Nestlé đã chinh phục và trụ vững trong hàng triệu căn bếp như thế nào?

Nam Lê

Không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm, tạo ra giá trị cho nền kinh tế, phục vụ nhu cầu đa dạng của người dùng, Nestlé còn luôn coi trọng vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và tạo sinh kế cộng đồng.

Không ngừng mở rộng danh mục sản phẩm

Mới đây, Giám đốc điều hành khu vực Bắc Mỹ của Nestlé - Steve Presley đã tiết lộ cuộc cải tổ danh mục đầu tư đã giúp công ty thực phẩm và giải khát lớn nhất thế giới này giành lại vị thế quan trọng trong bối cảnh phải đối mặt với lạm phát cao, những tác động kéo dài của COVID-19 và tình hình khó khăn của chuỗi cung ứng.

Nestlé đã chinh phục và trụ vững trong hàng triệu căn bếp như thế nào? - Ảnh 1

Theo ông Steve Presley, sau khi chuyển hơn 40% hoạt động kinh doanh của Nestlé ở Mỹ sang tập trung vào các dịch vụ phát triển nhanh hơn và hợp xu hướng hơn. Hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) vẫn luôn có một vị trí vững chắc bất chấp tình hình khó đoán định, đồng thời bày tỏ sự tự tin về vị trí của Nestle ở Bắc Mỹ. Nestle có nhiều thương hiệu mạnh và sự kết nối với người tiêu dùng và đó là điều giúp công ty đạt được thành công.

Trong nửa đầu năm 2022, Nestlé đã công bố mức tăng trưởng tự thân (organic growth) ở Bắc Mỹ là 9,6% và ghi nhận mức tăng thị phần trong các ngành hàng như cà phê, kem béo thực vật và nước cao cấp. Trong 97% hộ gia đình Mỹ sẽ có ít nhất một sản phẩm thuộc danh mục đầu tư của Nestlé như Lean Cuisine, DiGiorno, Sweet Earth, Essentia water và Coffee mate.

Cách đây không lâu, Nestlé đã phải vật lộn ở thị trường Mỹ để làm cho một số thương hiệu cốt lõi của mình phù hợp hơn với thị hiếu và sở thích khác nhau của người tiêu dùng. Ông Presley lưu ý Mỹ, hiện chiếm 28% doanh thu toàn cầu của Nestlé, khoảng 25,5 tỷ USD, trước đây là một “rào cản” đối với sự tăng trưởng chung của công ty. Từ năm 2014 đến năm 2017, tăng trưởng doanh số bán hàng ở Mỹ gần như không đổi ở mức 0,5%. Nhưng kể từ đó, tốc độ đã tăng lên đáng kể lên 2,8% từ năm 2018 đến năm 2020 và trên 6% vào năm 2021.

Trong những năm gần đây, Nestlé đã tiến hành một cuộc chuyển đổi rộng rãi và chuyển hơn 40% danh mục đầu tư của mình tại Mỹ, “loại bỏ” hơn 10 tỷ USD doanh thu từ các thương hiệu hoặc danh mục phát triển chậm mà họ không phải là công ty hàng đầu. Nestlé đã thoái vốn phân khúc bánh kẹo mang tính biểu tượng của mình, bao gồm các thương hiệu như Crunch, Baby Ruth và Butterfinger, các mảng kinh doanh kem và phần lớn hoạt động kinh doanh nước đóng chai ở Bắc Mỹ.

Ông Presley cho biết Nestlé có thể đã thực hiện xong các vụ thoái vốn lớn, và không loại trừ việc bán một thương hiệu hoặc mảng kinh doanh nhỏ hơn. Việc tái định vị danh mục đầu tư của Nestlé đã giúp công ty có vị trí dẫn đầu trong 70% danh mục đang hoạt động.

