Tại Việt Nam, trẻ em luôn là đối tượng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, gia đình và toàn xã hội. Quyền và lợi ích của trẻ em, nghĩa vụ của Nhà nước, gia đình, xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam và được cụ thể hóa tại các luật liên quan. Ngoài ra, Việt Nam cũng tích cực, chủ động tham gia vào các cơ chế pháp lý quốc tế đa phương liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ quyền trẻ em. Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và quốc gia thứ 2 trên thế giới phê chuẩn công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em cũng như tham gia các văn kiện quốc tế khác có quy định về bảo vệ trẻ em liên quan đến pháp luật như Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, các nghị định thư bổ sung Công ước về Quyền trẻ em.
Phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, bên cạnh việc hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người chưa thành niên, việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật về tư pháp người chưa thành niên là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, mang tính chiến lược. Thông qua công tác nghiệp vụ của các cán bộ thực thi pháp luật, các chính sách, quy định của pháp luật về bảo vệ người chưa thành niên liên quan đến pháp luật sẽ được hiện thực hóa, đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng hy vọng các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia, cán bộ thực tiễn tham gia Phiên thảo luận sẽ cùng chia sẻ, đánh giá kết quả đạt được cũng như nhận diện những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này để đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tư pháp người chưa thành niên, hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp người chưa thành niên chuyên nghiệp, có năng lực chuyên môn, kỹ năng giải quyết vụ việc một cách kịp thời, khách quan, hiệu quả, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp cho người chưa thành niên.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền và lợi ích trẻ em, Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam Giorgio Aliberti khẳng định Liên minh Châu Âu sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực về tư pháp người chưa thành niên. Ông hy vọng Phiên thảo luận sẽ góp phần tăng cường hiệu quả bảo vệ người chưa thành niên có liên quan đến pháp luật.
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam - bà Rana Flowers khẳng định, trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong việc lồng ghép tư pháp cho người chưa thành niên vào tiến trình cải cách tư pháp và luật pháp của đất nước. Ủy ban Quyền trẻ em đặc biệt khen ngợi việc quy định các biện pháp xử lý chuyển hướng, các thủ tục tố tụng thân thiện với trẻ em, các tiêu chuẩn đối xử tối thiểu đối với trẻ em khi tiếp xúc với hệ thống tư pháp, cũng như việc hình thành các Tòa Gia đình và người chưa thành niên với tư cách là các tòa chuyên trách về trẻ em.
Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ quyền và lợi ích của trẻ em, bà Rana Flowers đề nghị Việt Nam cần nhanh chóng hình thành Tòa Gia đình và người chưa thành niên ở tất cả các quận/huyện, phân công các thẩm phán, kiểm sát viên, cảnh sát chuyên trách về bảo vệ trẻ em; xây dựng chương trình đào tạo tư pháp người chưa thành niên cơ bản, mang tính quy chuẩn dành cho tất cả cán bộ tiến hành tố tụng được giao nhiệm vụ điều tra, truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên; xây dựng các nền tảng học tập trực tuyến để nâng cao năng lực cho các chuyên gia tư pháp.
Trong phần còn lại của Phiên thảo luận, các đại biểu đã được nghe các diễn giả trong và ngoài nước trình bày tham luận liên quan chủ đề nâng cao năng lực chuyên sâu về tư pháp người chưa thành niên.