Ngày pháp luật

Năm 2023: đột phá về chuyển đổi số

Thanh Thanh

Ông Nguyễn Trọng Đường – Chuyên gia chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng trong 3 năm qua, Việt Nam đã tạo lập được các điều kiện cần thiết để năm 2023 có thể tăng tốc, bứt phá về chuyển đổi số. Xung quanh nội dung này chuyên gia chuyển đổi số (CĐS) Nguyễn Trọng Đường đã có cuộc trao đổi với DN&PL.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng CĐS hiện nay của Việt Nam?

Những năm vừa qua, Việt Nam có nhiều bước tiến đáng ghi nhận về CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chính phủ điện tử đang chuyển đổi mạnh mẽ sang Chính phủ số, với các dịch vụ công được triển khai sâu rộng trên môi trường mạng ở tất cả các Bộ, ban, ngành, địa phương. Chương trình phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, áp dụng hóa đơn điện tử,... đang được triển khai mạnh mẽ. Kinh tế số tăng trưởng trên 30%/năm. Mức độ người dân sử dụng tài khoản điện tử và dịch vụ trực tuyến cũng tăng trưởng nhanh chóng.

Năm 2023: đột phá về chuyển đổi số - Ảnh 1

Đối với các doanh nghiệp (DN), công tác CĐS đã có những bước tiến rõ ràng. Chỉ tính riêng trên Cổng CĐS  doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa SMEdx của Bộ TT&TT đã có trên 600.000 DN tiếp cận, 70.000 DN sử dụng các nền tảng của chương trình để CĐS. Nhiều DN tham giá đánh giá mức độ CĐS trên cổng https://dbi.gov.vn. Có thể thấy công tác CĐS trong các cơ quan Nhà nước, trong DN và người dân đang diễn ra rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, thực tế với một số lượng lớn các DN thì CĐS vẫn đang chủ yếu lan tỏa theo chiều rộng chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu. Số DN thực sự có khát vọng và quyết tâm CĐS để thay đổi mô hình, phương thức sản xuất, từ đó đưa ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mở rộng ra các thị trường mới, tạo ra các giá trị mới chưa nhiều.

Để CĐS theo chiều sâu thì phải đo lường được, các DN phải quan tâm đánh giá mức độ CĐS của mình, xem thực chất mình đang ở đâu trong quá trình chuyển đổi số, các lĩnh vực mình đang hạn chế, yếu kém là gì để từ đó có chiến lược, giải pháp CĐS phù hợp theo từng giai đoạn. Bộ TT&TT đã hoàn thiện xây dựng bộ chỉ số và công cụ đánh giá mức độ CĐS DN trên cổng https://dbi.gov.vn với 6 trụ cột CĐS gồm 60 tiêu chí cho DN nhỏ và vừa và 139 tiêu chí cho DN lớn. Các DN có thể sử dụng bộ công cụ này để tự đánh giá hoặc thuê tư vấn đánh giá độc lập để đo lường mức độ CĐS của mình. Tuy nhiên hiện số lượng DN tham gia đánh giá mức độ CĐS trên cổng https://dbi.gov.vn mới chỉ khoảng 500 DN. Điều này phản ánh số DN thực sự quan tâm CĐS theo chiều sâu là chưa cao.

Năm 2023: đột phá về chuyển đổi số - Ảnh 2

Đối với CĐS xã hội hay xã hội số, kỹ năng số của người dân là vấn đề cần tăng cường. Người dân cần được phổ biến, trang bị các kiến thức, kỹ năng hoạt động trên không gian mạng cũng như kỹ năng để phòng, tránh và tự bảo vệ mình trên môi trường số. Khi mức độ người dân sử dụng các nền tảng số, các hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng tăng thì mức độ hiểu biết về rủi ro trong môi trường mạng, an toàn thông tin mạng cũng cần được nâng cao. Đặc biệt hiểu biết về vấn đề an toàn thông tin mạng cần được tăng cường ở cả người dân và DN.

Hiện nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa đang lúng túng không biết CĐS bắt đầu từ đâu, lựa chọn sản phẩm nào cho phù hợp... ông có thể đưa ra lời khuyên cho các DN?

Hai vấn đề DN cần chú ý để CĐS nhanh và hiệu quả. Thứ nhất là, sử dụng nền tảng số tốt để chuyển đổi số; Thứ hai là định kỳ đánh giá đo lường mức độ chuyển đổi số.

Một số DN có ý định đầu tư xây dựng phần mềm, hệ thống công nghệ phục vụ cho CĐS của mình. Việc này sẽ tốn rất nhiều thời gian, chi phí và hiệu quả đem lại không cao, đặc biệt là đối với DN nhỏ và vừa. Nếu không phải là DN quy mô rất lớn, lĩnh vực kinh doanh không quá đặc thù riêng nên thuê sử dụng các nền tảng số tốt hơn là đầu tư hệ thống riêng của mình.

Ông Nguyễn Trọng Đường
Ông Nguyễn Trọng Đường

Để hỗ trợ các DN, Bộ TT&TT đã xây dựng Chương trình SMEdx, trong đó Bộ đã đánh giá, lựa chọn các nền tảng số xuất sắc phù hợp theo từng loại nhu cầu chính của các DN. DN truy cập vào cổng https://dbi.gov.vn để tham khảo, lựa chọn các nền tảng số phù hợp với nhu cầu của mình để sử dụng.

DN cần quan tâm đánh giá mức độ CĐS trên cổng https://dbi.gov.vn. Đây là công cụ Bộ TT&TT đã xây dựng để DN tự đánh giá tổng quan hoặc thuê tư vấn đánh giá chuyên sâu mức độ CĐS của mình, từ đó biết mình đang ở đâu trong quá trình chuyển đối số, mình đang yếu ở những trụ cột nào, tiêu chí nào, từ đó có lộ trình, chiến lược, giải pháp CĐS phù hợp. DN nên thực hiện đánh giá thường xuyên để quá trình CĐS hiệu quả, tối ưu.

Ông nhận định như thế nào về mức độ CĐS trong năm 2023?

Có thể thấy năm 2020 là năm chúng ta bắt đầu CĐS, năm 2021 và 2022 chúng ta đã tạo lập được các cơ sở nền tảng, hạ tầng, hình thành hành lang pháp lý, môi trường chính sách cho CĐS. Chúng ta đã tạo lập được các điều kiện cần thiết để năm 2023 có thể tăng tốc, bứt phá về CĐS. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, kinh tế số Việt Nam 2022 tăng trưởng cao nhất trong khối ASEAN với tốc độ tăng 31%/năm và sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong năm tới. Chúng ta đang hội tụ những tiềm năng, cơ hội để năm 2023 là một năm hứa hẹn sự bứt phá mạnh mẽ của CĐS và kinh tế số Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Tin Cùng Chuyên Mục