Ngày pháp luật

Ngân hàng báo lãi nghìn tỉ, nợ xấu vẫn cao

Theo Mi Vân/Lao Động

Mặc dù nhiều ngân hàng báo kết quả kinh doanh quý III/2018 khả quan, nhưng qua báo cáo tài chính cho thấy tỉ lệ nợ xấu ở nhiều ngân hàng tăng. Đáng chú ý là tỉ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh ở một số ngân hàng.

Câu lạc bộ nghìn tỉ gọi tên nhiều ông lớn

Tính tới thời điểm hiện tại, hầu hết các ngân hàng đều đã công bố báo cáo tài chính quý III/2018. Trong số 26 ngân hàng thương mại, có 21 ngân hàng đã hoàn thành được hơn 70%. Những “ông lớn” như Vietcombank, BIDV, Techcombank đã hoàn thành gần 90% kế hoạch chỉ trong 9 tháng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 67.000 tỉ, tăng 41% so với cùng kỳ năm trước.

“Câu lạc bộ ngân hàng lãi nghìn tỉ” sau 9 tháng kinh doanh đã điểm tên các ông lớn như Vietcombank, VietinBank, BIDV, VPBank, Techcombank, MBBank, ACB, HDBank...

Xếp ở vị trí số 1 trong “câu lạc bộ nghìn tỉ” là Vietcombank. Cụ thể, trong quý III/2018, thu nhập lãi thuần của Vietcombank bứt tốc so với 2 quý đầu năm, đạt 7.432 tỉ đồng, tăng 41,6% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietcombank lãi trước thuế 11.683 tỉ đồng, lãi ròng 9.378 tỉ, tăng 47% so với cùng kỳ.

Bám đuổi ở vị trí thứ hai là Techcombank. Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 7.774 tỉ, tăng 61% so với cùng kỳ. Hầu hết các mảng kinh doanh đều có tăng trưởng dương và khá đồng đều: thu nhập lãi thuần tăng 26% đạt 8.168 tỉ, hoạt động dịch vụ tăng 25% đạt 2.113 tỉ, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 22% đạt 247 tỉ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietinBank đạt 7.596 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Với mức lợi nhuận này, VietinBank đứng thứ 3 trong hệ thống, xếp sau Techcombank và Vietcombank.

BIDV xếp vị trí thứ 4 khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng hợp nhất đạt mức 7.254 tỉ đồng.

VPBank công bố lợi nhuận hợp nhất trước thuế tăng từ mức 4.376 tỉ đồng hồi giữa năm lên 6.125 tỉ đồng tính đến thời điểm 30.9.2018.

HDBank cũng công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng đầu năm 2018 với những chỉ tiêu tăng trưởng rất khả quan. Với lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm đạt 2.884 tỉ đồng, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận cao giúp ROE (tỉ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của nhà băng này duy trì trên 20%.

Ngân hàng báo lãi nghìn tỉ, nợ xấu vẫn cao - Ảnh 1

Biểu đồ so sánh kết quả kinh doanh và nợ xấu của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2018.

Bức tranh nợ xấu cũng lộ diện

Soi vào kết quả kinh doanh quý III/2018 của các ngân hàng, bức tranh nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã có nhiều biến động với tỉ lệ nợ xấu các ngân hàng dao động từ 0,7% - 4,7%. Bên cạnh việc tỉ lệ nợ xấu gia tăng, thì đáng chú ý là tỉ trọng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) trong tổng nợ xấu nội bảng tăng mạnh ở một số ngân hàng.

Trao đổi với PV báo Lao Động, một chuyên gia ngân hàng cho rằng “Đánh giá về nợ xấu cần nhìn cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu ngoại bảng. Nợ xấu nội bảng là nợ xấu ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Nợ xấu ngoại bảng là các khoản nợ xấu chưa xử lý hiện đang nằm ở VAMC... Đối với nợ xấu nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn, mặc dù tăng mạnh nhưng theo quy định các ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ 100%”.

Nếu đặt lên bàn cân để so sánh 3 “ông lớn” trong ngành ngân hàng là Vietcombank, VietinBank và BIDV thì hiện tại Vietcombank có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất 1,18% (tăng 0,04% so với cuối năm 2017). VietinBank hiện có tỉ lệ nợ xấu đang ở mức 1,36% (tăng 0,23% so với cuối năm 2017).

Ngân hàng báo lãi nghìn tỉ, nợ xấu vẫn cao - Ảnh 2

Vietcombank có tỉ lệ nợ xấu thấp nhất 1,18% (tăng 0,04% so với cuối năm 2017). Ảnh: Hải Nguyễn.

Nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn chiếm tỉ trọng lớn nhất (72%) trong cơ cấu nợ xấu và cũng là nhóm nợ tăng mạnh nhất trong 9 tháng đầu năm nay tại VietinBank (tăng 68% lên 8.739 tỉ đồng). BIDV có tỉ lệ nợ xấu cao nhất trong số 3 ngân hàng là 1,75% (tăng 0,13% so với cuối năm 2017).

Trong số 3 ngân hàng, nếu tính về tốc độ tăng số dư nợ xấu thì số dư nợ xấu VietinBank tăng 34,5% lên mức 12.127 tỉ đồng chỉ trong 9 tháng đầu năm. Đáng chú ý, tính tới hết quý III, số dư nợ xấu của BIDV hiện đang ở mức 17.000 tỉ đồng (tăng 21,1% so với cuối năm 2017) và là con số gần cao nhất hệ thống ngân hàng.

