Grab Holdings, công ty khởi nghiệp có giá trị lớn nhất Đông Nam Á đã công bố sẽ niêm yết cổ phiếu tại Mỹ bằng cách hợp nhất với Altimeter Growth - một công ty SPAC, biến đây trở thành thương vụ "sáp nhập séc trắng" (SPAC) lớn nhất thế giới với mức định giá khoảng 40 tỷ USD.
Trong 3 năm trở lại đây, SPAC nổi lên như một hình thức IPO tiết kiệm thời gian và đặc biệt có lợi cho các công ty khởi nghiệp. Xu hướng này cũng rất được yêu thích bởi các công ty châu Á nhưng không có quá nhiều doanh nghiệp hiểu rõ nó là gì. Dưới đây là 5 điều cơ bản mà bạn cần biết về sáp nhập séc trắng.
SPAC là gì?
SPAC (Special-purpose acquisition company) là công ty mua lại với mục đích đặc biệt, hay còn được biết đến với tên "công ty séc trắng". Điều làm SPAC trở nên đặc biệt chính là việc các doanh nghiệp này thực chất đều là những công ty rỗng, thành lập chỉ phục vụ cho mục đích IPO nhằm huy động vốn từ các nhà đầu tư. Số tiền thu được từ đợt IPO sẽ được dùng để cho các lần sáp nhập mới.
Nhà đầu tư thường chấp nhận trở thành cổ đông của một công ty rỗng như vậy vì sự tin tưởng rằng lãnh đạo của SPAC có thể tìm ra các cơ hội sáp nhập tốt, ví dụ như mua lại những công ty kỳ lân trong công nghệ được kỳ vọng trở thành Apple hay Tesla mới,.. Có thể hiểu đơn giản một khi trở thành cổ đông của SPAC, nhà đầu tư đã đủ tin tưởng đưa một tờ "séc trắng" cho lãnh đạo SPAC và để họ tìm mua công ty nào tùy thích, miễn là mang lại lợi nhuận.
heo chuyên gia phân tích SPACInsider, số lượng công ty séc trắng đang tăng lên nhanh chóng. Hiện đã có 248 SPAC được thành lập vào năm 2020, huy động được tổng cộng 83 tỷ USD. Con số này chỉ là59 SPAC với 13,6 tỷ USD vốn huy động vào năm 2019.
Xu hướng SPAC vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại khi đã có hơn 300 SPAC được tung ra và cuối tháng 4 và thu hút thành công hơn 100 tỷ USD tiền vốn.
Tại sao SPAC lại là xu hướng được nhiều start-up yêu thích?
SPAC thực chất đã tồn tại hơn 30 năm nhưng phải đến những năm gần đây mới trở thành một lựa chọn IPO phổ biến và Covid-19 là một trong những nguyên nhân chính.
Đại dịch khiến thị trường chứng khoán trở nên khó đoán và gây khó khăn cho các công ty và nhà đầu tư khi nghiên cứu phương pháp IPO truyền thống, vốn tốn nhiều thời gian. Đối với các công ty công nghệ tăng trưởng cao, SPAC mang lại cơ hội phát triển nhanh hơn trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt.
Một đợt IPO truyền thống ở Mỹ thường mất ít nhất 6 tháng đến một năm để chuẩn bị. Không những vậy các công ty còn phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý, đồng thời thăm dò sức mua của nhà đầu tư,...
SPAC, ở phía ngược lại là một lựa chọn hấp dẫn cho các công ty cần huy động vốn nhanh. Sau khi các cổ đông của SPAC thông qua thương vụ mua lại, thông thường chỉ mất từ 3 đến 4 tháng để hoàn thành việc niêm yết ra công chúng. SPAC cũng cho biết chắc chắn hơn về số vốn mà một công ty có thể huy động được.
“Sự gia tăng của SPAC phần lớn được thúc đẩy bởi thực tế là có quá nhiều rào cản xung quanh việc phát hành công khai theo cách thông thường." - David Chao, đồng sáng lập của công ty đầu tư mạo hiểm DCM lý giải nguyên nhân SPAC trở nên phổ biến.
