Tại diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận về các tác động và thách thức trong việc xây dựng chính sách tài chính phù hợp với bối cảnh toàn cầu, đồng thời đề xuất giải pháp đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Theo các chuyên gia, mục tiêu này mang ý nghĩa chiến lược với tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, trong bối cảnh cả nước đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% vào năm 2025, làm nền tảng cho tầm nhìn trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.
Tuy nhiên, việc hiện thực hóa tham vọng này đòi hỏi không chỉ sự đổi mới từ TP.HCM mà cả sự cải cách toàn diện về hạ tầng pháp lý, công nghệ và nguồn lực trên quy mô toàn quốc. Mức độ cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur hay Manila đang ngày càng khốc liệt.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Võ Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank – cho biết trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là điểm đến cho dòng vốn mà còn là hạt nhân thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao và nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia. Đón đầu xu thế này, Nam A Bank đã triển khai loạt chuẩn mực quốc tế như IFRS, ESG, Basel II nâng cao và Basel III, đồng thời công bố báo cáo phát triển bền vững như một phần của chiến lược dài hạn.
Ông Võ Hoàng Hải – Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank chia sẻ tại Diễn đàn
Việc chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế được đánh giá là bước đi quan trọng giúp ngân hàng nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn toàn cầu, đồng thời tạo nền tảng cho hoạt động tài chính bền vững.
Trong những năm qua, Nam A Bank kiên định theo đuổi chiến lược “chuyển đổi số và chuyển đổi xanh”. Ngân hàng này là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam hợp tác cùng Quỹ hợp tác khí hậu toàn cầu (GCPF) để triển khai chương trình “Tín dụng xanh” – cung cấp vốn ưu đãi cho các dự án thân thiện với môi trường và xã hội. Ngoài ra, Nam A Bank cũng đã ký biên bản ghi nhớ với công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) nhằm tăng cường phát triển tín dụng xanh tại Việt Nam.
Song song với việc đầu tư cho công nghệ và nhân sự, ngân hàng cũng đẩy mạnh đa dạng hóa các nguồn vốn quốc tế, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào hệ sinh thái tài chính toàn cầu, đóng góp vào quá trình đưa TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung trở thành điểm đến chiến lược của ngành tài chính khu vực.