

Các khoản tài chính này sẽ gồm một phần chi trả các khoản nợ cho IMF trong 6 tháng và phần còn lại sẽ dành cho các nỗ lực cứu trợ khẩn cấp và hỗ trợ y tế. IMF cũng đang thúc đẩy các quốc gia tài trợ lên mức cao hơn gấp đôi khoản tiền 500 triệu USD có sẵn trong Quỹ hỗ trợ và ứng phó thiên tai (ARC Trust Fund) để có thể gia hạn khoản nợ trong 2 năm cho các quốc gia nghèo nhất.

IMF và WB kêu gọi Trung Quốc và các chủ nợ lớn khác đình chỉ thanh toán nợ từ các quốc gia thuộc Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA), nơi tập hợp của 1/4 dân số thế giới và 2/3 dân số thế giới đang sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói bắt đầu từ ngày 1/5 tới. Theo ước tính của WB, với tổng sản phẩm quốc nội khoảng 2 nghìn tỷ USD, các quốc gia này đang phải đối mặt với khoản nợ lên tới 14 tỷ USD, tính đến cuối năm 2020.

Ngân hàng thế giới đã phê duyệt gói tài trợ khẩn cấp trị giá 2,1 tỷ USD cho 32 quốc gia để ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19, và dự kiến sẽ có thêm những khoản trợ cấp khác được công bố trong tháng này.

Ngân hàng thế giới sẵn sàng hoãn việc thanh toán nợ cho các nước nghèo - Ảnh 2

Van Trotsenburg nói rằng, điều quan trọng là các chủ nợ thương mại cũng sẽ cung cấp các khoản nợ cho các nước nghèo nhất, nơi đã chứng kiến dòng vốn lớn và sự sụt giảm mạnh trong kiều hối của công dân sống ở nước ngoài.

Đây là một vấn đề toàn cầu ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Nếu mọi người không cùng nhau hành động, vấn đề sẽ trở nên tồi tệ hơn. Điều đó có nghĩa là mọi tổ chức đều có nghĩa vụ phải xem xét, huy động tối đa khả năng của mình để nhanh chóng giúp đỡ các nước nghèo, những nước đang phải hứng chịu một cú sốc kinh tế chưa từng có”, Van Trotsenburg nhấn mạnh.

Chủ tịch IIF - Tim Adams cho biết việc giảm nợ song phương chính thức có thể được công bố tương đối nhanh nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để cung cấp các khoản nợ thương mại do thiếu chi tiết và giám sát về việc ai là người nắm giữ chính xác tất cả các khoản nợ này.

Khi được hỏi về sự cần thiết phải tái cơ cấu nợ trên phạm vi rộng hơn, Van Trotsenburg cho rằng điều quan trọng là phải đảm bảo rằng mức nợ không bền vững không cản trở các nước nghèo nhất chuyển động theo hướng phát triển bền vững.

Ý kiến của Adams cho thấy, các cuộc thảo luận là sự vội vàng với hoàn cảnh và nhu cầu khác nhau giữa các quốc gia. Nhưng ông lại nhấn mạnh cuộc khủng hoảng cho thấy sự cần thiết phải minh bạch hơn về việc cho vay đối với các nước nghèo của Trung Quốc cũng như các chủ nợ khác.

Tin Cùng Chuyên Mục