Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã ck: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2024 với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.
Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tổng thu thuần của OCB đạt 2.287 tỷ đồng, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, đóng góp chính cho tăng trưởng đến từ thu nhập lãi thuần và hoạt động kinh doanh ngoại hối.
Thu nhập lãi thuần trong quý đạt 1.901 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ và chiếm 83,12% tổng thu thuần nhờ các chính sách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ khách hàng và doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn cung vốn.
Nguồn thu nhập ngoài lãi cũng tăng trưởng tốt với mức tăng 13,8% lên 386 tỷ đồng. Riêng lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 118 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ năm trước nhờ tận dụng cơ hội biến động mạnh của tỷ giá trong những tháng đầu năm.
Tổng kết quý I/2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.214 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh kinh tế vĩ mô tiếp tục biến động phức tạp.
Các chỉ số liên quan về quản trị rủi ro như hệ số an toàn vốn (CAR), hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hệ số cho vay trên huy động (LDR) của OCB đảm bảo ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
Trong bối cảnh lãi suất huy động toàn hệ thống chạm đáy và tiếp tục xu hướng giảm, OCB vẫn duy trì được nguồn vốn huy động thị trường 1 ở mức 163.401 tỷ đồng.
Nhờ giải pháp linh hoạt giúp khách hàng dễ tiếp cận nguồn vốn, OCB đã có mức tăng trưởng tín dụng cao so với toàn ngành (0,26%).
Tính đến cuối quý I/2024, dư nợ thị trường 1 của OCB ghi nhận tăng trưởng tốt, đạt mức 3,5% lên 153.199 tỷ đồng. Đây là “quả ngọt” đầu tiên mà ngân hàng đã gặt hái từ chiến lược tập trung đẩy mạnh mở rộng cơ sở khách hàng, quan hệ đối tác và số hóa. Tổng tài sản của OCB đạt mức 236.980 tỷ đồng tại thời điểm 31/3/2024.
Năm 2024, OCB đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ thêm 4.168 tỷ đồng lên 24.717 tỷ đồng, chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu, mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.885 tỷ đồng, tăng 66% so với kết quả năm 2023.
Chuyển đổi ngân hàng “xanh” và đẩy mạnh số hóa
Bên cạnh mục tiêu kinh doanh, ngân hàng cũng ưu tiên đẩy mạnh số hóa.
Với việc ký kết thỏa thuận tư vấn chuyển đổi ngân hàng xanh, dịch vụ ngân hàng số bán lẻ và doanh nghiệp SME với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) đã mở ra cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp SME, đặc biệt là doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Cơ hội này góp phần đưa OCB từng bước trở thành ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, thúc đẩy tăng trưởng cơ hội kinh doanh, tạo thêm việc làm, và nâng cao mức sống và thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Dự kiến quý III/2024, ngân hàng sẽ phát hành báo cáo phát triển bền vững độc lập do PwC tư vấn.
Không chỉ tập trung vào danh mục đầu tư mang tính bền vững, OCB tiếp tục tăng cường đẩy mạnh số hóa, nhằm đẩy mạnh nguồn thu từ các dịch vụ, đồng thời tiết giảm chi phí vận hành.
Vào ngày 10/5 tới đây, OCB sẽ cho ra mắt phiên bản ngân hàng số OCB OMNI thế hệ mới, trên cơ sở hợp tác cùng Backbase - công ty công nghệ tài chính hàng đầu thế giới.
Ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc
Ở một diễn biến khác có liên quan, Ngân hàng Phương Đông vừa công bố thông tin về việc ông Nguyễn Đình Tùng gửi đơn từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc.
Ông Nguyễn Đình Tùng gia nhập OCB từ tháng 4/2012 và làm Tổng giám đốc từ tháng 8/2012. Ông giữ vai trò điều hành OCB từ một nhà băng quy mô nhỏ trở thành ngân hàng top 10 tại Việt Nam.
Tháng 4/2023, ông Tùng được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng quản trị nhà băng này.
Việc ông Nguyễn Đình Tùng thôi nhiệm vị trí tổng giám đốc và tập trung cho vai trò thành viên Hội đồng quản trị nằm trong kế hoạch của ngân hàng nhằm bổ sung nguồn lực lãnh đạo.
Ông Tùng cho biết sẽ tiếp tục đóng góp và đồng hành với OCB trong vai trò thành viên Hội đồng quản trị, để triển khai chiến lược phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển mạng lưới đối tác lớn.