“Mùa vàng” lợi nhuận
9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng đều đạt lợi nhuận ở mức cao dù tăng trưởng tín dụng có giới hạn chật hẹp hơn, không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét nới như những năm trước (giới hạn toàn ngành 15 -17%). Để có được kết quả này, đa số các ngân hàng kể trên đều có sự dịch chuyển đáng kể về cơ cấu, gia tăng lợi nhuận từ đóng góp của dịch vụ, thu lãi bên ngoài (thẻ tín dụng, bảo hiểm, tư vấn…).
Hiện tại, toàn bộ giới nhà băng đã hoàn tất công bố kết quả kinh doanh quý 3/2018. Đứng vững “ngôi số 1” là Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) với 9 tháng đầu năm lãi hợp nhất trước thuế đạt 11.683 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) được xếp vị trí số 2 trong hệ thống (đồng nghĩa dẫn đầu “ngoạn mục” khối các ngân hàng không có vốn Nhà nước chi phối) với lợi nhuận hợp nhất trước thuế lên tới 7.774 tỷ đồng, tăng tới 60,6% so với cùng kỳ 2017. Ngày 30/10, CEO của Techcombank ông Lê Quốc Anh chia sẻ: “Con số ngày hôm nay là những nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên ngân hàng trong những năm qua”.
Còn Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) lũy kế 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 7.596 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận này, VietinBank đứng thứ 3 trong hệ thống. Vị trí thứ 4 thuộc về Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Ngân hàng này ghi nhận lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất ở mức 7.254 tỷ đồng.
Điểm danh nhóm ngân hàng có lợi nhuận cao phía sau còn có: Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hợp nhất 9 tháng lãi đạt hơn 6.100 tỷ đồng. Ngân hàng Quân đội (MB) hợp nhất lãi trước thuế hơn 6.000 tỷ đồng (thu nhập nhân viên ngân hàng mẹ tới 30 triệu đồng/tháng). Còn Ngân hàng Á Châu (ACB) tiếp tục trở lại vị thế một thời, với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu 2018 tăng tới 138% so với cùng kỳ 2017, đạt 4.776 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank - HDB) với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) lợi nhuận trước thuế tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2017, từ 807 tỷ đồng lên 1.613 tỷ đồng. Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, năm nay ngân hàng sẽ hoàn thành mục tiêu thách thức đại hội đồng cổ đông đề ra là 2.200 tỷ đồng.
Chốt số liệu, lũy kế 9 tháng đầu năm, Nam A Bank có lãi trước thuế đạt 471 tỷ đồng (cùng kỳ bị lỗ 17 tỷ) vượt chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận trước thuế của cả năm 2018 tới 47%. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Eximbank có lãi trước thuế đạt 1.136 tỷ đồng, gấp 2,5 lần mức đạt được cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 907 tỷ đồng.
Sao nợ xấu lại tăng?
Bên cạnh bức tranh lợi nhuận sáng, báo cáo 9 tháng của các ngân hàng cũng có diễn biến lạ: Nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng. Đơn cử: ACB với hơn 1.264 tỷ đồng, tăng tới hơn 60% so với cuối năm 2017; MBBank gần 1.319 tỷ đồng, tăng tới 62% so với cuối năm 2017; Techcombank gần 2.027 tỷ đồng, tăng 30,5%; VietinBank, nợ xấu cuối quý 3 năm 2018 ở mức 12.127 tỷ đồng, tăng hơn 3.100 tỷ, tương đương 34,6% so với đầu năm. Nợ xấu tại OCB tăng 65% trong 9 tháng lên mức 1.429 tỷ đồng, chiếm 2,66% dư nợ cho vay khách hàng tại nhà băng này. Tại Vietcombank, đến cuối quý 3, nợ xấu cũng lên tới hơn 4.000 tỷ đồng...
Nợ xấu trong xu hướng chung đã giảm nhưng nợ có khả năng mất vốn lại tăng. Giới phân tích cho rằng, đó không hẳn là kết quả tiêu cực bởi dù nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%. Việc hạch toán và trích lập này sẽ khiến ngân hàng chủ động hơn khi xét đưa ra ngoại bảng vào cuối năm.
“Về tổng thể, hoạt động ngành ngân hàng nói chung giai đoạn này nợ xấu vẫn tiếp tục nhận về qua cơ chế cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm, bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)”, một chuyên gia tài chính nhận xét.
Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo NHNN cho biết: Phân tích nợ xấu phải nhìn vào việc trích lập dự phòng để biết bản chất nợ xấu thực và có thể lợi nhuận dự phòng. Nợ xấu gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng và có nhóm 3, nhóm 4, nhóm 5 (nợ quá 360 ngày). NHNN đang yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tính nợ xấu và yêu cầu phân loại nợ theo khách hàng chứ không phải phân theo khoản nợ. Do đó, nợ nhóm 5 có khả năng mất vốn có xu hướng tăng mạnh.
Tuy nhiên, điểm khác là nợ nhóm này đã được trích lập dự phòng đầy đủ. Do đó, nếu sau này chuyển được nhóm nợ xuống thấp hơn hay thu hồi thì khoản trích lập dự phòng đương nhiên có thể tính thành lợi nhuận ngân hàng. Điểm đặc biệt đáng lưu ý hơn, theo vị lãnh đạo NHNN, đó là với cách tính này, nợ xấu hiện chỉ có một con số chứ không phải hai con số như trước đây. Điều này sẽ đưa nợ xấu về đúng bản chất.
Mới đây, thông tin về tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm rất mạnh, từ mức hơn 2,5% đầu năm xuống chỉ còn khoảng 2% hiện nay. Còn nếu tính cả nợ xấu nội bảng, nợ xấu ngoại bảng, nợ xấu tiềm ẩn thì tổng nợ xấu của hệ thống chỉ còn khoảng 6,7%, giảm sâu so với mức trên 10% hồi năm 2016. Phát biểu trước Quốc hội ngày 26/10, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN luôn nhất quán việc điều hành kiểm soát chặt chẽ tín dụng chảy vào thị trường chứng khoán và bất động sản, không để tiềm ẩn xảy ra rủi ro về nợ xấu.