Tại sao các công ty châu Á lại quan tâm đến SPAC?
Theo Nikkei Asia, Grab và nhiều công ty công nghệ mới nổi của châu Á có nhu cầu vốn lớn để thúc đẩy tăng trưởng và theo kịp các đối thủ cạnh tranh. Hợp nhất với SPAC đem đến một lựa chọn dễ dàng để tiếp cận thị trường Mỹ với nguồn vốn dồi dào.
Đối thủ trực tiếp của Grab, Gojek (Indonesia) cũng được cho là đang chuẩn bị hợp nhất với công ty thương mại điện tử Tokopedia trước khi ra mắt công chúng thông qua lộ trình SPAC.
Tính từ năm 2020 đến cuối tháng 4 năm nay, đã có 7 công ty có trụ sở tại châu Á niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua SPAC, nâng tổng số SPAC tại châu Á lên con số 14. Theo PitchBook, chỉ 14 công ty này đã huy động được 2,8 tỷ USD trong năm 2021, vượt trội so với con số 2 tỷ USD trong năm 2020.
Công ty luật quốc tế Morrison & Foerster cũng cho biết có 8 công ty khác trong khu vực Đông Nam Á đang lên kế hoạch IPO thông qua SPAC, trong đó có Vinfast của Việt Nam.
Những rủi ro khi sáp nhập SPAC
Các quy tắc niêm yết của Mỹ yêu cầu các SPAC phải mua lại và hợp nhất với một công ty đang hoạt động trong vòng 2 năm. Nếu không đáp ứng được điều kiện này, SPAC sẽ phải giải thể và trả lại tiền thu được từ IPO cho các cổ đông.
Nikkei Asia thống kê có đến 430 SPAC được niêm yết trên thị trường Mỹ hiện đang chật vật tìm các mục tiêu sáp nhập trước khi vượt quá thời hạn 2 năm. Việc buộc phải đưa ra lựa chọn trong thời gian ngắn có thể khiến SPAC phải trả một giá sáp nhập quá cao.
"Tôi cho rằng hiệu suất cổ phiếu của một số doanh nghiệp sau khi sáp nhập SPAC không được như kỳ vọng, có thể là vì họ đã trả giá quá cao" - Một chuyên gia tại PitchBook nói.
Một rủi ro khác của SPAC là các công ty được phép đưa ra các dự báo doanh thu trong tương lai, khiến các số liệu có thể gây nhầm lẫn với các nhà đầu tư ít kinh nghiệm.
SPAC trong mắt các cơ quan quản lý
Các cơ quan quản lý Mỹ đã vào cuộc để hạ nhiệt thị trường SPAC đang nóng lên. John Coates, quyền giám đốc tài chính doanh nghiệp tại Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho rằng các ưu điểm của SPAC đang bị "phóng đại và gây hiểu nhầm nghiêm trọng".
Trong tháng 4, SEC cũng đưa ra một số cảnh báo với các nhà đầu tư đại chúng và đưa ra các hướng dẫn mới nhằm tăng tính minh bạch trong các giao dịch SPAC.
Ở châu Á, các công ty SPAC vẫn chưa phổ biến do quy trình kiểm tra phức tạp hơn nhiều so với Mỹ. Tuy nhiên nhiều nước đang bắt đầu thay đổi chính sách để bắt kịp làn sóng SPAC. Tờ Nikkei Asia đưa tin Sở giao dịch chứng khoán Singapore đang thiết lập khung quy định mới riêng cho SPAC sẽ được tung ra vào giữa năm nay.
Trong khi đó tại Nhật Bản, hội đồng chính phủ nước này đã đề xuất vào hồi tháng 3 để các nhà chức trách xem xét cho phép SPAC trở thành hình thức kêu gọi vốn hợp pháp cho các công ty khởi nghiệp.