Nền tảng thương mại điện tử TikTok tăng trưởng gấp 4 lần tại ASEAN, thu hẹp khoảng cách với Shopee

Giang Phạm

Theo báo cáo của Momentum Works, nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop đã tăng trưởng vượt bậc, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng gần gấp 4 lần từ 4,4 tỷ USD năm 2022 lên 16,3 tỷ USD trong năm ngoái.

TikTok - ứng dụng video ngắn lan truyền thuộc sở hữu của ByteDance của Trung Quốc đang trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Đông Nam Á, một thị trường từ lâu đã được 'đại gia' Shopee và Lazada thống trị, theo một nghiên cứu thường niên được công bố ngày 15/7.

Theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works có trụ sở tại Singapore, nền tảng thương mại điện tử TikTok Shop đã tăng trưởng vượt bậc, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) tăng gần gấp 4 lần từ 4,4 tỷ USD năm 2022 lên 16,3 tỷ USD trong năm ngoái. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong số các đối thủ trong khu vực.

Nền tảng thương mại điện tử TikTok tăng trưởng gấp 4 lần tại ASEAN, thu hẹp khoảng cách với Shopee - Ảnh 1

Sau khi thâu tóm Tokopedia của Indonesia vào năm ngoái, nền tảng thương mại điện tử của TikTok đã vượt qua Lazada, trở thành 'ông lớn' thứ hai tại khu vực ASEAN, với thị phần ước tính đạt 28,4% tính đến cuối năm ngoái.

Tổng GMV thương mại điện tử của khu vực đạt 114,6 tỷ USD trong năm 2023, tăng 15% so với năm trước đó.

Shopee vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 48% thị phần, tiếp theo là Lazada với 16,4%, trong khi TikTok và Tokopedia mỗi bên chiếm 14,2%.

Jianggan Li, CEO của Momentum Works, nhận định TikTok trở thành một "đối thủ đáng gờm" tại Đông Nam Á, nơi công ty này cam kết đầu tư hàng tỷ USD. Ông Li dự đoán, "Năm nay, tùy thuộc vào mức độ hợp nhất với Tokopedia, họ có thể trở thành người chơi số 1 tại Indonesia".

Kể từ khi bước chân vào lĩnh vực thương mại điện tử năm 2021, TikTok đã tích cực tuyển dụng nhân sự tại Đông Nam Á, trong khi các đối thủ hiện tại đang cắt giảm nhân lực để hướng tới lợi nhuận.

Đến năm 2023, TikTok đã tăng gấp 4 lần số lượng nhân viên, lên hơn 8.000 người, ngang bằng với Lazada, theo Momentum Works.

TikTok đã phát triển tính năng thương mại điện tử bằng cách tận dụng chức năng livestream, nơi các nhà bán hàng giới thiệu đa dạng sản phẩm từ mỹ phẩm, thời trang đến đồ gia dụng, giúp người dùng mua sắm trực tiếp.

Cùng lúc đó, Shopee, vốn đang cắt giảm chi phí để hướng tới lợi nhuận, đã chuyển sang thế 'tấn công' để bảo vệ thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt từ TikTok. Vào tháng 8, Sea - công ty mẹ của Shopee, tuyên bố sẽ đẩy mạnh đầu tư vào khả năng livestream và logistics.

Tuy nhiên, TikTok cũng đã gặp phải những thách thức tại Đông Nam Á. Tại Indonesia, TikTok Shop buộc phải tạm ngừng hoạt động sau khi chính phủ cấm giao dịch mua sắm trực tuyến trên mạng xã hội.

Vài tháng sau, TikTok tuyên bố sẽ đầu tư hơn 1,5 tỷ USD và nắm giữ 75% cổ phần của Tokopedia - nền tảng thương mại điện tử hàng đầu thuộc tập đoàn công nghệ GoTo của Indonesia nhằm khởi động lại hoạt động kinh doanh mua sắm trực tuyến tại quốc gia này.

TikTok và Tokopedia đã phát triển và nắm giữ 39% thị phần tại Indonesia, chỉ đứng sau Shopee với 40%. 

Tin Cùng Chuyên Mục