Từ cuối năm 2020 tới nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến giai đoạn giao dịch bùng nổ với thanh khoản nhiều phiên trên 15.000 tỷ đồng. Làn sóng nhà đầu tư mới gia nhập thị trường đã giúp thanh khoản liên tiếp thiết lập những con số kỷ lục mới và đây là tín hiệu rất tích cực cho thị trường. Trong môi trường lãi suất còn duy trì thấp, hiểu biết của người dân về thị trường tài chính ngày càng cao, đây có thể coi là giai đoạn rất thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư, phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, việc thanh khoản tăng "nóng" đã dẫn tới hiện tượng thường xuyên nghẽn lệnh trên sàn HoSE và điều này gây ra không ít phiền toái cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của thị trường.
Không chỉ ảnh hưởng tới nhà đầu tư, sự cố nghẽn lệnh gần đây còn tác động không nhỏ tới ngân sách Nhà nước bởi thanh khoản thị trường không thể gia tăng, kéo theo việc hụt thu phí giao dịch. Hiện HoSE là đơn vị do Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Do đó, phần lớn lợi nhuận từ HoSE sau khi nộp thuế và trích lập các quỹ sẽ được chuyển về Ngân sách Nhà nước.
Theo quy định hiện hành, nhà đầu tư khi giao dịch sẽ phải trả phí cố định là 0,03% cho Sở GDCK. Với thanh khoản thị trường thời gian qua thường chỉ đạt tối đa quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng, ước tính mỗi phiên HoSE thu về khoảng 9 tỷ đồng từ phí giao dịch (từ 2 chiều mua/bán). Nếu hệ thống không bị nghẽn, rất có thể số tiền HoSE thu về còn cao hơn nhiều trong bối cảnh nhà đầu tư không ngừng đổ tiền vào thị trường.
Ước tính, với thanh khoản tăng thêm 1.000 tỷ đồng, HoSE sẽ thu về thêm 0,6 tỷ đồng mỗi phiên. Chúng ta có thể hình dung số tiền ngân sách có thể thu thêm nếu không xảy ra tình trạng nghẽn lệnh trong 3 tháng qua.
Nếu như thanh khoản tăng thêm được khoảng 30% so với hiện tại lên 20.000 tỷ/phiên thì mỗi năm tiền phí HoSE thu được vào khoảng 3.000 tỷ đồng - tương ứng nguồn thu ngân sách từ lợi nhuận của HoSE tăng thêm cũng như tiền thuế thu nhập nghiệp sẽ thêm vài trăm tỷ đồng.
Thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm từ phí giao dịch
Phí giao dịch là nguồn thu chủ lực của HoSE khi mang về hàng trăm tỷ đồng mỗi năm và chiếm khoảng 85-90% tổng doanh thu Sở này.
Năm 2018, khi thị trường đạt đỉnh lịch sử 1.200 điểm, doanh thu HoSE đạt 935 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ phí giao dịch lên tới 815 tỷ đồng, chiếm 87%. Sau khi trừ đi các chi phí trong kỳ, HoSE đạt lợi nhuận 521,5 tỷ đồng trong năm 2018, con số cao nhất từ trước tới nay.
Sang năm 2019, dù thị trường có ảm đạm đi đôi chút nhưng doanh thu HoSE vẫn đạt 713,7 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ giao dịch chứng khoán lên tới 602,7 tỷ đồng, chiếm 84%. Năm 2020, làn sóng nhà đầu tư "F0" tiếp tục giúp thanh khoản thị trường tăng mạnh và kết quả kinh doanh của HoSE cũng cải thiện tương ứng. Báo cáo bán niên năm 2020 cho biết HoSE đạt doanh thu 382 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ 2019, trong đó doanh thu từ giao dịch chứng khoán chiếm 326,7 tỷ đồng, tương đương 85%.
Hiện HoSE chưa công bố báo cáo cả năm 2020 và quý 1/2021, nhưng với thanh khoản tăng mạnh trong những tháng qua, có thể dự báo doanh thu, lợi nhuận HoSE sẽ còn tăng rất mạnh so với những năm trước.
Tuy nhiên, nếu tình trạng nghẽn lệnh không sớm được giải quyết sẽ khiến thanh khoản thị trường không thể cải thiện, kéo theo việc đánh mất cơ hội của nhà đầu tư, cơ hội thu hút vốn của doanh nghiệp cũng như hụt thu ngân sách Nhà nước.