Để thay thế cho các thương hiệu bị thoái vốn này, Nestlé đã mở rộng các danh mục đang phát triển nhanh chóng như thịt có nguồn gốc từ thực vật của Sweet Earth, nước đóng chai cao cấp thương hiệu Essentia và cà phê Blue Bottle cùng với một thỏa thuận trị giá 7,15 tỷ USD với Starbucks để bán hạt cà phê và đồ uống của chuỗi này tại các cửa hàng tạp hóa và các cửa hàng khác trên khắp thế giới.

Nestlé cũng tăng gấp đôi đầu tư vào mảng sức khỏe và lối sống thông qua một loạt các giao dịch như mua phần lớn cổ phần trong Vital Proteins và Orgain, một nhà sản xuất bột protein, sữa lắc và thanh protein, đồng thời mua thương hiệu viên sủi Nuun và nhà cung cấp thực phẩm bổ sung dinh dưỡng The Bountiful Co.

Đặc biệt, Nestlé vẫn theo dõi các mảng kinh doanh để có thể thêm vào danh mục đầu tư mà công ty không có sự hiện diện chính hoặc hoạt động kém hiệu quả. Một phần quan trọng trong cuộc cải tổ của Nestlé không chỉ đến từ các thương vụ mua lại mà còn là sự đổi mới.

Về thực phẩm, Nestlé đã giới thiệu dòng sản phẩm đông lạnh có tên Life Cuisine nhằm phục vụ những người tiêu dùng đang tìm kiếm các bữa ăn ít carb, nhiều protein, không thịt và không chứa gluten. DiGiorno, thương hiệu pizza đông lạnh hàng đầu, đã tung ra những lát pizza nhân nhồi phù hợp với đám đông thích ăn vặt.

Chú trọng phát triển bền vững

Trong nửa đầu năm 2022, Nestlé đã tăng giá bán trong danh mục đầu tư ở Bắc Mỹ thêm 9,8%. Đến nay, Nestlé nhận thấy thói quen mua sắm, tiêu dùng của mọi người dường như không có sự thay đổi nào liên quan đến giá cả. Ông Presley cho hay công ty cũng đã chuẩn bị cho tình huống tiêu dùng giảm khi tình hình tài chính xấu đi, nhưng điều đó đã không xảy ra. Việc người mua sắm giảm thường là do công ty không thể đáp ứng nhu cầu liên quan đến những thách thức kéo dài trong chuỗi cung ứng.

Ông Presley cho hay với danh mục đầu tư rộng lớn, Nestlé có thể giữ chân bất kỳ vị khách hàng nào ngay cả khi tình hình tài chính khó khăn. Chẳng hạn như Nestlé có các sản phẩm cao cấp từ Blue Bottle và Nespresso, Starbucks dành cho khách hàng ở phân khúc trung cấp và cao hơn một chút, còn Nescafe được những khách hàng có thu nhập thấp hơn ưa chuộng. Về bánh pizza, California Pizza Kitchen và DiGiorno ở phân khúc cao cấp, Jack’s ở mức trung bình và Tombstone ở mức bình dân.

Ông Presley nhấn mạnh người tiêu dùng rất đa dạng và vì vậy danh mục đầu tư của Nestlé cũng phải phong phú trên mọi lĩnh vực.

Trải qua gần hai thế kỷ xây dựng và phát triển, thương hiệu Nestle giờ đây đã sở hữu hơn 2.000 thương hiệu tiêu dùng khác nhau và có mặt trong hàng triệu căn bếp trên toàn thế giới.

Một trong những sản phẩm chủ lực của Nestlé là cà phê. Tại nhiều quốc gia, Nestlé đã canh tác và sản xuất cà phê theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giúp giảm hàng nghìn tấn thải carbon mỗi năm.

Mới đây, Nestle cho biết sẽ chi hơn 1 tỷ Franc Thụy Sĩ (1 tỷ USD) vào năm 2030 cho nỗ lực cung cấp nguồn cà phê bền vững, cao gấp 2 lần so với cam kết trước đó.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng vào năm 2050, khoảng một nửa diện tích đất hiện đang được sử dụng để trồng cà phê, đặc biệt là giống cà phê arabica chất lượng cao, có thể không đạt hiệu quả do nhiệt độ tăng, hạn hán và dịch bệnh.

