Trong Bản tin nhà đầu tư quý 4/2024, Ban Điều hành Nafoods Group (NAF) đã bày tỏ sự thận trọng khi nhận định các rủi ro từ môi trường kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu trong năm 2025, có khả năng tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế toàn cầu và Việt Nam.
Cụ thể, NAF chỉ ra các thách thức chính bao gồm: Diễn biến thời tiết bất ổn ảnh hưởng đến sản lượng và giá nguyên liệu đầu vào; áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt tác động đến biên lợi nhuận; căng thẳng địa chính trị ảnh hưởng giá dầu và chi phí logistics; áp lực lạm phát và lãi suất tăng ảnh hưởng chi phí tài chính và khả năng huy động vốn. Đặc biệt, công ty cũng lưu ý về căng thẳng thương mại từ chính sách thuế quan của Mỹ có thể ảnh hưởng đến các hàng rào bảo hộ tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Mặc dù nhận diện rõ các khó khăn, ban lãnh đạo NAF vẫn trình cổ đông kế hoạch kinh doanh 2025 khá tham vọng với mục tiêu doanh thu thuần đạt 1.985 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 135 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 38% và 16% so với kết quả thực hiện năm 2024.
Động lực tăng trưởng này dựa trên chiến lược tập trung tăng sản lượng bán hàng các sản phẩm chủ lực như chanh leo và xoài (mục tiêu tăng 20%), đồng thời đẩy mạnh phát triển các sản phẩm mới như sầu riêng, chanh leo quả tươi và tái khẳng định vị thế với sản phẩm dứa.
Hoạt động xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu doanh thu của NAF. Năm 2024, doanh thu xuất khẩu chiếm gần 88% tổng doanh thu thuần (đạt gần 1.262 tỷ đồng), dù có giảm nhẹ so với tỷ lệ trên 90% của năm 2023. Để thúc đẩy mảng này, NAF định hướng phát triển thêm thị trường Trung Quốc và Úc, bên cạnh việc duy trì và củng cố vị thế tại các thị trường truyền thống như Châu Âu và Châu Mỹ. Đáng chú ý, công ty còn lên kế hoạch quay trở lại thị trường Nga với dòng sản phẩm sấy và thương hiệu Nafoods.
Về hoạt động sản xuất, NAF đặt mục tiêu phát triển vùng nguyên liệu với 5.000ha chanh leo, 100ha thanh long và 100ha dứa MD2, đảm bảo tỷ lệ thu mua từ vùng trồng đạt trên 70%. Công ty cũng hướng tới nâng cao công suất hiệu dụng nhà máy lên trên 85% và liên tục nghiên cứu phát triển sản phẩm mới như bộ sản phẩm Juice Smile, các sản phẩm ít/không đường và sản phẩm sấy dẻo mới (mận, vải).
Chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu, tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ và mua lại cổ phiếu ưu đãi
Về chính sách cổ đông, ban lãnh đạo NAF đề xuất phương án chia cổ tức năm 2024 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10% (cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu sẽ nhận thêm 1 cổ phiếu mới). Dự kiến, NAF sẽ phát hành tối đa gần 5,6 triệu cổ phiếu cho đợt chia cổ tức này. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025, sau khi nhận được sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Bên cạnh đó, NAF cũng trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2025 phê duyệt việc tiếp tục thực hiện phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ đã được thông qua tại ĐHĐCĐ 2024. Theo nghị quyết năm trước, NAF dự định phát hành riêng lẻ tối đa 15 triệu cổ phiếu để tăng vốn cho các công ty con thực hiện dự án đầu tư và bổ sung vốn lưu động. Tuy nhiên, do điều kiện thị trường vốn chưa thuận lợi trong năm 2024, kế hoạch này đã chưa thể triển khai.
Tương tự, kế hoạch mua lại tối đa gần 12,4 triệu cổ phiếu ưu đãi hoàn lại đã phát hành từ năm 2019 với giá 15.000 đồng/cổ phiếu, cũng sẽ được trình cổ đông tiếp tục thực hiện do chưa hoàn tất trong năm qua vì lý do khách quan.