Ngày 13/04, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã ck: NVB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, đồng thời thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Cuối 2024, NCB dự kiến hoàn tất tăng vốn lên 11.802 tỷ đồng
Theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông, trong năm 2023, NCB đã hoàn thành chỉ tiêu trong kế hoạch kinh doanh, bao gồm tổng tài sản đạt 94.500 tỷ đồng (thực hiện 96.265 tỷ đồng), huy động vốn 78.000 tỷ đồng (thực hiện 80.043 tỷ đồng), quy mô khách hàng đạt 1 triệu khách. Tuy nhiên, NCB ghi nhận khoản lỗ vượt so với kế hoạch 16 tỷ đồng đã đề ra.
Lý giải việc chưa hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trong năm 2023, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Thị Thanh Hương cho biết, nguyên nhân chủ yếu từ nguồn thu phí, dịch vụ sụt giảm do khó khăn chung của toàn thị trường; nguồn thu từ tín dụng không đạt kỳ vọng do bị giới hạn về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước giao, việc tăng trưởng tín dụng chậm hơn so với dự kiến.
Theo lãnh đạo NCB, tăng trưởng tín dụng chậm là một trong những nguyên nhân chính khiến kết quả kinh doanh 2023 của Ngân hàng không đạt kỳ vọng. Do đó, Hội đồng quản trị đề xuất không thực hiện phân phối lợi nhuận và trích lập các quỹ năm 2023.
Về các chỉ tiêu kế hoạch năm 2024, NCB đặt mục tiêu tăng trưởng cho vay khách hàng ở mức 16,27%, đạt 64.344 tỷ đồng. Huy động khách hàng dự kiến tăng 7,51% lên 86.050 tỷ đồng, tổng tài sản tăng 10% lên 105.892 tỷ đồng; quy mô khách hàng tăng 15% từ 1 triệu lên 1,15 triệu khách.
NCB không đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại.
Đáng chú ý, ngân hàng không đưa ra con số lợi nhuận kế hoạch cụ thể mà cam kết dùng toàn bộ nguồn thu để thực hiện nghĩa vụ theo phương án cơ cấu lại (PACCL).
Năm 2024, NCB tiếp tục triển khai phương án phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ, giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu, qua đó, vốn điều lệ tăng thêm 6.200 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.
NCB phát hành 620 triệu cổ phiếu riêng lẻ
Theo bà Hương, việc tăng khả năng chịu đựng về tài chính, nâng cao vốn điều lệ sẽ giúp cho NCB đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đáp ứng các quy định pháp luật và các yêu cầu của cơ quan quản lý.
Nói về lý do phát hành cổ phiếu riêng lẻ, bà Hương cho biết NCB luôn cam kết đảm bảo hoạt động đúng quy định của pháp luật. Tại thời điểm hiện tại, ngân hàng không thể phát hành cho cổ đông hiện hữu do NCB không đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy mà NCB phải phát hành riêng lẻ.
Về giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, theo bà Hương con số này không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu NVB. Theo BCTC năm 2023, giá trị sổ sách của NCB là 9.000 đồng/cổ phiếu. Do đó lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ hoàn toàn được bảo vệ, thậm chí còn tốt hơn.
NCB đã thuê công ty kiểm toán Enrst and Young đánh giá tình hình tài chính, để đưa ra bức tranh toàn cảnh của ngân hàng từ năm 2021. Sau đại dịch Covid-19 vừa qua, cả nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, không chỉ riêng NCB.
Với số tiền thu về từ đợt chào bán, bà Hương cho biết NCB dự kiến chi khoảng 300 tỷ đồng cho hoạt động công nghệ; dành 300 tỷ đồng để triển khai nâng cao giá trị thương hiệu và thay đổi bộ nhận diện thương hiệu NCB (nếu có);
Phần còn lại dùng hoàn toàn để nâng cao năng lực kinh doanh của Ngân hàng. Cụ thể, tăng khả năng chịu đựng về tài chính, nâng cao vốn điều lệ để giúp cho NCB có thể đảm bảo hoạt động lành mạnh, hiệu quả. Đồng thời, đáp ứng bộ chỉ tiêu, các quy định pháp luật từng thời kỳ của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.