Ngày pháp luật

Mỹ chi 1,5 tỷ USD để xây dựng giải pháp thay thế Huawei

Anh Vũ

Các doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông Mỹ chưa đủ mạnh để thay thế những nhà sản xuất lớn như Nokia, Ericsson, Samsung, ZTE hay Huawei, khoản đầu tư từ chính phủ Mỹ được kì vọng sẽ thay đổi phần nào tình hình.

Là một trong những công ty sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất trên thế giới, Huawei cung cấp các sản phẩm mình cho nhiều quốc gia, khu vực toàn cầu. Thế nhưng, do những căng thẳng giữa Mỹ - Trung Quốc cùng nhiều lo ngại về vấn đề an toàn thông tin khiến Huawei đã bị cấm tại đây.

Các công ty khác trong cùng lĩnh vực như Nokia hay Ericsson ở thời điểm hiện tại đang phần nào lấp đầy khoảng trống mà Huawei để lại. Dù vậy, phía Mỹ vẫn kì vọng những doanh nghiệp nội địa phát triển mạnh mẽ hơn để tự lực trong cả công nghệ lẫn khả năng sản xuất linh kiện viễn thông.

Không những đảm bảo vấn đề an toàn thông tin, việc tự lực trong sản xuất thiết bị viễn thông còn có thể giúp phía Mỹ mang về doanh thu khi bán những thiết bị này cho các quốc gia, khu vực khác.
Không những đảm bảo vấn đề an toàn thông tin, việc tự lực trong sản xuất thiết bị viễn thông còn có thể giúp phía Mỹ mang về doanh thu khi bán những thiết bị này cho các quốc gia, khu vực khác.

Động thái đầu tư 1,5 tỷ USD mới đây tiếp tục là hành động chứng tỏ nỗ lực này của chính phủ Mỹ. Nằm trong gói hỗ trợ công nghệ cao, khoản đầu tư được kì vọng sẽ xây nên hệ sinh thái mở cho các thiết bị viễn thông (ORAN) thay vì sử dụng những thiết bị độc quyền từ các hãng sản xuất lớn.

Không nhiều doanh nghiệp sử dụng tiêu chuẩn này, lớn nhất trong số đó có Rakuten của Nhật Bản. Tuy nhiên, phía Mỹ kì vọng với khoản đầu tư lớn, các đơn vị sử dụng thiết bị viễn thông có thể chuyển đổi phần nào sang tiêu chuẩn mới, những doanh nghiệp thành lập trong tương lai cũng sẽ đạt nhiều lợi ích khi áp dụng ORAN.

Facebook cùng nhiều tập đoàn công nghệ khác ủng hộ kế hoạch trên của chính phủ Mỹ, phía Facebook cho rằng ORAN sẽ là giải pháp phù hợp cho những thị trường đang phát triển, mang lại cơ hội mới cho những doanh nghiệp nhỏ để cạnh tranh với Nokia, Ericsson, ZTE hay Huawei.

Về phía cạnh tranh, Mỹ không có nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị viễn thông đủ tầm để cạnh tranh với các đối thủ từ Châu Á. Giải pháp mới không những giúp Mỹ bắt kịp công nghệ mà còn tạo ra cơ hội thu về khoản lợi nhuận khi cung cấp thiết bị cho những quốc gia khác.

Tin Cùng Chuyên Mục