Một trong những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao so với toàn ngành là Sacombank với tỉ lệ nợ xấu 3,2%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm tới nay thì tỉ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm 1,46% và chất lượng nợ vay của ngân hàng đã cải thiện đáng kể.

Tỉ lệ nợ xấu của VPBank cũng đáng quan ngại 4,7% (tăng 1,31% với con số 3,39% tại thời điểm 31.12.2017). Tính tới hết quý III/2018, số dư nợ xấu của VPBank tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức 9.400 tỉ đồng.

Mặc dù có kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tượng nhưng số dư nợ xấu của MB lại tăng vọt. Cụ thể, kết quả lợi nhuận trước thuế của MB đạt hơn 6.014 tỉ đồng, tăng 50% so với cùng kỳ và thực hiện được 88% kế hoạch năm 2018. Tuy nhiên, nợ xấu của MB sau 9 tháng đầu năm tăng đến 45% so với hồi đầu năm.

Trước đó, tại buổi sơ kết 1 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định số 1058, ông Nguyễn Văn Du - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng - cho biết “Đến 30.6.2018, hệ thống TCTD đã xử lý được 138,29 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng). Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 21,59 nghìn tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,59%)”.

Trước đây, khi nói đến nợ xấu, nhiều người có suy nghĩ nguyên nhân do lỗi của các ngân hàng. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Nghiêm Xuân Thành - Chủ tịch HĐQT Vietcombank - kể từ khi Nghị quyết 42 được ban hành, xã hội có cái nhìn tích cực hơn.

Nợ xấu không chỉ có nguyên nhân phát sinh từ các ngân hàng mà từ thị trường, từ sản xuất kinh doanh của khách hàng bị suy giảm, phá sản, một số khách hàng thiếu thiện chí trong việc trả nợ ngân hàng. Do vậy việc giải quyết nợ xấu không chỉ là trách nhiệm của ngành ngân hàng mà là trách nhiệm của các cơ quan quản lý, ban ngành các cấp.

Trong quá trình thực hiện, đại diện NHNN cho biết, vẫn còn tồn tại những khó khăn, vướng mắc cần sự chung sức, nỗ lực của toàn hệ thống chính trị, đặc biệt là sự hỗ trợ, phối hợp của các bộ, ngành, địa phương như chưa có thị trường mua bán nợ chuyên nghiệp khiến mua bán nợ xấu chưa sôi động, chưa có nhiều các thương vụ lớn.

Vướng mắc còn ở việc thực hiện nội dung liên quan đến việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác minh chứng cứ; vấn đề liên quan đến thứ tự ưu tiên thanh toán...

Nợ xấu 9 tháng của một số NHTMCP

* Ngân hàng TMCP Quân đội (MB): Nợ xấu 9 tháng tăng 45% so với đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ (tăng 67%) và nợ có khả năng mất vốn (tăng 62%), dẫn đến tỉ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,57% so với 1,2% đầu năm.

* Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank): Luỹ kế 9 tháng số dư nợ xấu tăng gần 429 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu 2,05%. Trong đó, nợ nhóm 5 - có nguy cơ mất vốn tăng thêm 474 tỉ đồng lên 2.027 tỉ đồng. Số dư dự phòng rủi ro cuối kỳ tăng lên mức 2.657 tỉ đồng.

* Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank): Tỉ lệ nợ xấu 3,2%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm tới nay thì tỉ lệ nợ xấu của Sacombank đã giảm 1,46% và chất lượng nợ vay của ngân hàng đã cải thiện đáng kể.

* Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank): Tính tới hết quý III/2018, số dư nợ xấu của VPBank tăng 52% so với hồi đầu năm, ở mức 9.400 tỉ đồng. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 61%, nợ nhóm 4 tăng 31% và nợ nhóm 5 tăng 62%.

* Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà TPHCM (HDBank): Tính đến 30.9.2018, tỉ lệ nợ xấu của HDBank là 1,39%, giảm 0,12% so với thời điểm cuối năm 2017. Số dư nợ xấu của HDBank tính tới thời điểm 30.9.2018 là 1.810 tỉ đồng (tăng 14.3%) so với cuối năm ngoái.

* Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB): Luỹ kế 9 tháng tỉ lệ nợ xấu ở mức 2,5%. Số dư nợ xấu khoảng 2.273 tỉ đồng, tăng 14,45% so với thời điểm đầu năm. Trong đó nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) và nợ nghi ngờ (nhóm 4) tăng mạnh.

* Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank): Số dư nợ xấu 9 tháng đầu năm tăng 20% so với đầu năm. Mặc dù nợ nhóm 4 và nợ nhóm 5 (nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn) giảm, nhưng nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) tăng 77%.

* Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank): Tổng số dư nợ xấu 1.524 tỉ đồng, tăng 42% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) đều tăng mạnh. Tỉ lệ nợ xấu tăng lên mức 1,32% từ mức 1,06% so với đầu năm 2018.

* Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK): Số dư nợ xấu tính tới cuối tháng 9.2018 giảm xuống còn 1.101 tỉ đồng (giảm 17,1% so với thời điểm đầu năm). Tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tính tới Quý III/2018 giảm xuống còn 2,42% so với mức 2,77% so với đầu năm.

* Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK): Tính luỹ kế 9 tháng, số dư nợ xấu tăng thêm 22,15% lên mức 431 tỉ đồng nợ xấu. Nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn ở mức 419,6 tỉ đồng, tăng 24,4% so với cuối năm 2017. LNTT quý III/2018 chỉ đạt 148,78 tỉ đồng, giảm 20,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tin Cùng Chuyên Mục