Dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản vẫn tăng
Dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Bộ Xây Dựng cho biết dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng tính đến ngày 31/12/2022. Vào cuối năm 2021, con số này xấp xỉ là 700.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Theo Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng.
Liên quan đến dòng vốn cho bất động sản, thông tin tại Toạ đàm "Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và triển vọng năm 2023" mới đây, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, sau Tết nguyên đán, Chính phủ sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp bất động sản bàn về giải pháp tháo gỡ. Thống đốc NHNN cũng triệu tập các ngân hàng họp bàn và nghiên cứu, đánh giá thực chất thị trường cho vay bất động sản để đề ra giải pháp trước khi gặp gỡ các doanh nghiệp sau Tết.
Thị trường bất động sản có thể phục hồi từ quý III/2023
Bước sang năm 2023, nguồn cung của thị trường bất động sản thời điểm đầu năm được dự báo sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, nếu chính sách vĩ mô được điều chỉnh, từ cuối quý I, những dự án phù hợp với nhu cầu như nhà ở bình dân, nhà ở xã hội đang triển khai dở dang, vướng mắc ở giai đoạn trước có khả năng sẽ được khơi thông, giúp đưa vào thị trường một nguồn cung mới.
Nhận định về thị trường bất động sản năm 2023, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản cho rằng, các chính sách cần được ban hành theo 3 hướng: Thúc đẩy phát triển dự án phù hợp với nhu cầu thị trường; cải thiện dòng tiền cho người vay mua nhà ở xã hội, nhà ở bình dân; cải thiện điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp thông thoáng hơn nhưng vẫn được kiểm soát.
Đầu tháng 1, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023, trong đó có những định hướng, chủ trương để giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và nhiều chuyên gia cho rằng, những chỉ đạo quyết liệt, kịp thời sẽ tạo ra những động lực thay đổi căn bản để phục hồi và phát triển thị trường bất động sản trong năm 2023 này.
Từ cuối năm 2022, Chính phủ đã lập Tổ công tác giải quyết những vướng mắc trong thực hiện các dự án bất động sản. Bộ Xây dựng liên tục làm việc với các địa phương, doanh nghiệp để tìm ra các nút thắt lớn nhất hiện nay.
Trong đó, khó khăn do thủ tục pháp lý chồng chéo, hoặc chưa rõ ràng chiếm tới 70%. Theo sau là những khó khăn về vốn, lệch pha cung - cầu, thiếu nhà hợp túi tiền, giá nhà liên tục tăng cao... Đại diện Hiệp hội Bất động sản kỳ vọng sẽ có các giải pháp cụ thể để tháp gỡ dần các nút thắt.
Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…
Bộ Xây dựng tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; khẩn trương đề xuất giải pháp phát triển thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn, hiệu quả, ổn định, bền vững; rà soát, chủ động thực hiện hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan; trình Chính phủ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)...
Trao đổi về vấn đề này, theo TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để khơi thông nguồn vốn cho thị trường trái phiếu cần quyết liệt chỉ đạo giải quyết nhanh chóng, dứt điểm và nghiêm minh những vi phạm về phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian vừa qua để lấy lại niềm tin của các nhà đầu tư.
“Cần nhanh chóng cải cách thủ tục, điều kiện, rút gọn thời gian cấp phép phát hành để tạo điều kiện, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng. Đây sẽ là kênh gọi vốn quan trọng của doanh nghiệp, đặc biệt những doanh nghiệp bất động sản cần vốn để đảo nợ khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đang được kiểm soát chặt chẽ hơn và dòng vốn tín dụng không dồi dào”, TS. Cấn Văn Lực đề xuất giải pháp.
Các doanh nghiệp bất động sản cho biết, thị trường hiện nay có sự khác biệt rõ ràng so với cách đây 10 năm trước. Nếu các khó khăn được tháo gỡ, thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục, do nhu cầu nhà ở trong dân vẫn rất lớn. Các chuyên gia cũng đưa ra dự báo, nếu các giải pháp tháo gỡ được đưa ra cụ thể, thị trường bất động sản có thể hồi phục trở lại từ quý III, quý IV năm nay.