HoSE đưa ra nhiều giải pháp gây tranh cãi để chống "tắc đường"
Để giải quyết tình trạng tắc nghẽn như hiện nay, giải pháp căn cơ là triển khai hệ thống công nghệ mới (KRX) cho thị trường. Nhưng theo đại diện UBCKNN, việc triển khai hệ thống này đang chậm trễ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và phải đến cuối năm nay mới có thể đi vào vận hành.
Trong ngắn hạn, để giải quyết tình trạng tắc nghẽn hệ thống như hiện nay, HoSE đã đưa ra khá nhiều ý kiến gây tranh cãi trong cộng đồng đầu tư.
Tuần trước, HoSE đã đưa ý kiến về biện pháp nâng lô giao dịch từ 100 hiện nay lên 1.000 cổ phiếu. Ngay lập tức, ý kiến này đã gặp phải vô vàn ý kiến phản đối từ giới đầu tư bởi sẽ khiến nhà đầu tư "nhỏ lẻ" khó tham gia đầu tư chứng khoán, nhất là với việc đầu tư vào các cổ phiếu Bluechips với thị giá rất cao.
Lấy ví dụ để mua cổ phiếu MWG với thị giá khoảng 135.000 đồng/cp, thay vì chỉ cần bỏ ra 13,5 triệu đồng như hiện nay, nhà đầu tư cần tới 135 triệu đồng mới có thể mua cổ phiếu này. Thậm chí với cổ phiếu RAL với thị giá trên 200.000 đồng, nhà đầu tư cần tới hơn 200 triệu đồng mới có thể mua được. Đây thực sự là bài toán "khó" với không ít nhà đầu tư trên thị trường và làm giảm khả năng tiếp cận đầu tư. Không những vậy, việc nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu sẽ đẩy nhà đầu tư tìm đến các cổ phiếu có thị giá thấp, thường có yếu tố cơ bản "yếu", qua đó gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Ngoài ra, cũng chưa thể khẳng định rằng khi nâng lô lên 1.000, liệu tình trạng tắc nghẽn có còn diễn ra?
Ngay sau ý kiến về việc nâng lô lên 1.000 cổ phiếu, HoSE lại tiếp tục nghiên cứu thêm một giải pháp chống nghẽn cho thị trường là không cho sử, hủy lệnh giao dịch cổ phiếu. Theo ước tính của HoSE, nếu ngưng cho phép đặt lệnh huỷ, sửa thì thanh khoản HoSE sẽ được cải thiện 30% so với hiện nay. Giải pháp này có thể thực hiện ngay mà không cần phải can thiệp kỹ thuật.
Dù đây chỉ là đề xuất nhưng theo nhiều nhà đầu tư trên thị trường, giải pháp không cho sửa, hủy lệnh giao dịch cổ phiếu sẽ gây không ít phiền toái trong quá trình giao dịch khi không thể phản ứng trước những biến động bất ngờ. Bên cạnh đó, trường hợp ghi nhầm lệnh cũng thường xuyên diễn ra và việc cấm sửa/hủy lệnh sẽ gây thiệt hại không nhỏ.
Tại buổi đối thoại 2045 mới đây, Tổng giám đốc Vietjet kiêm Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng HDBank, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn chứng khoán Tp.HCM (HoSE) phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hay New York. Nữ tỷ phú cũng cho biết đã liên lạc với lãnh đạo các tập đoàn công nghệ lớn như FPT, One Mount Group, Viettel để cùng bàn bạc giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Và câu trả lời nhận về khẳng định chỉ cần 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng để có thể giải quyết vấn đề này.
Theo vị này, 60 tỷ hoặc nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng cùng chia sẻ, đóng góp số tiền này để giảm áp lực cho ngân sách. Nếu lấy con số 9 tỷ đồng tiền phí giao dịch HoSE thu về mỗi ngày hiện nay (thanh khoản 15.000 tỷ đồng) thì chỉ cần khoảng 7 phiên giao dịch là đủ số tiền để khắc phục hệ thống HoSE như phương án tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo đưa ra.
Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng để các doanh nghiệp tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật HoSE. Theo ông, chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân, những trục trặc của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong 2 tháng.
Link bài gốc