Trong khi đó, các công ty đa quốc gia đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng về uy tín và pháp lý từ người tiêu dùng cũng như các chính phủ để "làm sạch" chuỗi cung ứng toàn cầu của họ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ủy ban châu Âu đã đề xuất một số luật nhằm ngăn chặn, và trong trường hợp sử dụng lao động cưỡng bức sẽ bị cấm nhập khẩu và dùng các sản phẩm có liên quan đến vi phạm nhân quyền và môi trường.

Nestle đã cam kết cung cấp nguồn cà phê bền vững vào năm 2025. Nestle cho biết đang đặt mục tiêu, vào thời điểm đó, 20% cà phê của công ty này được trồng bằng các phương pháp nông nghiệp tái sinh.

Các biện pháp nông nghiệp tái sinh bao gồm trồng cây che phủ để bảo vệ đất, sử dụng phân hữu cơ để cải thiện độ phì nhiêu của đất, tăng cường sử dụng nông lâm kết hợp và trồng xen canh để bảo tồn đa dạng sinh học, tất cả đều nhằm mục đích giảm một nửa lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Theo tuyên bố của Nestle về kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu cho nguồn cung ứng cà phê bền vững, công ty "cam kết hỗ trợ những nông dân chấp nhận rủi ro và chi phí liên quan đến việc chuyển sang nông nghiệp tái sinh", đồng thời cung cấp các chương trình nhằm giúp nông dân cải thiện thu nhập.

Một báo cáo lớn về cà phê được công bố vào năm 2021 cho thấy, có rất ít bằng chứng về nỗ lực của các nhà rang xay và buôn bán cà phê hàng đầu thế giới nhằm ngăn chặn các hành vi xâm phạm nhân quyền và môi trường, với hầu hết nông dân làm ăn thua lỗ và không thể sản xuất bền vững.

Theo báo cáo, ngành cà phê được định giá từ 200 tỷ đến 250 tỷ USD/năm ở cấp độ bán lẻ, nhưng các nước sản xuất chỉ nhận được chưa tới 10% giá trị đó, ngành xuất khẩu hạt cà phê và nông dân thậm chí còn nhận được ít hơn thế.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Fairtrade và Technoserve, khoảng 125 triệu người trên thế giới sống dựa vào cà phê, trong khi ước tính khoảng 80% các gia đình trồng cà phê sống ngang bằng hoặc dưới mức nghèo khổ.

Câu chuyện về Nestle, nhà sản xuất bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi "nức tiếng" toàn cầu, được bắt đầu từ cuối những năm 1800 tại Thụy Sỹ. Năm 1867, ông Henri Nestle, một dược sĩ người Đức, đã mở một công ty sản xuất thực phẩm chế biến từ sữa ở thị trấn nhỏ Veyey. Sản phẩm đầu tiên của Henri là một loại ngũ cốc dành cho trẻ sơ sinh, được kết hợp từ sữa bò, bột mỳ và đường. Sản phẩm này sau đó đã trở nên vô cùng nổi tiếng và được ưa chuộng bởi nhiều bà mẹ thiếu hoặc không có sữa cho con bú.

Thời điểm đó, đối thủ mạnh nhất phải kể đến Anglo-Swiss Condensed Milk Company, công ty chuyên sản xuất sữa đặc, được thành lập bởi ba anh em người Mỹ đến từ thành phố Cham, Thụy Sỹ. Thương hiệu này đã đem tới một sản phẩm sữa an toàn hơn so với sữa tươi.

Sau hơn hai 20 năm cạnh tranh khốc liệt, công ty Nestle và Anglo-Swiss Condensed Milk đã sáp nhập thành công vào năm 1905. Đây được xem là nền tảng phát triển của một tập đoàn đa quốc gia chuyên về thực phẩm bổ sung sức khỏe, nước đóng chai, bánh kẹo và thức ăn cho vật nuôi.

Tin Cùng Chuyên Mục