Kinh tế Quý 1 2023: Dự kiến chỉ tăng 3.3%
Theo TS. Nguyễn Hữu Huân - Giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM, khi một đoàn tàu đang chạy nhanh với gia tốc và quán tính lớn nhưng đột ngột phanh gấp, sẽ cần rất nhiều thời gian để có thể quay trở lại đạt mức vận tốc như ban đầu. Điển hình như trước năm 2008, tăng trưởng kinh tế Việt Nam luôn đạt trên 8%, nhưng khi khủng hoảng nổ ra, tăng trưởng kinh tế sụt giảm và đứng ở mức quanh 5% trong suốt hơn 5 năm sau đó.
Tình hình cũng tương tự đối với kinh tế Việt Nam hiện nay, khi tốc độ tăng trưởng chỉ 3.3% trong Quý I. Lạm phát trong năm nay cũng sẽ khá căng thẳng, khi dự kiến tăng giá điện cũng như tăng lương trong thời gian tới.
Với bối cảnh trên, theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước, có khoảng 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng dương trong năm nay, và khoảng 3% dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm, cùng 2% dự kiến lợi nhuận không thay đổi so với năm 2022. Theo đánh giá của FiinRatings, dự kiến trong năm 2023, biên lãi thuần của các ngân hàng có thể bị thu hẹp, khi lãi suất huy động tăng mạnh hơn lãi suất cho vay.
Số liệu từ tăng trưởng tín dụng tính đến cuối Quý I từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng cho thấy chỉ tăng 2.06% so với đầu năm. Điều này cho thấy, năm 2023 được dự báo đầy khó khăn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cũng như bất động sản đóng băng giữa bối cảnh lãi suất biến động nhiều.
Opt 1: Giảm tốc tăng trưởng để củng cố nội lực?
Với thách thức của 2023, phần lớn các ngân hàng đều đưa ra các mục tiêu thận trọng hơn. Chẳng hạn, VIB dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ 32% năm 2022 xuống 15%. Theo tài liệu trình Đại hội cổ đông, Techcombank là nhà băng duy nhất đặt kế hoạch giảm 14% lợi nhuận so với năm 2022 xuống mức 22,000 tỷ đồng năm 2023. Trong năm 2023, Techcombank tiếp tục đặt mục tiêu quản lý nợ xấu ở mức thấp dưới 1,5%. Ngân hàng cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản trị tài chính để duy trì thanh khoản cùng doanh nghiệp, tăng cường các trải nghiệm cá nhân hóa và hợp tác cùng các đối tác lớn để gia tăng ưu đãi cho khách hàng. Đây được cho là bước đi đầy thận trọng của TCB trong bối cảnh đầy thách thức hiện nay.
Ngân hàng dự kiến trích 32.676 tỷ đồng cho quỹ dự trữ, nhằm phục vụ phương án tăng vốn điều lệ theo quyết định của ĐHĐCĐ vào thời điểm thích hợp.
Đại diện Techcombank cho biết, từ nhiều năm nay, ngân hàng lựa chọn khẩu vị đầu tư thận trọng chắc chắn và đề cao phát triển bền vững. Hiện tỷ lệ đòn bẩy Techcombank ở mức thấp, nhưng Ngân hàng không tìm cách tăng trưởng bằng mọi giá. Thay vào đó, việc huy động vốn môt cách đa dạng với chi phí thấp là chiến lược của Techcombank, điều đó gắn liền các cấu phần khác là ngân hàng giao dịch chính phục vụ khách hàng, đa dạng hóa nguồn thu, phục vụ nhu cầu toàn diện khách hàng theo từng phân khúc,… để đạt được mục tiêu tốt hơn.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế đối mặt với nhiều thách thức như hiện nay, việc chọn lựa hướng đi phù hợp, mức lợi nhuận vừa phải là điều các ngân hàng cần cân nhắc. Bản chất sự phát triển của ngân hàng được đánh giá ở nhiều khía cạnh và lợi nhuận chỉ là một phần của các chỉ số. Với Techcombank, việc tiên phong miễn phí dịch vụ cho khách hàng, đồng hành cùng khách hàng trong bối cảnh khó khăn sau đại dịch và tập trung đầu tư cho nền tảng có thể sẽ làm giảm biên lợi nhuận nhưng bù lại sẽ tiếp tục củng cố được lòng tin từ phía khách hàng, từ đó tạo điều kiện cho sự hồi phục, không chỉ của ngân hàng mà của cả thị trường. Một số chuyên gia nhìn nhận, đây có cũng có thể là “lùi một bước, để tiến ba bước” và là một “chiến thuật” khác biệt của Techcombank.